27/12/2024

U đầu sứt trán vì “gờ giảm tốc” không biết ai làm

Cách đây chưa lâu, chúng tôi đi trên một đoạn đại lộ Độc Lập của Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương), xe 16 chỗ vấp phải gờ giảm tốc khiến hầu hết người trên xe bị va đầu mạnh vào nóc xe đau điếng.

 

U đầu sứt trán vì “gờ giảm tốc” không biết ai làm

 

Cách đây chưa lâu, chúng tôi đi trên một đoạn đại lộ Độc Lập của Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương), xe 16 chỗ vấp phải gờ giảm tốc khiến hầu hết người trên xe bị va đầu mạnh vào nóc xe đau điếng.

 

 

 

 

U đầu sứt trán vì “gờ giảm tốc” không biết ai làm
Chưa đến 50m nhưng một đoạn đại lộ Độc Lập của Khu công nghiệp Sóng Thần 1, ngang Bộ Tham mưu Quân đoàn 4 có đến ba gờ giảm tốc đắp cao trên dưới 20cm – Ảnh: Huỳnh Hoa

 

 

Ở làn xe đối diện, ba xe hơi khác cứ xe sau đâm đầu vào xe trước vì xe đầu tiên đã thắng gấp trước một gờ giảm tốc cao hơn mặt đường trên dưới 2 tấc.

Đoạn đường này chưa đến 50m nhưng đắp đến ba gờ cao như vậy và không có biển báo trước cho người đi đường ngoài những vạch sơn vàng chéo cũng phai dần theo thời gian. Ban ngày còn khó thấy huống hồ 
ban đêm.

Trong từ ngữ của cánh tài xế hay dùng, từ “gờ”, “gồ” hay “con lươn”, “bờ ruộng”… dùng để chỉ các gờ đắp cao hơn cả tấc chắn ngang mặt đường. Nếu không biết và không để ý giảm tốc độ tối đa thì đi xe máy té dễ như chơi, còn ôtô thì bị dằn xóc mạnh, xe chở nặng có khi gãy cả nhíp xe nếu không dừng lại và “bò” từ từ qua.

Tôi đi nhiều nước, để ý thấy ít có nơi nào làm gờ giảm tốc như nước mình. Hầu hết đều dùng sơn gồ để cảnh báo. Nhưng ở nước ta, người đi đường đã và đang gặp nguy hiểm không phải vì các gờ mà vì các “mô” giảm tốc nổi lên trên dưới 20cm ở những chỗ không cần thiết và không được báo trước.

Ngoài những gờ giảm tốc do các đơn vị giao thông thực hiện, chính quyền nhiều địa phương đã cho xây gờ giảm tốc trên nhiều con hẻm và đường nhỏ với mong muốn hạn chế nạn chạy xe quá tốc độ quy định. Song song đó, nhiều người dân cũng tự ý xây gờ giảm tốc trong con hẻm nơi mình cư ngụ.

Do được xây tùy tiện, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật hay quy định nào nên nhiều gờ giảm tốc đã có tác dụng ngược, gây tai nạn cho người đi đường và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhà dân quanh đó.

Bản thân tôi ấn tượng về cái gờ giảm tốc lần đầu tiên là ở một khu chế xuất tại ngoại thành vào năm 1998.

Ở đây, để đối phó với chuyện đua xe máy của công nhân sau giờ tan ca, không biết ai đã cho đắp một gồ nổi cắt ngang mặt đường, cái gồ này rộng hơn thước nhưng cao khoảng 15cm, không có chỉ dấu gì báo hiệu.

Với tốc độ xe máy tôi đi hôm đó chỉ chưa đến 30 km/h, vậy mà qua cái gồ này xe ngã trầy hết khuỷu tay. Một đồng nghiệp khác xui xẻo hơn, tối đi làm về bị té xe gãy tay vì một cái gồ bằng ximăng chắn ngang nhằm hạn chế tốc độ các xe chạy ngang.

Ngoài chuyện gây nguy hiểm cho người đi đường, nhiều gia đình khác có nhà ở gần gờ giảm tốc trên các con đường nhựa cho biết rất khổ mỗi lần có xe container đi qua. Tiếng thùng container bị tung lên đập xuống khi xe chạy ngang các gờ giảm tốc này khiến nhà cửa rung rinh, tiếng động đến đinh tai, nhất là thời điểm tối khuya.

Cái kiểu “sáng tạo” này được làm ngày càng nhiều trên các đường lộ hiện nay gây nguy hiểm cho người đi đường. Vì vậy cần sớm loại bỏ các gờ giảm tốc này.

Nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt dẹp các biển báo tốc độ giao thông bất hợp lý thì cũng nên dẹp các gờ chắn ngang đường hết sức nguy hiểm này và thay bằng các gờ giảm tốc bằng sơn ở những nơi cần thiết để đảm bảo sinh mạng cho người đi qua đây.

Chỉ làm trong trường hợp đặt biệt

Ông Trần Quang Lâm-phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết qui định của Bộ Giao thông vận tải là phải làm gờ giảm tốc bằng làn sơn đường. Trong một số trường hợp đặc biệt cụ thể mới làm gờ giảm tốc bằng nhựa đường.

Tại TP, đường Trương Định, đoạn băng ngang công viên Tao Đàn (Q.1) phải làm gờ giảm tốc bằng nhựa đường vì đoạn đường này có đông người qua lại  nên buộc các xe phải giảm tốc độ khi đi trên đoạn đường này. Việc này chỉ là giải pháp tạm thời vì chưa thể thực hiện xây cầu vượt hoặc hầm chui.

 Ông Nguyễn Văn Thành-phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, Tổng cục đường bộ VN- cũng cho biết theo qui định hiện hành, gờ giảm tốc trên các tuyến quốc lộ làm bằng vạch sơn đường, không làm bằng bê tông nhựa.

Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất có làm gờ giảm tốc bằng bê tông nhựa là tuyến đường nội bộ do các đơn vị này quản lý. Các đơn vị quản lý các tuyến đường nội bộ này phải chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn giao thông.

N.ẨN ghi

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA