26/12/2024

Bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét: Để không tác dụng ngược

Sau 2 năm thực hiện, chủ trương không chấm điểm học sinh tiểu học mà thay bằng nhận xét (Thông tư 30) vẫn tiếp tục nhận phản ứng mạnh mẽ từ những người trong cuộc.

 

Bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét: Để không tác dụng ngược

 

Sau 2 năm thực hiện, chủ trương không chấm điểm học sinh tiểu học mà thay bằng nhận xét (Thông tư 30) vẫn tiếp tục nhận phản ứng mạnh mẽ từ những người trong cuộc.




Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh KhiêmẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Thực tế này cần đặt lại việc áp dụng những điều thế giới đã làm vào thực tế của VN vì nếu áp dụng không đúng có khi sẽ tác dụng ngược.
Thực tế đang diễn ra ở các trường tiểu học đã chứng minh điều đó. Sau khi làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Ngay tại đây, một trong những vấn đề mà Hiệu trưởng Lâm Hồng Lãm Thúy đặt ra là những khó khăn sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư 30.
Bà Thúy cho rằng giáo viên (GV) tiểu học phải dạy cùng lúc rất nhiều môn, một ngày dạy nhiều lớp nên việc viết nhận xét vào từng cuốn tập của học sinh (HS) khiến công việc của GV tăng lên rất nhiều. Bà Thúy bày tỏ ý muốn được Bộ, Sở chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với đội ngũ những người trực tiếp giảng dạy. Theo bà Thúy, trường có khoảng 130 GV dạy cho 1.800 HS là quá tải. Mô hình trường học mới mỗi lớp không quá 30 HS nhưng điều này rất khó thực hiện.
Vội vàng, máy móc
Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề vì sao một chủ trương được cho là hợp lý nhưng không có tác dụng sau 2 năm thực hiện, PGS Nguyễn Hữu Hợp (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thẳng thắn: “Quản lý giáo dục nhiều bất cập. Ép GV ghi nhận xét hằng ngày, hằng tháng quá nhiều và máy móc gây quá tải sức lao động, gây ức chế tâm lý, gây tốn thời gian quá mức của GV. Việc ghi nhận xét quá tải như vậy làm cho GV còn quá ít thời gian cần thiết dành cho những công việc chuyên môn khác – điều này đe doạ chất lượng giáo dục một cách rõ ràng”.
 
 
Nhiệm vụ của trường ĐH là đào tạo sinh viên có việc làm
Trong buổi làm việc tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chiều 6.6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết những người đứng đầu ngành giáo dục rất trăn trở về con số trên 225.000 cử nhân và thạc sĩ không có việc làm. Ông Nhạ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đầu tiên của trường ĐH là đào tạo có chất lượng, chí ít là đào tạo sinh viên ra trường có việc làm. Nói một cách thẳng thắn thì với thực trạng hiện nay, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo đang rất có vấn đề”.
Bàn về mô hình trường ĐH, ông Nhạ nói: “Với một trường ĐH phát triển theo định hướng thực hành thì không cần quá nhiều tiến sĩ, tránh xảy ra tình trạng giảng viên chạy theo bằng cấp. Tôi đánh giá cao nỗ lực của thầy cô theo đuổi việc làm tiến sĩ nhưng tiến sĩ không có công bố khoa học quốc tế thì quả thật rất lo lắng”. Hà Ánh

 

Năm 2015, sau một năm thực hiện Thông tư 30, Báo Thanh Niên đã tiến hành khảo sát GV và phụ huynh ở 165 trường tiểu học của 10 địa phương. Kết quả cho thấy gần 80% GV thừa nhận công việc nặng nề hơn. Đến nay, đây vẫn là mối quan tâm của phần lớn GV.

Một GV tại Q.Tân Phú (TP.HCM) nhìn nhận: “Hiện tại có trường sĩ số lên đến 50 HS/lớp thì rất áp lực. Đặc biệt đối với GV bộ môn, số tiết ít nhưng dạy nhiều lớp nên công việc sổ sách quá tải so với các GV khác. Ngoài ra, không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ, nhất là ở những vùng khó khăn khả năng nhìn nhận vấn đề còn hạn chế thành ra chưa phối hợp với GV trong việc đánh giá, nhận xét học trò”.
Ông Hợp cho rằng sĩ số quá đông cũng là một nguyên nhân khiến việc thực hiện Thông tư 30 bị hạn chế. Sĩ số HS 50 – 60/lớp rất phổ biến. Với sĩ số HS đông như vậy, GV rất khó nhận xét hết, đầy đủ, đúng mức.
Theo ông Hợp, thông tư ban hành ngày 28.8.2014 và yêu cầu các sở, phòng, trường triển khai từ tháng 10.2014. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán và cán bộ cốt cán tiến hành tập huấn cho GV tại địa phương, nhưng như vậy vẫn là quá nóng vội, GV có cảm giác bất ngờ, như bị ép thực hiện khi chưa thấm, chưa thông, chưa biết làm.
Giáo viên thiếu tích cực đổi mới
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM cho rằng mới đầu GV loay hoay, lo lắng nhưng sau 2 năm thực hiện, GV đã dần quen với công việc. “Thực ra, phải thẳng thắn mà nói, đến giờ GV còn than thở thì rõ ràng có phần lười, chưa thực sự tâm huyết, yêu nghề. Bởi mỗi tuần HS có 35 tiết học, trong khi đó GV chỉ có định mức 23 tiết nên 12 tiết còn lại GV sẽ dùng để làm công việc chủ nhiệm, phục vụ việc giảng dạy, chấm bài, nhận xét… Do đó, không thể nói là không có thời gian mà quan trọng là biết cách sắp xếp thời gian hợp lý”, vị hiệu trưởng này nhận xét.
Ông Nguyễn Hữu Hợp cũng thừa nhận khá nhiều GV hiện nay phản ứng thiếu tích cực với đổi mới bởi ngại khó, ngại khổ nên thực hiện thông tư còn đối phó, thiếu tinh thần cầu tiến, thiếu cái tâm của nghề giáo. Nhiều GV gặp khó khăn không biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ ai ngoài đồng nghiệp và mạng xã hội.
Bàn về việc ghi nhận xét cho HS, PGS-TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng HS cần những thông điệp có cảm xúc để tạo sự tương tác giữa người dạy, người học. Thói quen chấm điểm đã ăn sâu vào gốc rễ trong cách đánh giá nên khi đổi sang cách mới, nhận xét, nhiều HS trong lớp sẽ gây áp lực cho GV nhưng nếu GV thực sự hiểu từng học trò của mình thì nhận xét tuy ngắn gọn nhưng trúng vẫn sẽ có hiệu quả.
Các phụ huynh có con học ở một số trường quốc tế tại Hà Nội đều cho biết ở tiểu học cũng có cả cho điểm và nhận xét nhưng phần nhận xét thường được chú trọng hơn. Một bài tập của HS có thể được đánh giá ở nhiều mức: yếu, trung bình, khá, tốt, rất tốt… nhưng điều quan trọng là GV sửa bài và nhận xét rất chi tiết, cụ thể, không máy móc rập khuôn HS nào cũng giống HS nào như cách mà nhiều GV ở VN đang làm. Hơn nữa, việc nhận xét HS ở các trường này được chú trọng toàn diện, học tốt về thể dục thể thao, nghệ thuật, các hoạt động ngoại khoá cũng được trân trọng không kém gì học giỏi các môn văn hoá…
Cần có lộ trình rõ ràng
Một trong những mục tiêu khi áp dụng Thông tư 30 là nhằm giảm việc dạy thêm, học thêm bậc tiểu học. Tuy nhiên, đến nay, theo hiệu trưởng một số trường tiểu học tại TP.HCM màThanh Niên tiếp xúc thì việc áp dụng thông tư này hoàn toàn không làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, vì việc này xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh muốn con em mình học tốt hơn khi không có khả năng hướng dẫn con em và không có điều kiện quản lý, đưa đón con giờ tan học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều phụ huynh cho biết kiến thức trong sách giáo khoa tiểu học bây giờ khá nặng, nếu không học thêm thì con không thể hiểu hết được bài nên dù biết là không tốt vẫn phải cho con học thêm.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận: “Mục tiêu của Thông tư 30 đặt ra là rất tốt, việc bỏ chấm điểm sẽ giúp HS giảm áp lực, nhận xét để giúp HS hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, khi thực hiện cần nhìn thẳng vào thực tế là lớp học thường đông nên để đánh giá thật sát từng HS sẽ rất khó. Hơn nữa, GV xưa nay cũng quen với việc chấm điểm nhanh, bây giờ chuyển qua nhận xét từng em mất nhiều thời gian không tránh khỏi áp lực mệt mỏi, không còn hồn nhiên mà sinh ra quát mắng học trò thì không thể đạt hiệu quả thật sự. Chính vì thế, việc thực hiện thông tư cũng cần có lộ trình, bước đi rõ ràng, đồng bộ các khâu thật kỹ. Chủ trương, phương thức thì tốt nhưng vận dụng không khéo tác dụng ngược lại”.
Ngoài ra, ông Nhạ cho rằng thái độ tiếp nhận cái mới, sự thay đổi của GV rất quan trọng. Ông Nhạ nhấn mạnh: “Để thực hiện những chủ trương chính sách giáo dục mới thì GV là yếu tố tiên quyết, cũng là người chịu áp lực nhiều nhất. Chính vì thế, phải có sự đầu tư, quan tâm đến vấn đề quá tải. Yêu cầu GV đánh giá thay cho chấm điểm thì lương như thế nào, không thể công việc nhiều mà lương bổng vẫn như xưa?”.


 

T.Nguyễn – B.Thanh – L.Ngọc