01/11/2024

Chúng con muốn được tôn trọng và vui chơi

Diễn đàn “Điều con muốn nói” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức sáng 9-6 với sự tham gia của hơn 200 bạn là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và các phụ huynh…

 

Chúng con muốn được tôn trọng và vui chơi

 

Diễn đàn “Điều con muốn nói” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức sáng 9-6 với sự tham gia của hơn 200 bạn là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và các phụ huynh…

 

 

 

Diễn đàn “Điều con muốn nói” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức sáng 9-6 với sự tham gia của hơn 200 bạn là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và các phụ huynh như một dịp để cha mẹ và con cái nhìn lại chính mình để hiểu nhau hơn và gắn kết yêu thương nhiều hơn.

Bạn Trần Sơn Thuận (Q.11), học sinh lớp 5, chia sẻ: “Em muốn ba mẹ dành nhiều thời gian cho em hơn nữa. Em muốn được dẫn đi chơi sở thú và các khu vui chơi giải trí nhưng ba mẹ đi làm cả tuần và luôn về nhà rất tối”.

Các bạn nhỏ có mặt tại diễn đàn cũng đồng ý với việc cha mẹ nên dành thời gian để cho con những buổi đi chơi, giúp con giải toả bớt căng thẳng sau những ngày miệt mài học tập. Bạn Nguyễn Ngọc Kim Thoa, lớp 7, nói thêm: “Ba mẹ rất ít khi cho em đi chơi chung với bạn bè”. Có bạn còn cho rằng ba mẹ rất ít khi quan tâm đến việc cho con đi chơi dù là đến công viên.

Từ những điều các bạn nhỏ đặt ra, tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ nên cố gắng sắp xếp thời gian để gần gũi con trẻ và nếu được, mỗi gia đình sẽ biết tự sắp xếp hài hòa thời gian để có những buổi vui chơi dành cho con trẻ.

“Lúc trẻ còn nhỏ, chúng ta hãy dành nhiều thời gian vui chơi với con, khi trẻ lớn thường ít khi trẻ muốn đi chơi cùng ba mẹ. Khi đấy ba mẹ có muốn đi chơi với con cũng khó.

Còn về phía các con, khi mình muốn điều gì thì cũng phải nói ra để ba mẹ hiểu và chia sẻ với mình. Các con muốn ba mẹ dành thời gian cho mình thì các con cũng nên phụ giúp ba mẹ việc nhà thì ba mẹ mới có nhiều thời gian vui chơi với mình” – tiến sĩ Linh Trang bày tỏ.

Các bạn nhỏ không chỉ mong muốn được vui chơi mà những thông điệp các em gửi đến diễn đàn còn là những điều mà người lớn phải suy ngẫm. Đó là: “Yêu thương mạnh hơn đòn roi, quát mắng”, “Người lớn hãy lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng, ý kiến chính đáng của trẻ em”, “Yêu con không phải là sắp đặt mọi thứ cho con”, “Lắng nghe trẻ em nói để yêu thương và sẻ chia” và “Cha mẹ là tấm gương sáng cho con học tập, noi theo”.

Cùng với những thông điệp này, diễn đàn còn sôi nổi với câu chuyện về giới tính được bạn Nguyễn Quang Phong, học sinh lớp 8, đưa ra: “Em muốn cha mẹ nói chuyện với mình về giới tính nhưng khi em hỏi con ra đời từ đâu thì mẹ nói mẹ lượm từ bãi rác. Em không tin vì em đã được học ở sách giáo khoa vậy mà mẹ vẫn không nói cho em biết”.

Còn bạn Nguyễn Thị Yến Nhi, lớp 10, cho rằng mình tìm hiểu kiến thức về giới tính thông qua những buổi chuyên đề do trường tổ chức. Tiến sĩ Linh Trang liền dẫn câu chuyện để phụ huynh và con trẻ nhìn thẳng vấn đề về giáo dục giới tính cho trẻ cần phải chính xác mới có thể giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục, bởi có đến 90% trẻ em bị xâm hại tình dục là ở lứa tuổi 9-10.

“Cha mẹ không nên nghĩ con cái còn nhỏ thì không nói chuyện về giới tính hoặc né tránh khi con hỏi về vấn đề này. Đó là sai lầm, tùy mỗi độ tuổi chúng ta nói chuyện với con những kiến thức gì. Chính vì thế các phụ huynh cũng nên đọc sách, tìm hiểu để biết cách nói chuyện với con về vấn đề giới tính, không nên để con trẻ tự tìm hiểu trên mạng vì ở đó có rất nhiều luồng thông tin chúng ta không thể kiểm soát”.

Băn khoăn trong việc “làm bạn” với con không biết đúng hay sai, chị Hoa (Q.3) bộc bạch: “Tôi không bao giờ cấm con làm việc nào mà không giải thích rõ cho con hiểu, chỉ khuyên con không nên làm nếu thấy việc đó sai. Tuy nhiên, tôi băn khoăn không biết cha mẹ nên dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ?”.

Chia sẻ với chị Hoa, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng việc cha mẹ dành bao nhiêu thời gian cho con thì không gia đình nào giống gia đình nào mà nên hài hòa. Cha mẹ với con cái nên tìm tiếng nói chung để cả hai bên cùng hiểu nhau, sẻ chia và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình luôn tràn ngập yêu thương, ở đó cha mẹ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng con trẻ.

KIM ANH