26/12/2024

Đừng để ngủ gục sau tay lái do thuốc

Có khá nhiều dược phẩm dùng trị những rối loạn thông thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Thế nhưng không phải bác tài nào cũng lưu ý điều này, dẫn đến việc họ không thể tỉnh táo tập trung khi lái xe và thế là gặp nạn.

 

Đừng để ngủ gục sau tay lái do thuốc

 

Có khá nhiều dược phẩm dùng trị những rối loạn thông thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Thế nhưng không phải bác tài nào cũng lưu ý điều này, dẫn đến việc họ không thể tỉnh táo tập trung khi lái xe và thế là gặp nạn.

 

 

 

 

Đừng để ngủ gục sau tay lái do thuốc
Khi mệt mỏi, tốt nhất tài xế cần nghỉ ngơi – Ảnh: THÀNH NHÂN

 

 

Tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc thuộc loại nham hiểm. Bởi nó không làm người dùng thuốc buồn ngủ đến độ gục xuống ngủ liền một cách say sưa mà chỉ gây tình trạng lơ mơ, ngủ gà ngủ gật.

Khi bị tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc, tài xế sẽ bị tác động: mắt vẫn mở mà không nhận biết mọi diễn biến trước mắt mình. Đó là nguyên nhân vì sao hai xe đụng trực diện, xe rơi xuống vực thẳm… mà người ta thường cho là lạc tay lái.

Những loại thuốc nào gây buồn ngủ?

Nhóm thuốc đầu tiên thường gây tác dụng phụ buồn ngủ là nhóm thuốc kháng histamine trị dị ứng. Đây còn gọi thuốc kháng histamine ở thụ thể H1 trị các triệu chứng dị ứng như ho, sổ mũi nước, nôn ói, nổi mề đay, ngứa (khác với thuốc kháng histamine ở thụ thể H2 trị viêm loét dạ dày – tá tràng).

Nhóm thuốc này chia làm 
thế hệ:

Thế hệ thứ 1: còn gọi thuốc kháng histamine cổ điển gây buồn ngủ rất nhiều.

Thế hệ thứ 2: còn gọi thuốc thế hệ mới do không xâm nhập hệ thần kinh trung ương nên không hoặc rất ít gây buồn ngủ.

Thuốc kháng histamine thế hệ 2 được cho là không gây buồn ngủ, nhưng vì an toàn tối đa, tài xế vẫn không nên dùng thuốc kháng histamine thế hệ 2 nếu phải lái xe, đặc biệt là đường dài.

Nhóm thuốc thứ hai gây buồn ngủ là thuốc trị cảm – sổ mũi và thuốc trị ho. Nhiều biệt dược trị cảm – sổ mũi hoặc trị ho, trong thành phần có chứa thuốc kháng histamine cổ điển gây buồn ngủ.

Vì vậy, cần lưu ý người sử dụng về tác dụng gây buồn ngủ, tránh dùng thuốc nếu phải làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo và tránh uống rượu khi đang dùng thuốc. Riêng tài xế đang lái xe tuyệt đối không dùng loại thuốc trị cảm – sổ mũi hoặc trị ho này.

Các thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương cũng có thể gây buồn ngủ khi đang dùng thuốc. Như các thuốc an thần gây ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau opioid gây nghiện, thuốc chống động kinh…

Tài xế cần làm gì khi muốn dùng thuốc?

Nếu bị những rối loạn thông thường, tài xế có thể đến nhà thuốc mua thuốc cần dùng nhưng luôn nhớ hỏi dược sĩ hoặc nhân viên bán thuốc về thuốc có gây buồn ngủ hay không. Hoặc luôn xem bản hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng là thuốc có gây buồn ngủ (xem mục: Ảnh hưởng của thuốc khi lái xe và vận hành máy móc, và mục: Tác dụng không mong muốn).

Nếu thuốc gây buồn ngủ thì phải lựa chọn dứt khoát: hoặc phải lái xe thì không dùng thuốc hoặc dùng thuốc rồi thì không được 
lái xe.

Không chỉ tác dụng phụ gây buồn ngủ mà một số tác dụng phụ khác của thuốc như: choáng váng, chóng mặt, rối loạn điều tiết mắt… vì sự an toàn tối đa, nếu phải dùng thuốc cũng không nên lái xe.

Trong cuộc sống hằng ngày, tài xế như bao nhiêu người khác có thể bị một số rối loạn gọi là thông thường. Gọi là rối loạn thông thường vì các vấn đề về sức khỏe mắc phải không trầm trọng đến độ phải đi khám bác sĩ hoặc phải đến bệnh viện để được chữa trị mà chỉ cần dùng một số thuốc thông thường là có thể cải thiện các rối loạn đó.

Các thuốc được dùng trong trường hợp xử lý các vấn đề sức khoẻ thuộc loại nhẹ có thể hỏi mua tại nhà thuốc không cần có đơn thuốc của bác sĩ.

Các rối loạn thông thường có thể xử lý ngay trong thời gian còn phải chạy xe có thể kể như: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, nôn ói, ho, dị ứng do thời tiết, do ăn uống…

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)