26/12/2024

Phạt cỡ đó, đừng mơ dẹp nạn “chặt chém” du khách

Ngày 6-6, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì buổi làm việc xoay quanh nội dung bảo vệ khách du lịch, tiến đến xóa sổ tình trạng chèo kéo, trấn lột, làm phiền du khách.

 

Phạt cỡ đó, đừng mơ dẹp nạn “chặt chém” du khách

 

Ngày 6-6, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì buổi làm việc xoay quanh nội dung bảo vệ khách du lịch, tiến đến xóa sổ tình trạng chèo kéo, trấn lột, làm phiền du khách.

 

 

 

 

Phạt cỡ đó, đừng mơ dẹp nạn "chặt chém” du khách
Nhóm xích lô “dù” làm tiền du khách trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 (TP.HCM) ngày 24-6-2015 – Ảnh: ĐỨC PHÚ

 

Dịp này, các sở, ban ngành cũng đã tham gia góp ý kiến cho đề án Nâng cao chất lượng hoạt động đội trật tự du lịch do Sở Du lịch TP trình.

Báo cáo với lãnh đạo UBND TP, bà Văn Thị Bạch Tuyết, giám đốc Sở Du lịch TP, nhìn nhận tình hình an ninh du lịch tại TP còn nhiều hạn chế. Các vụ phạm pháp hình sự, nạn hàng rong chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách tuy có giảm nhiều so với trước khi thành lập lực lượng bảo vệ du khách nhưng vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh TP.

Trước đó, Tuổi Trẻ từng phản ánh tình trạng các băng nhóm bán dừa, xích lô “dù” hoạt động nhộn nhịp tại khu vực nội thành TP.HCM lừa gạt, “chặt chém” khách du lịch. Cụ thể, tháng 5-2015, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập phản ánh một băng nhóm bán dừa dạo ở quanh khu vực hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TP, ép du khách phải trả 100.000 đồng/trái, thậm chí 200.000 đồng/trái.

Trong tháng 7-2015, Tuổi Trẻ tiếp tục phản ánh băng nhóm xích lô “dù” khoảng 10 đối tượng hoạt động có tổ chức ngang nhiên “chặt chém”, giật tiền trong ví du khách. Theo đó, băng nhóm này thường tụ tập ở đầu đường Lê Lai, Lê Lợi, gần vòng xoay Quách Thị Trang hoặc các cửa chợ Bến Thành (Q.1) chèo kéo khách đi xe rồi o ép, trấn lột khách du lịch hàng triệu đồng cho quãng đường chưa đầy 2km…

Ngày 6-6, đại diện UBND P.Bến Thành, Q.1 cho biết thời gian qua phường tăng cường kiểm tra, xử phạt nên các đối tượng bán dừa “chặt chém” đã giảm. Tuy nhiên, gần đây vài người gánh dừa dạo hoạt động trở lại ở các địa bàn giáp ranh với Q.3 do mức xử phạt không đủ răn đe. “Trung bình một gánh dừa phường phạt 150.000 đồng, trong khi các đối tượng bán cho du khách 200.000 đồng/trái nên chỉ cần bán 10 trái dừa là họ sống khoẻ rồi. Theo tôi, nâng mức xử phạt lên thì các đối tượng bán dừa “chặt chém” mới ngán, không dám tái phạm” – vị này nói.

Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, trong 10 năm (2006-2016) thực hiện nhiệm vụ, đến nay đội trật tự du lịch, bảo vệ du khách đã xử lý gần 4.900 trường hợp.

Trong đó, can thiệp buộc các đối tượng hàng rong, taxi, xe ôm, xích lô, đánh giày có hành vi trấn lột, lừa gạt, thu quá giá hoàn lại tiền cho du khách 65 trường hợp; ngăn chặn, xử lý các đối tượng hàng rong, xích lô, đánh giày chèo kéo làm phiền du khách hơn 4.800 trường hợp.

Tuy nhiên, đa số các đối tượng này chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, không đủ sức răn đe, dễ dàng tái phạm và liều lĩnh hơn trong những lần vi phạm sau. Không ít lần các trật tự viên bị các đối tượng này chống đối, va chạm.

Hiện tại, lực lượng trật tự viên du lịch của TP có 182 người được định biên thực hiện công tác hằng ngày, có mặt thường xuyên trên 30 chốt, tuyến. Lực lượng tuần tra, chốt trực tại khu vực trung tâm quận 1, quận 3, trọng điểm là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến thành, hội trường Thống Nhất, khu phố Phạm Ngũ Lão và các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng…

Trước thực tế nói trên, đề án nâng cao chất lượng hoạt động đội trật tự du lịch của Sở Du lịch TP đề xuất mở rộng địa bàn, trang bị phương tiện tác nghiệp cho trật tự viên du lịch…

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng yếu tố mấu chốt quyết định hiệu quả hoạt động của lực lượng trật tự du lịch là sự phối hợp nhuần nhuyễn với các lực lượng tại chỗ, chứ không phải cứ tăng thêm người, tăng thêm phương tiện 
là xong…

* Anh Babu Jheet (27 tuổi, người Ấn Độ):

Bỏ suy nghĩ người nước ngoài 
phải trả giá cao

Qua tìm hiểu, tôi được biết Việt Nam là đất nước của những ngôi chợ truyền thống và các quán ăn bình dân, chứ không phải siêu thị hay trung tâm thương mại. Nhưng những nơi không niêm yết giá thì họ lại bán đắt cho khách du lịch. Đi taxi thì tài xế cố tình không hiểu ý, chở du khách đến sai địa chỉ rồi tính giá cao.

Hình như ở đất nước các bạn có một quy ước ngầm là người nước ngoài luôn giàu có và bằng cách này hay cách khác chúng tôi phải trả giá cao hơn?

Tôi nghĩ cần sớm loại bỏ suy nghĩ này và loại bỏ những cửa hàng hét giá, những taxi dỏm. Có như vậy chúng tôi mới cảm thấy thoải mái khi đi du lịch, tận hưởng kỳ nghỉ của mình và tự tin giới thiệu cho gia đình, bạn bè đến Việt Nam.

TRẦN KIM ANH ghi

MAI HƯƠNG – ĐỨC PHÚ