“Phía sau tay lái là nụ cười trẻ thơ”
Đó là một trong nhiều khẩu hiệu do học sinh nghĩ ra gửi đến tham gia cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông”.
“Phía sau tay lái là nụ cười trẻ thơ”
Đó là một trong nhiều khẩu hiệu do học sinh nghĩ ra gửi đến tham gia cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông”.
Bài dự thi của học sinh Trường tiểu học Nam Thành Công sáng tác khẩu hiệu bằng tranh vẽ – Ảnh: Minh Hải |
Sau gần một tháng phát động cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được hơn 7.800 tác phẩm dự thi của các em học sinh trên cả nước.
Nhiều thành viên trong ban tổ chức đã bất ngờ khi tiếp nhận các tác phẩm dự thi được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những khẩu hiệu được vẽ bằng tranh với nhân vật chính là chú mèo máy Doraemon, có những khẩu hiệu được viết ra từ chính những mất mát, nỗi đau mà các em đã trải qua…
Cơ hội cho trẻ lên tiếng
Đã hơn ba tháng trôi qua nhưng cô Bùi Thị Thu Hằng (hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Lâm, Q.Long Biên, Hà Nội) và nhiều giáo viên trong trường vẫn chưa nguôi nỗi đau mất đi học trò thân yêu vì tai nạn giao thông.
Ngày 29-2, bé Trần Gia Hân (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Ngọc Lâm) được ông nội đưa đi học bằng xe máy. Khi còn cách trường chưa đầy 1km thì hai ông cháu bị một chiếc ôtô mất lái đâm vào, cướp đi sinh mạng.
Từ đấy, cô Hằng cứ trăn trở phải làm gì đó mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa để trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông; cũng như thay đổi nhận thức của các phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn cho con trên đường đến trường.
Cô Hằng cùng các giáo viên đã tổ chức thêm các giờ học ngoại khoá về an toàn giao thông. Để học sinh có thể hiểu và nhớ được những kiến thức cơ bản như sang đường đúng vạch, khi ngồi lên xe phải đội mũ bảo hiểm… các thầy cô của Trường tiểu học Ngọc Lâm hóa thân thành các nhân vật trong truyện tranh hoặc phim hoạt hình, tổ chức trò chơi cho học sinh, trong đó lồng ghép các tình huống về an toàn giao thông.
Khi biết thông tin về “Doraemon với an toàn giao thông”, cô Hằng rất vui, vì đây là cơ hội để chính học sinh lên tiếng cho sự an toàn của các em.
“Thông qua cuộc thi này, chúng tôi hi vọng nhận thức và hành vi của học sinh, gia đình các em, cộng đồng xung quanh về an toàn giao thông sẽ được nâng cao. Rõ ràng đã có sự thay đổi rất lớn, 100% các em học sinh đều đội mũ bảo hiểm khi được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy. Các em đã biết tự bảo vệ mình. Nếu lên xe mà chưa được đội mũ bảo hiểm thì nhất định các em không chịu đi” – cô Hằng chia sẻ.
Không chỉ là trường có số lượng bài dự thi lớn nhất, các em học sinh của Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) còn có cách sáng tác khẩu hiệu độc đáo nhất: tất cả khẩu hiệu đều được thể hiện bằng tranh vẽ.
Có bài dự thi vẽ chú mèo máy Doraemon trong vai cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm với khẩu hiệu: “Không uống rượu bia khi tham gia giao thông”, có bài dự thi lại vẽ một lớp học về an toàn giao thông, hoặc vẽ các học sinh đội mũ bảo hiểm khi được bố mẹ đưa đi học…
Lớp học về an toàn giao thông
Ông Nguyễn Quang Nhật – trưởng phòng tuyên truyền Cục Cảnh sát giao thông, thành viên ban tổ chức cuộc thi – cho biết chỉ trong vòng một tháng mà có gần 8.000 bài dự thi gửi về là kết quả ngoài mong đợi. Không chỉ có học sinh tại Hà Nội, TP.HCM tham gia, mà rất nhiều học sinh ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang cũng nhiệt tình gửi bài dự thi.
Nội dung các câu khẩu hiệu chủ yếu tập trung vào hành vi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, qua đường đúng vạch, không chơi dưới lòng đường…
“Có rất nhiều khẩu hiệu mới và hay. Đây sẽ là kho tàng để chúng tôi khai thác trong mỗi dịp tuyên truyền giảm thiểu tai nạn giao thông. Và thậm chí, chính các em học sinh sẽ được lựa chọn trở thành tuyên truyền viên trong mỗi chiến dịch” – ông Nhật đánh giá.
Các khẩu hiệu của các em ngộ nghĩnh nhưng nhiều ý nghĩa, như: “Lái xe an toàn vì nụ cười trẻ thơ; Phía sau tay lái là nụ cười trẻ thơ; Doraemon ơi hãy dạy các bạn nhỏ tham gia giao thông đúng luật; An toàn giao thông thắp sáng tương lai; Luôn đội mũ bảo hiểm để đường đến trường luôn an toàn…”.
Ông Nhật cho biết thêm Tập đoàn báo Mainichi, Nhật Bản – đơn vị khởi xướng tổ chức chương trình – cam kết sẽ tổ chức chương trình vào những năm tiếp theo, với mục đích đẩy lùi tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong tháng 9 và tháng 10 tới, chương trình sẽ mở lớp học về an toàn giao thông tại TP.HCM và Hà Nội. Lớp học này được tổ chức dưới hình thức hoạt động ngoại khoá, giảng viên sẽ là các chiến sĩ cảnh sát giao thông để giới thiệu, trang bị cho học sinh các quy tắc, kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Nhân vật Doraemon do diễn viên người Nhật đóng sẽ sang giao lưu trong lớp học, tổ chức các trò chơi lồng ghép phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông.
Đầu tháng 7 công bố kết quả cuộc thi Từ ngày 15-6, ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn 1.000 bài dự thi có chất lượng tốt nhất, sau đó chọn lọc lần hai lấy 100 bài dự thi rồi dịch sang tiếng Nhật và chia cho tám giám khảo (trong đó có ba giám khảo người Nhật) chấm. Từ kết quả chấm thi của ban giám khảo sẽ chọn ra 10 bài xuất sắc nhất của người lớn, 10 bài xuất sắc nhất của trẻ em vào vòng chung kết trao giải. Cuối tháng 6, ban tổ chức sẽ quyết định chọn một tác phẩm hay nhất của trẻ em, một tác phẩm hay nhất của người lớn và một tác phẩm xuất sắc nhất cả cuộc thi. Dự kiến, đầu tháng 7 sẽ công bố kết quả cuộc thi với báo chí và sang tháng 9 tổ chức trao giải. Cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông” tại Việt Nam năm 2016 do Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an phối hợp cùng báo Mainichi tổ chức, báo Tuổi Trẻ là đơn vị truyền thông. |