03/11/2024

3 người bị ngạt khí, lộ nạn khai thác vàng trái phép

Tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực bản Kịt thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đã lộ ra sau vụ ngạt khí tại hang Nước ở bản Kịt vào ngày 5 – 6.6 làm 3 phu vàng gặp nạn.

 

3 người bị ngạt khí, lộ nạn khai thác vàng trái phép

Tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực bản Kịt thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đã lộ ra sau vụ ngạt khí tại hang Nước ở bản Kịt vào ngày 5 – 6.6 làm 3 phu vàng gặp nạn.




Lán trại khai thác vàng trái phép tại khu vực hang Dứa.
Ảnh: Ngọc Minh

Lán trại khai thác vàng trái phép tại khu vực hang Dứa. Ảnh: Ngọc Minh


Khi vụ tai nạn xảy ra, hàng chục ô tô chở thiết bị, máy móc và lực lượng cứu hộ hùng hậu của tỉnh Thanh Hoá “đổ bộ” vào bản làng heo hút này, nên phát hiện ra tình trạng khai thác vàng trái phép. Sáng sớm 7.6, cán bộ UBND xã Lũng Cao Hà Văn Bản là người được phân công dẫn đường đưa nhóm cứu hộ đầu tiên và PV Thanh Niên tìm cách tiếp cận hang Nước.
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp hàng loạt điểm khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tại khu vực hang Dứa có 2 lán trại dựng ven sườn núi và nhiều hang đào khai thác vàng đang được khai thác. Các phu vàng tại đây thấy “động” đã lánh đi nơi khác nhưng các vật dụng đào đãi vàng vẫn nằm la liệt khắp nơi. Bếp nấu trong lán trại vẫn còn ấm lửa. Một chiếc nồi to, nấu được khoảng 3 – 4 kg gạo chỉ còn trơ lại mảnh cháy và nửa nồi thịt kho trên bếp…
Từ hang Dứa, phải đi bộ thêm 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới quay xuống được ngã rẽ sang khu vực hang Nước. Hang này nằm cách xa bản Kịt khoảng 4 giờ đi bộ, giáp với tỉnh Hoà Bình, nên từ lâu đây là khu vực “độc quyền” khai thác của những người H Bình và Hà Tây (cũ).
Đánh cược mạng sống
Trong khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm cách tiếp cận đáy hang, chúng tôi tìm gặp và hỏi chuyện các phu vàng. Anh B.V.H (ngụ H.Kim Bôi, H Bình), từng có hàng chục năm làm nghề khai thác vàng trái phép khắp các tỉnh phía bắc, cho biết trong vùng lõi Pù Luông từng có hàng trăm hầm, hang do các phu vàng tạo ra. Do phải khai thác trong hang sâu, có khi lên tới 300 m, nên chỉ cần một sai sót rất nhỏ, phu vàng sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ngay trong hang Nước này, vào tháng 8.2015 cũng đã xảy ra vụ tai nạn làm chết 2 phu vàng. Hiện những hang vàng tại đây đều là hang cũ, sâu 100 – 300 m và có nhiều ngóc ngách. Mỗi lần xuống hang người ta phải chạy máy thổi không khí từ trên mặt đất xuống để cung cấp dưỡng khí cho các phu vàng.
Phu vàng V.V.T (ngụ H.Mai Châu, Hòa Bình) cho biết vụ tai nạn tại hang Nước là do các phu vàng chủ quan, đưa máy nổ xuống hang hút nước. Máy nổ hoạt động làm mất ô xy và thải ra khí CO khiến các phu vàng bị ngạt khí. “Đi làm vàng thì phải chấp nhận đánh cược với may rủi. May thì kiếm được vàng, không may thì bỏ mạng trong hang. Từ trước đến nay, dân làm vàng chết nhiều rồi. Có những hang chúng tôi buộc phải dừng khai thác vì không thể lấy được xác người ra ngoài dù hang đó có rất nhiều vàng”, anh T. nói.
Nổ mìn lấp hang vẫn không ngăn được
Ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết vào những năm 1990 – 1995, khu vực vùng lõi Pù Luông (thuộc bản Kịt, xã Lũng Cao, H.Bá Thước) “nổi tiếng” cả nước về nạn khai thác vàng trái phép. Có những thời điểm, hàng nghìn phu vàng từ các tỉnh phía bắc và các huyện miền núi của Thanh Hóa kéo đến lập lán trại khai thác vàng.
Sau nhiều năm liên tục đưa quân triệt xóa, xua đuổi, những năm gần đây tình trạng khai thác vàng cơ bản đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, hiện tại vùng lõi Pù Luông đang tái xuất tình trạng đào đãi vàng trái phép. Những phu vàng tận dụng địa thế, dựng lán trại, “mót” vàng ở các hang cũ. “Các lực lượng cũng đã phát hiện, tổ chức đốt lán trại, nổ mìn lấp cửa hang, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để được tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng lõi Pù Luông”, ông Khoa nói.
Còn ông Lê Thế Sự, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cho rằng do địa bàn rộng, hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng, nên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Theo ông Sự, khu bảo tồn này rộng trên 17.600 ha nhưng chỉ có 17 kiểm lâm viên. Mỗi tháng lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra rừng 3 lần, nhưng cũng không thể kiểm tra hết được các khu vực trọng yếu.
Tuy vậy, ông Sự cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng các phu vàng lén lút khai thác trái phép tại vùng lõi Pù Luông là trách nhiệm của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Vì vậy, sắp tới ban quản lý sẽ làm việc với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, tổ chức ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng khai thác vàng trái phép trong vùng lõi Pù Luông.

 

Chỉ mới tìm được 1 thi thể
Rạng sáng 8.6, lực lượng cứu hộ và người dân đã đưa được thi thể phu vàng Bùi Văn Mẫn (54 tuổi, ngụ H.Kim Bôi, Hòa Bình) ra khỏi hang Nước. Sáng cùng ngày, sau khi khám nghiệm tử thi, các cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể ông Mẫn cho gia đình. Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm cách tiếp cận đáy hang, tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại là anh Khà Văn Huyền (25 tuổi, ngụ H.Kim Bôi, Hòa Bình) và anh Phạm Văn Dụng (45 tuổi, ngụ H.Bá Thước, Thanh Hóa). Ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết lực lượng công binh đã được tăng cường đến hiện trường hang Nước và UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân.


 

Ngọc Minh