03/11/2024

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm gì sau những lời thỉnh cầu?

Nhân chuyến làm việc 
tại TP.HCM của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn bộ trưởng, kết thúc diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng”.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm gì sau những lời thỉnh cầu?

 

Nhân chuyến làm việc 
tại TP.HCM của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn bộ trưởng, kết thúc diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng”.

 

 

 

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm gì sau những lời thỉnh cầu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi gặp gỡ thân tình với cô Phạm Ngô Bảo Thy (giáo viên Trường THCS – THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM) và cô Hoàng Thị Thu Hiền (giữa) tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chiều 6-6 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Nước ta có khoảng 1,3 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Phải rà soát, điều chỉnh chuẩn giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ năng cho người học, có tư duy đổi mới, sáng tạo và hội nhập

Trả lời câu hỏi về “cảm xúc sau khi đọc lá thư của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền gửi cho mình”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Tôi đã đọc kỹ lá thư của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền. Những nội dung cô đề cập trong thư không phải là mới, nhưng tôi đánh giá cao trách nhiệm của cô Hiền đối với ngành.

Cô đã nói lên được những vấn đề mà nhiều người khác cũng đang băn khoăn, đang bức xúc nhưng lại chưa có điều kiện để nói. Tôi rất chia sẻ với cô, chính vì vậy tôi đã gọi điện và hẹn gặp cô tại TP.HCM để trao đổi trực tiếp.

Chúng tôi đã trao đổi cởi mở, trách nhiệm, tất cả vì sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà. Trong tám vấn đề mà cô Hiền nêu ra, như nhiều độc giả đã bình luận, chia sẻ, có những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Với trách nhiệm là bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi đang làm việc với các bộ, ngành khác để từng bước giải quyết những vấn đề này sao cho thấu tình đạt lý, tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô 
trong điều kiện có thể”.

Rà soát lại các cấp học

* Nhận nhiệm vụ vào đúng thời điểm ngành GD-ĐT đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, bộ trưởng có thể chia sẻ những công việc của mình trong thời gian sắp tới?

– Sau khi trung ương ban hành nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã có chương trình hành động, Bộ GD-ĐT cũng đã có kế hoạch hành động rất chi tiết.

Tôi nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành trong bối cảnh hiện nay thì công việc đầu tiên là phải rà soát, nắm bắt thật nhanh các công việc mà bộ đang triển khai, đặc biệt rà soát những vấn đề bất cập để có kế hoạch xử lý, khắc phục ngay.

Việc thì nhiều trong khi nguồn lực và thời gian có hạn, tôi cùng lãnh đạo bộ và các cục, vụ lắng nghe ý kiến các chuyên gia, thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục và các địa phương để thống nhất lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên, đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả để tập trung thực hiện.

Với cách tiếp cận đó, thời gian tới ngành sẽ tiến hành rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cho đến ĐH.

Riêng đối với các cơ sở giáo dục ĐH, sau một thời gian phát triển “nóng”, không ít trường tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu, do đó rất cần quy hoạch, sắp xếp lại và đẩy mạnh thực hiện tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình.

Giáo dục phổ thông có rất nhiều kết quả tốt nhưng cái yếu hiện nay là vấn đề phân luồng sau khi tốt nghiệp.

Phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông vẫn lựa chọn ĐH, CĐ dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Số lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp không nhiều, trong khi số cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.

Vì vậy, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông dù không mới nhưng vẫn phải là vấn đề cần được ưu tiên.

Một nhiệm vụ mà tôi cho rằng là gốc của các nhiệm vụ khác đó là quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nhiệm vụ này mà làm không tốt thì các nhiệm vụ trên sẽ rất khó thực hiện.

Tất nhiên việc này phải thực hiện liên tục, lâu dài chứ không 
phải ngay lập tức.

Công khai kết quả 
kiểm định cho xã hội

* Để thúc đẩy quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, theo bộ trưởng cần điều chỉnh những gì?

– Không tự chủ thì các trường ĐH sẽ rất khó phát triển, đặc biệt là những trường có điều kiện phát triển nhưng vướng vào những cơ chế quản lý hành chính. ĐH là phải sáng tạo, quản lý đối tượng luôn luôn sáng tạo thì phải cho phép họ được tự chủ.

Tuy nhiên, tự chủ không phải là tự trị mà phải đáp ứng được những yêu cầu rất khắt khe. Tự chủ bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm với xã hội chứ không phải tự chủ “vô tội vạ”.

Tự chủ phải đảm bảo chất lượng, phải công khai, minh bạch cho xã hội, cho người học biết và từ đó Chính phủ cho cơ chế thu học phí tương ứng với chất lượng đào tạo. Các trường cần nhận thức rất rõ về việc này.

Sắp tới bộ sẽ đẩy mạnh kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định cho xã hội được biết. Trên cơ sở kết quả kiểm định, tuỳ theo mức đảm bảo chất lượng, các trường sẽ được tự chủ ở mức độ tương ứng.

Bộ đang chỉ đạo trường nào đáp ứng được điều kiện thì thực hiện trước, các trường khác sẽ phải xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp. Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cho những trường có điều kiện phát triển hơn để nước ta sớm có những trường ĐH mạnh, 
ngang tầm khu vực.

Giáo dục phải vì con người

* Bộ trưởng đã từng phát biểu “Giáo dục là con người”. Tại diễn đàn báoTuổi Trẻ, vấn đề giáo dục con người cũng được nhiều chuyên gia đưa ra góp ý. Vậy ở cương vị mới, ông sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?

– Giáo dục là con người, vì con người, tất cả những gì liên quan đến chân, thiện, mỹ của con người “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Quan điểm của UNESCO cũng vậy: Học để làm người. Ý muốn nói giáo dục là con người và các nội dung của giáo dục phải tạo một môi trường tốt để con người phát huy bản thiện, sáng tạo, bản lĩnh và sống vui vẻ.

Theo quan sát của tôi, trong thực tiễn, thời kỳ nào giáo dục bám sát mục tiêu này thì thành công và nhận được 
sự chia sẻ từ xã hội.

Mô hình tốt, con người tốt sẽ có tính giáo dục rất cao, tạo ra tấm gương, động lực cho con người phấn đấu. Làm giáo dục cũng giống như trồng một rừng cây, quan trọng là việc quy hoạch, chăm tưới cho tốt chứ không phải chỉ riêng việc nhổ cỏ.

Việc xấu cũng như cỏ dại, càng nhổ càng lên bởi không có cây tốt thì cỏ sẽ mọc. Người tốt, việc tốt ít thì điều xấu sẽ lấn át, vì vậy phải nhân rộng các gương người tốt, việc tốt. Giáo dục phải khơi dậy những cái tốt, bản thiện, qua đó giúp con người tự hoàn thiện mình 
theo hướng tích cực.

Tôi nói ví dụ, mục đích của thông tư 30 là rất tốt, tuy nhiên điều kiện thực hiện và lộ trình, bước đi còn nóng vội nên kết quả chưa được như mong đợi. Giáo dục phải đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh so với chính bản thân các học sinh, đó là đánh giá để các em học sinh hoàn thiện, vươn lên.

Khi đánh giá, nhận xét theo thông tư 30 là đánh giá 360 độ, trên cơ sở đánh giá ấy, học sinh cũng như phụ huynh, nhà trường có một kế hoạch cụ thể để giúp từng học sinh hoàn thiện bản thân. Cách đánh giá này có tính nhân văn cao.

Đây là vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài. Bộ đang tích cực chỉ đạo rà soát và điều chỉnh cách thức thực hiện thông tư này cho phù hợp hơn.

Dạy và học 
tiếng Anh 
đang có vấn đề

Một vấn đề tôi rất quan tâm và cũng là vấn đề chung của cả xã hội, đó là nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Nước ta hội nhập sâu rồi nhưng rõ ràng là trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, đang có vấn đề.

Tới đây sẽ phải điều chỉnh lại chương trình học sao cho sát với thực tiễn, tạo động lực cho người học, phương pháp tổ chức phải thực tế hơn, gắn với quốc tế nhiều hơn.

Đặc biệt là phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh và quan tâm nhiều hơn tới công tác khảo thí, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế và được quốc tế công nhận.

Vấn đề tiếp theo cũng rất quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và quản lý. Theo thống kê gần đây, Việt Nam là một trong 10 nước áp dụng mạnh công nghệ thông tin trên thế giới. Đây là một điểm rất đáng chú ý.

Trong khi đầu tư kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng truyền thống rất tốn kém thì việc ứng dụng công nghệ thông tin như lớp học thông minh, trường học kết nối và công cụ là những thư viện số, các bài giảng điện tử, các chương trình online sẽ là giải pháp hiệu quả.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền (Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Mong Tuổi Trẻ tiếp tục có những diễn đàn tương tự

Đúng như lời hẹn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gặp tôi tại trụ sở đại diện văn phòng bộ ở TP.HCM, trao đổi trực tiếp về tám điều tôi đã thỉnh cầu. Và không chỉ tám điều, tôi đã tập hợp rất nhiều ý kiến của các thầy cô và bạn đọc đã đăng trên báo Tuổi Trẻ trong thời gian vừa qua xung quanh diễn đàn “Đặt hàng với bộ trưởng” để trao 
tận tay bộ trưởng.

Bộ trưởng rất thân thiện, cởi mở. Ông trả lời từng ý kiến một cách thẳng thắn và thỏa đáng, vừa với tư cách người lãnh đạo đầu ngành vừa với góc độ là người giáo viên. Cuộc trao đổi dự kiến ban đầu chỉ 30 phút nhưng đã kéo dài một tiếng đồng hồ.

Bộ trưởng bày tỏ sự trân trọng về tất cả những ý kiến đã đóng góp. Ông hứa với cương vị là một bộ trưởng sẽ làm hết sức mình trong điều kiện có thể. Chúng ta hi vọng tân bộ trưởng sẽ tạo nên sự khởi sắc mới cho nền 
giáo dục nước nhà.

Tôi xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã chuyển tâm thư của tôi tới bộ trưởng. Rất mong báo Tuổi Trẻ sẽ tạo nên những diễn đàn tương tự để góp phần chấn hưng, khởi tạo, đẩy mạnh sự phát triển các lĩnh vực trọng điểm của đất nước.

Tôi xin tri ân đến các bạn đọc đã nhiệt tình ủng hộ, quan tâm lo lắng cho tôi trong thời gian vừa qua. Chính sự nhiệt thành ấy, sự đồng lòng đồng sức ấy của tất cả mọi người mới làm cho “8 điều thỉnh cầu” của tôi có ý nghĩa, có sức lan tỏa.

Tôi rất mong được tiếp tục đón nhận sự ủng hộ từ bạn đọc, vì đó là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn và quý giá đối với tôi.

VĨNH HÀ thực hiện