02/11/2024

Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục: Quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm

Dù vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng, nhưng theo Bộ GD-ĐT thời gian qua công tác dự báo quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ này chưa được chú trọng đúng mức, cũng như chưa có những biện pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu sử dụng và đổi mới giáo dục.

 
Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục: Quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm
 
 
Dù vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng, nhưng theo Bộ GD-ĐT thời gian qua công tác dự báo quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ này chưa được chú trọng đúng mức, cũng như chưa có những biện pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu sử dụng và đổi mới giáo dục.








Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2015 /// Ảnh: Hà Ánh

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2015ẢNH: HÀ ÁNH


Bộ GD-ĐT chưa có… số liệu
Phát biểu trong hội thảo khoa học quốc gia đào tạo giáo viên (GV) ở các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay tại Hà Nội vừa qua, PGS-TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội công bố đến năm 2018 số GV mới tốt nghiệp mỗi năm khoảng 90.000. Dù tăng tỷ lệ học sinh/GV bình quân tương đương các nước công nghiệp phát triển thì đến năm 2020 cả nước vẫn sẽ dư thừa khoảng hơn 700.000 GV phổ thông.
Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục: Quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục

Ngành giáo dục đang đứng trước một đợt đổi mới căn bản, toàn diện. Từ thực tế những gì đang diễn ra và qua phát biểu mới đây của người đứng đầu ngành, có thể thấy chất lượng giáo viên được nhắc đến như điều kiện tiên quyết làm nên công cuộc đổi mới này.
Số liệu này ngay khi được công bố đã gây hoang mang cho xã hội, đặc biệt là thí sinh chuẩn bị bước vào đợt tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay Bộ chưa có số liệu thống kê chính thức và đầy đủ về số lượng cử nhân sư phạm ra trường chưa có việc làm qua các năm nên không có bình luận về số liệu này.
Ngược lại, đại diện các trường ĐH đào tạo ngành sư phạm lại cho rằng hoàn toàn có thể thống kê và dự báo nhu cầu nhân lực GV cho từng địa phương và cấp học.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ số lượng GV cụ thể từng cấp học và địa phương có trong niên giám của Tổng cục Thống kê, có thể tính được số lượng GV sẽ về hưu từng năm. Trên cơ sở đó, Bộ có thể phối hợp với từng địa phương để hoạch định chỉ tiêu tuyển sinh từng giai đoạn.
 
 
Cần thêm 38.000 GV phổ thông mỗi năm

Theo Quyết định 732 ngày 29.4.2016 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025”, bình quân mỗi năm cần đào tạo mới để thay thế và bổ sung khoảng 38.000 GV phổ thông, khoảng 17.500 GV mầm non.
(Nguồn: Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT)

 

Tiến sĩ Hồng đưa ra ví dụ, theo số liệu thống kê từ niên giám năm 2014, cả nước có hơn 857.000 GV trực tiếp tham gia giảng dạy (không tính bậc mầm non). Tổng số này nhân với 3% (theo công thức ước tính mỗi năm trong 100 GV, có khoảng 3 người sẽ về hưu) thì vào năm 2014 khoảng 26.000 người sẽ về hưu. Như vậy, trước đó 4 năm, Bộ cần có kế hoạch đào tạo sinh viên phù hợp để thay thế lực lượng GV về hưu này. “Hiện tại VN chưa làm tốt việc thống kê và dự báo nên việc đào tạo đúng nhu cầu thực tế chưa làm được”, tiến sĩ Hồng kết luận.

Tương tự, tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng khẳng định việc dự báo này hoàn toàn có thể thực hiện được. Căn cứ trên số lượng học sinh, phòng học, GV các cấp và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội từng địa phương để dự báo nhu cầu nhân lực tương lai. “Đây là tham số quan trọng để xác định chỉ tiêu đào tạo cho từng địa phương và trên phạm vi cả nước”, tiến sĩ Sơn khẳng định.
Giảm chỉ tiêu
Nhiều năm qua, Bộ đã có những cảnh báo liên tiếp về dư thừa nhân lực ngành này. Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, từ năm 2012 – 2013, Bộ đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm giảm chỉ tiêu khoảng 10%/năm. Chỉ tiêu tuyển mới năm 2016 giảm khoảng 30% so với năm học 2012 – 2013. Còn với các cơ sở đào tạo sư phạm trực thuộc các địa phương, Bộ vừa có văn bản đề nghị các UBND chỉ đạo các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm theo lộ trình giảm phù hợp để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Ông Vũ nhấn mạnh: “Chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm hiện nay là cần thiết, ngoài lý do để giải quyết tình trạng thiếu việc làm thì việc các trường sư phạm cần phải chuyển đổi mô hình đào tạo mới sang tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ để nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục là phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.


Ở góc nhìn khác, lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo sư phạm lại cho rằng, việc đào tạo không đúng quy hoạch có nguyên nhân sâu xa từ sự chồng chéo quản lý. Đại diện này phân tích: “Cả nước hiện nay có trên 420 trường ĐH, CĐ, nhưng chỉ có trên 40 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT quản lý. Trong số 120 cơ sở đào tạo GV của cả nước cũng chỉ có trên 10 trường trực tiếp thuộc Bộ GD-ĐT. Việc phân chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở không trực thuộc Bộ mà do UBND địa phương hoặc bộ ngành khác quyết định. Chính hệ thống quản lý chồng chéo, không quy về đầu mối trong đó có việc hoạch định chỉ tiêu tuyển sinh dẫn đến dư thừa nhân lực là tất yếu”.
Người này nói thêm: “Số lượng cơ sở đào tạo GV của VN hiện nay quá nhiều. Hàn Quốc hiện chỉ có 10 trường đào tạo sư phạm, trong khi VN gấp 12 lần. Do vậy cần quy hoạch số lượng cơ sở đào tạo GV xuống mức 20 – 23 là vừa”.
Trước thực tế này, có nhiều ý kiến đề xuất Bộ cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo GV đủ chất lượng để đào tạo cho từng khu vực, việc dàn trải như hiện nay gây ra tình trạng dư thừa số lượng nhưng không đảm bảo chất lượng.
Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục: Quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Khi giáo viên ngại đổi mới

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng một số mô hình, đề án giáo dục mới là việc giáo viên bất hợp tác, tỏ ra không quan tâm…


Tại buổi nói chuyện với giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào ngày 7.6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết trong 8 vấn đề trọng tâm được nêu ra, nhiệm vụ đầu tiên là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo mà đặc biệt là hệ thống ĐH, CĐ. Trong đó, riêng hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm, thời gian tới sẽ quy hoạch thành 8 – 9 cơ sở đào tạo lớn, còn lại sẽ là các phân hiệu để tập trung nguồn lực phát triển hiệu quả.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng bên cạnh việc đào tạo theo nhu cầu và quy hoạch mạng lưới trường sư phạm thì cần thiết giãn sĩ số lớp học. Tiến sĩ Hồng phân tích: “VN hiện đang có khoảng 40% dân số đô thị đang có sĩ số học sinh/lớp học cao gấp 1,5 – 2 lần so với nông thôn. Nếu giải quyết sĩ số lớp học theo chuẩn 30 – 35 học sinh/lớp và học ngày 2 buổi thì không thừa GV nhiều như hiện nay. Trong khi đó, quy định của nhà nước hiện phân theo định biên theo lớp học chứ không dựa vào số lượng học sinh”.
Theo ông Vũ, hiện nay vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ; thừa GV ở những vùng thành thị, có điều kiện sống thuận lợi nhưng vẫn còn thiếu GV ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn; thiếu cục bộ GV ở những môn học đặc thù, lĩnh vực giáo dục mới được đưa vào nhà trường như tiếng Anh, tin học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…
Tinh giản để nâng cao chất lượng
Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tinh giản biên chế áp dụng trên toàn quốc. Dự kiến, từ 2015 – 2021 sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó, khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với ngành giáo dục, việc thực hiện tinh giản biên chế cũng được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ GV.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong ngành. Đây là lần đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế trên quy mô toàn thành phố với lộ trình 6 năm, từ năm 2015 – 2021.
Ông Tuấn cũng cho biết: “Trên thực tế, xét về tổng thể thì Hà Nội không thừa về số lượng GV, một số bộ môn, cấp học còn thiếu cục bộ. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo cơ hội để những cán bộ, GV lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe được nghỉ hưu trước tuổi và GV trẻ, có năng lực nhưng còn đang dạy hợp đồng hoặc chưa có việc làm có cơ hội được tuyển dụng vào ngành. Nhất là khi ngành GD-ĐT chuẩn bị thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện”.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đến thời điểm này, Bắc Giang là một trong ít tỉnh có chủ trương khá rõ ràng và kiên quyết về việc thanh lọc đội ngũ GV. Từ 2 năm gần đây, Sở GD-ĐT đều đã có hướng dẫn tổ chức kiểm tra kiến thức GV hằng năm nhằm làm căn cứ để cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ GV, nâng cao chất lượng dạy học.
Hiện ngành GD-ĐT mới tỏ rõ quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ thực sự đối với GV tiếng Anh dạy học theo Đề án ngoại ngữ quốc gia khi có văn bản chỉ đạo rất rõ từ năm 2017 chỉ tuyển dụng GV có đủ trình độ và chứng chỉ, nhận thức đạt chuẩn quy định theo từng cấp học.
Tuệ Nguyễn


 

Hà Ánh – Tuệ Nguyễn