28/12/2024

Dạy bơi trên… cạn

Điều có vẻ vô lý này lại được anh Vũ Đức Cường, một giáo viên dạy bơi ở Hà Nội, thực hiện với một thiết bị mà anh mày mò tự chế tạo, tìm cách cải tiến cho gọn nhẹ, dễ sử dụng trong ba năm qua.

 

Dạy bơi trên… cạn

 

Điều có vẻ vô lý này lại được anh Vũ Đức Cường, một giáo viên dạy bơi ở Hà Nội, thực hiện với một thiết bị mà anh mày mò tự chế tạo, tìm cách cải tiến cho gọn nhẹ, dễ sử dụng trong ba năm qua.

 

 

 

 

Dạy bơi trên... cạn
Anh Vũ Đức Cường hướng dẫn cho một học sinh các động tác bơi cơ bản bằng chiếc máy tập bơi của mình – Ảnh: Ngọc Nam

 

 

Hiện tại, ở nhà anh Vũ Đức Cường có ba loại máy dạy bơi tuỳ theo kích cỡ cho trẻ từ 3-6 tuổi, trẻ 7-12 tuổi và cho người lớn.

Từ những câu chuyện đau lòng trên báo

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để phổ cập bơi nhanh nhất, được nhiều nhất cho học sinh các trường phổ thông. Những câu chuyện trên báo về việc học sinh bị chết đuối ở nơi này nơi kia càng khiến tôi nghĩ đây là việc cần quan tâm.

Nhưng phải làm gì khi ở những khu vực không có bể bơi, không có kinh phí để thuê bể bơi thì rất khó để học sinh thực hành? Và tôi nảy sinh ý tưởng tạo một thiết bị để người học bơi có thể tập động tác chuẩn của chân, tay và tập thở trên cạn” – anh Vũ Đức Cường chia sẻ lý do tập trung vào chế tạo máy tập bơi trên cạn của mình.

Là con trai một gia đình có truyền thống lắp ráp xe đạp, thường xuyên phụ cha làm nghề nên anh Vũ Đức Cường sớm biết chút ít nghề cơ khí.

Anh kể mình đã bắt đầu chế tạo máy tập bơi từ ba năm trước. Chiếc máy tập bơi đầu tiên của anh Cường trông rất cồng kềnh, với hệ thống ròng rọc treo để đỡ đầu gối của người tập khi làm động tác chân. Chiếc máy thứ hai có cải tiến, dùng đòn bẩy đỡ chân.

Lần thứ ba cải tạo máy, anh Cường bỏ ròng rọc chân, chỉ để một ròng rọc hỗ trợ khi người tập làm động tác tay. Chiếc máy tập hiện tại được bỏ hết ròng rọc, chỉ đỡ thân người.

Ngoài ra, anh Cường còn chế tạo một thiết bị tập tay, chỉ có một bao da được khâu để lồng vào bàn tay, nối với một chiếc dây thun có độ co giãn được tính toán ngang với lực đẩy của nước…

Chiếc dây thun có thể buộc vào song cửa sổ, tay nắm cửa ra vào trong nhà. Người học bơi có thể tập riêng động tác tay bằng thiết bị đơn giản này.

“Với chiếc máy tập được cải tiến gần nhất, chân tay cử động tự do, chỉ thân người được đỡ nên rất dễ tập. Người dạy sẽ hướng dẫn người học các động tác chân, tay thật chuẩn, sau đó kết hợp tập thở bằng cách úp mặt vào khay nước phía trước” – anh Cường cho biết.

Theo anh Cường, ưu điểm của máy tập bơi trên cạn là ngoài việc khắc phục khó khăn không thể thường xuyên tập dưới bể bơi, nó giúp người tập bình tĩnh để luyện các động tác một cách thành thạo. Vì với nhiều người, tâm lý sợ nước khiến họ bị cuống, không 
thể tập chuẩn.

Khắc phục tâm lý sợ nước của người học

Anh Cường cho rằng với một ca học có 20 học viên, chỉ cần 5 máy tập như vậy. Trung bình mỗi học viên được tập kết hợp chân, tay, thở trên máy 6-7 phút/tiết (45 phút/tiết). Ngoài ra, người học có thể tập các động tác đơn, tập khởi động.

“Với thiết bị tập bơi trên cạn, người học giảm một nửa thời gian học dưới nước. Cụ thể, chỉ khoảng 3 buổi tập, người học có thể biết các thao tác khi bơi và kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác này. Khi đó, việc xuống nước chỉ để thực hành.

Nếu đã thành thạo các thao tác thì người học sẽ khắc phục được tâm lý lo sợ, không bị cuống khi thực hiện các thao tác dưới nước” – anh Cường khẳng định.

Bắt đầu bằng việc dạy bơi cho người thân, sau đó anh Cường sử dụng máy tập bơi cho một số học sinh mắc chứng tự kỷ. Việc dạy do vợ anh, một giáo viên chuyên dạy trẻ tự kỷ, đảm nhận.

“Với trẻ tự kỷ, hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là bơi lội, có tác dụng rất tốt. Nhưng để dạy một trẻ tự kỷ làm quen với nước và biết bơi khó hơn rất nhiều đứa trẻ bình thường. Tôi đã thử cho các cháu tập với máy, và tôi rất phấn khởi khi đã thành công.

Một số trẻ tự kỷ không những không sợ nước mà còn thực hành khá tốt khi được tập dưới nước, sau khi sử dụng máy tập trên cạn” – anh Cường cho biết.

Anh Cường hiện nhận dạy thêm cho nhiều học sinh khác, dạy tại nhà trước rồi thuê bể bơi cho trẻ thực hành. “Với việc dạy bơi trên cạn như thế này, một giáo viên có thể dạy nhiều hơn số học sinh trong một ca mà vẫn hiệu quả” – anh Cường nói.

Hiện tại anh Cường đang dạy bơi miễn phí cho nhiều học sinh với chiếc máy của mình.

“Trông nó đơn giản thôi, nhưng tôi cam đoan nó có hiệu quả. Thậm chí tôi còn đang mong có trường hợp nào tập mãi không biết bơi để tôi giúp đỡ” – anh Cường tự tin nói.

Thiết bị đơn giản

Một khung bằng inox có khả năng chịu lực và không bị han gỉ, một tấm nệm bọc da được khâu tay, một khay đựng nước nhỏ, đó là toàn bộ thiết bị mà anh Vũ Đức Cường sử dụng để người học kết hợp các động tác chân, tay và thở mà không cần xuống bể bơi.

Thiết bị gập lại được nên người học có thể tập ở bất cứ đâu, kể cả trong nhà.

VĨNH HÀ