26/12/2024

TP.HCM được chủ động chương trình đào tạo

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đồng ý chủ trương cho phép TP.HCM chủ động linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo và học sinh trường chuyên được lấy chứng chỉ một số môn học tương ứng bậc ĐH.

 

TP.HCM được chủ động chương trình đào tạo

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về phát triển giáo dục sáng 7.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đồng ý chủ trương cho phép TP.HCM chủ động linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo và học sinh trường chuyên được lấy chứng chỉ một số môn học tương ứng bậc ĐH.





Ông Phùng Xuân Nhạ (đứng ở giữa) trao đổi với giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Ông Phùng Xuân Nhạ (đứng ở giữa) trao đổi với giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã có nhiều kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về cơ chế riêng cho giáo dục thành phố. Đáng chú ý là đề xuất tự chủ biên soạn sách giáo khoa (SGK), xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải.
Đề xuất dạy 3 môn bắt buộc
Ông Lê Hồng Sơn cho rằng chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng nề, quá tải, hàn lâm, thiếu thực hành và ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh (HS) phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm. Việc phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian dẫn đến HS phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế. Bất cập, hạn chế này dẫn đến một hệ luỵ là HS phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.
Ông Sơn đề nghị trước mắt cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ. Trong đó, chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (văn – tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn, một năm học có tối đa 8 môn.
Ông Sơn cũng đề nghị cho phép HS các trường, lớp chuyên được thi lấy tín chỉ một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
TP.HCM cũng đề xuất giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi toàn quốc.
TP.HCM được chủ động chương trình đào tạo - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho ngành GD-ĐT

TP.HCM kiến nghị cho phép ngành GD-ĐT thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.


Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết TP.HCM mong muốn Bộ GD-ĐT cho cơ chế thí điểm, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong GD-ĐT. Ông Thăng nhấn mạnh TP.HCM có khoảng 13 triệu dân, nếu như các mô hình mà thành phố thực hiện thí điểm thành công, thì áp dụng chung cho cả nước cũng sẽ thành công. Với những đề xuất, kiến nghị của thành phố về cơ chế tự chủ, đặc thù, Bộ GD-ĐT hãy mạnh dạn cho thành phố thí điểm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định chủ trương hiện hành của nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Do đó, Bộ GD-ĐT ủng hộ TP.HCM biên soạn SGK. Ngoài yêu cầu chung về chương trình của Bộ, TP.HCM hoàn toàn có thể lồng ghép các thông tin về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của thành phố.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trong khi chờ xây dựng đề án phát triển thì TP.HCM cần có những việc phải giải quyết ngay. Trong đó, Bộ trưởng đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho phép TP.HCM chủ động linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo, cho phép HS trường chuyên được thi lấy chứng chỉ một số môn học tương ứng bậc ĐH. Ông Nhạ nói: “Bộ ủng hộ TP.HCM chủ động cắt giảm chương trình không cần thiết. Tất nhiên việc này thành phố phải đứng ra rà soát và căn cứ vào đó Bộ sẽ chỉ đạo. Việc này nếu cần thiết thì cho thí điểm để mạnh dạn giảm tải”.
Ngoài ra, ông Nhạ cũng cho biết tiến tới Bộ sẽ giao quyền cho thành phố, các tỉnh kiểm tra và xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Đề nghị của thành phố có cơ sở và Bộ ủng hộ đề nghị này, tuy nhiên quyết định cuối cùng Bộ sẽ công bố vào đầu năm học mới”, ông Nhạ nói.


Không mở lớp dạy thêm học thêm ở các trường học
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề về tình trạng dạy thêm học thêm. Ông Thăng nói: “Hội nhập quốc tế thì không có dạy thêm học thêm. Tại sao các trường quốc tế không dạy thêm học thêm, học phí cao, học rất nhàn nhưng học vẫn giỏi. Tôi chỉ đạo quyết liệt là TP.HCM không dạy thêm học thêm. Chuyện dạy thêm học thêm, tôi hoan nghênh nhưng phải đăng ký thành lập các trung tâm bên ngoài, ai có nhu cầu dạy thì dạy, ai có nhu cầu học thì học. Tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm học thêm ở các trường học. Phải xử lý ngay vấn đề này trong năm nay”.
Đồng ý với chủ trương này, ông Nhạ cho rằng TP.HCM phải tiên phong quyết liệt không cho dạy thêm học thêm ở các trường. “Bộ sẽ có văn bản đồng hành với thành phố. Bộ cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt với 62 tỉnh thành còn lại để mạnh dạn cấm dạy thêm học thêm”, ông Nhạ kiên quyết.
Gợi ý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thành lập nhóm xét tuyển riêng
Phát biểu trong buổi làm việc với cán bộ – công nhân viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 7.6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng xét tuyển là quyền tự chủ của các trường và Bộ không bắt buộc. Các trường có thể hình thành nhóm xét tuyển để hạn chế ảo. Ông Nhạ đề nghị: “Bộ gợi ý và khuyến khích Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đứng ra thành lập một nhóm xét tuyển cho khu vực phía nam. Hiện miền Bắc và miền Trung đã có 2 nhóm xét tuyển riêng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nếu làm được việc này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho xã hội, nhà trường và HS”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc làm SGK của TP.HCM. Trong đó, ông cho rằng vai trò của cán bộ giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là hết sức quan trọng.
Hà Ánh

Cơ chế đặc thù riêng cho TP.HCM là cần thiết
TP.HCM còn có những đề xuất quan trọng như nhà trường và giáo viên có trách nhiệm đánh giá định kỳ HS, Sở GD-ĐT đánh giá chung giữa và cuối cấp học; Tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của HS theo 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu như hiện nay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, cho rằng với riêng TP.HCM cần một chương trình giáo dục đặc thù bởi năng lực của HS có phần vượt trội hơn một số địa phương.
Ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng thuận cao với đa số những kiến nghị của Sở GD-ĐT TP.HCM và đặc biệt chú tâm vào việc TP.HCM xin phép tự xây dựng khung chương trình và bộ SGK phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố.
Về đề xuất cho HS trường, lớp chuyên được lấy chứng chỉ một số môn học tương ứng bậc ĐH, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu làm được sẽ rút ngắn được thời gian học ĐH, dành thời gian cho việc nghiên cứu sâu hơn và mở rộng các phần kiến thức, các môn học khác.
Bích Thanh – Lam Ngọc

 

Hà Ánh – Tân Phú