02/11/2024

Hi vọng tân bộ trưởng lắng nghe

Tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề giáo 58 năm. Dù đã về hưu 10 năm nay nhưng tôi vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, nên có thể nói tôi vẫn chưa dứt được cái duyên nợ với giáo dục.

 

Hi vọng tân bộ trưởng lắng nghe

 

Tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề giáo 58 năm. Dù đã về hưu 10 năm nay nhưng tôi vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, nên có thể nói tôi vẫn chưa dứt được cái duyên nợ với giáo dục.

 

 

 

Hi vọng tân bộ trưởng lắng nghe
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 (TP.HCM) trong chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Tâm trạng của một ông giáo già như tôi, cũng như những đồng nghiệp cùng thời, giờ thật sự đã nản. Chúng tôi cảm thấy tất cả ý kiến đề xuất của mình với lãnh đạo ngành giáo dục giống như tiếng kêu giữa sa mạc.

Tôi tham gia Câu lạc bộ Tư duy giáo dục do GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, làm chủ nhiệm danh dự, cùng với hơn 20 nhà giáo tâm huyết với giáo dục. Chúng tôi sinh hoạt thường xuyên hai tháng một lần, bàn rất nhiều vấn đề của giáo dục, nhưng rồi mọi người cười bảo: “Nói để làm gì nhỉ? Vì nói cũng không có tác dụng gì!”.

Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ nói và hi vọng tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT lắng nghe.

Hi vọng tân bộ trưởng lắng nghe
PGS.TS Trần Hữu Tá – Ảnh: Thanh Đạm

Tôi thấy bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên tục đi nhiều nơi, làm việc với các trường học, từ trường tiểu học đến đại học và lãnh đạo các địa phương, để lắng nghe, chuẩn bị xây dựng chính sách mới. Có lẽ đây là bộ trưởng biết lắng nghe chăng? Nếu sự thật như vậy là hồng phúc cho đất nước. Nếu giáo dục làm tốt thì tương lai của đất nước sẽ xán lạn hơn

Trên cơ sở đó, tôi có bốn ý kiến:

1. Giáo dục là đại dương mênh mông, nhưng lâu nay chúng ta có ảo tưởng cứ ôm lấy để quản chặt nó. Nhưng quản một biển rộng lớn như thế cuối cùng được chỗ này, hở chỗ kia, cho nên không bao giờ như ý cả.

Theo tôi, phải lường sức mà làm. Tạm hình dung giáo dục có hai khối đại học và phổ thông. Mỗi khối nên có chủ trương, cách thức quản lý, phương thức chỉ đạo riêng.

Cụ thể, đối với đại học nên nhanh chóng giao cho họ quyền tự chủ (không phải tự trị). Đừng sợ họ đi trái đường lối! Bộ chỉ cần có quy chế, định hướng và các trường theo đó mà làm. Nếu trường nào sai thì nhắc nhở, sai nặng thì xử phạt.

Trước khi giao quyền tự chủ, trước mắt trong hai năm tới, bộ cần kiện toàn hệ thống đại học. Trong đó, xác định trường nào để lại, trường nào phải bồi bổ cho nó mạnh lên; trường nào phải mở rộng, hiện đại hoá, trường nào nên đóng cửa. Tại sao chúng ta không mạnh dạn đóng cửa những trường đại học tồi?

Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học thực hiện theo lộ trình, trường nào đạt chuẩn sẽ được tự chủ. Nếu trao quyền tự chủ cho các trường, bộ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Đồng thời củng cố, kiện toàn hệ thống trường sư phạm.

Ngoài ra, bộ phải quyết liệt chỉ đạo trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên. Hiện nay đội ngũ giảng viên đông nhưng không mạnh. Nên chăng số giảng viên được đào tạo trong nước là 1/3, số đào tạo ở các nước tiên tiến phải chiếm 2/3. Có như thế mới hi vọng nâng chất giáo dục đại học.

Đối với khối phổ thông, một câu hỏi lớn đặt ra cần bộ trưởng trả lời là nghị quyết của Đảng đã được thực hiện đến đâu? Nhìn vào thực tế thấy việc thực hiện chiến lược giáo dục rất ngắn hạn.

Hiện nay mới thấy bộ xúc tiến khâu xây dựng chương trình, chuẩn bị viết sách giáo khoa. Công việc này thực hiện đến đâu vẫn chưa thấy ai trả lời. Đội ngũ viết sách giáo khoa chưa được tổ chức, chương trình cụ thể từng khối, từng cấp vẫn chưa rõ.

Chúng ta nghe nói nhiều đến tích hợp, giảm tải, những điều rất hay ho, nhưng trên thực tế chưa cụ thể việc gì. Cấu trúc hệ thống phổ thông thế nào, vẫn giữ như cũ hay thay đổi, có phân ban không…? Triết lý giáo dục có gì đổi mới, mục tiêu giáo dục của từng cấp được xác định thế nào?

2. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra nhưng vẫn chưa thấy câu trả lời dứt khoát bằng văn bản, được quy chế hóa. Trong khi đến năm học 2018 phải thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới rồi.

Tôi nghĩ ngành giáo dục chắc phải có “đôi hài bảy dặm” mới có thể chạy kịp. Vì vậy, ngành giáo dục cần phải tăng tốc, xốc lại đội ngũ và cần có quyết tâm. Tốt nhất, làm đến đâu công khai đến đó, để những người quan tâm đến giáo dục cùng đóng góp ý kiến.

Bao năm nay chuyện thi cử cứ lùng nhùng mãi. Kỳ này cải cách giáo dục phổ thông phải cải cách thi cử, đổi mới một cách triệt để. Bộ GD-ĐT nên giao việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT, và chỉ cần làm công tác kiểm tra. Chỉ nên tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và hãy làm thật nghiêm túc.

3. Đội ngũ giáo viên hiện nay có đánh giá chỉ 30-40% đạt yêu cầu. Theo tôi, việc này không phải lỗi tại giáo viên mà do đào tạo, bồi dưỡng chưa đến nơi. Giống như không cho tằm ăn lá dâu mà cứ bắt nhả tơ.

Hệ thống các trường đại học sư phạm cần đẩy mạnh thêm nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên. Bên cạnh đó phải chăm lo đời sống giáo viên. Ngân sách nhà nước không đủ khả năng tăng lương cho giáo viên, nên cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở các thành phố lớn.

Hiện nay, chúng ta chỉ mới cho giáo viên sung sướng bằng những ngôn từ hoa mỹ kiểu như “kỹ sư tâm hồn”… Hãy chăm lo cho giáo viên thực chất hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần.

4. Bộ GD-ĐT nên kiện toàn, thanh lọc, nâng cấp chất lượng bộ máy quản lý giáo dục, trước mắt ở cấp bộ và sau đó đến các cấp thấp hơn. Tôi rất tâm đắc với ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Chính phủ liêm chính. Muốn có Chính phủ liêm chính phải có các bộ liêm chính.

Sẽ có bộ liêm chính nếu có những người trong bộ thật sự trong sạch. Không biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có quyết tâm mở đường đột phá để xây dựng bộ liêm chính không?

PGS.TS TRẦN HỮU TÁ (chủ tịch Hội Nghiên cứu – giảng dạy văn học TP.HCM)