24/01/2025

Dân ‘khóc ròng’… vì dự án nâng cấp đô thị

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng người dân ở các khu phố nghèo tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đã “khóc ròng” vì tình trạng ngập nước và ô nhiễm nghiêm trọng liên quan đến dự án nâng cấp đô thị.

 

Dân ‘khóc ròng’… vì dự án nâng cấp đô thị

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng người dân ở các khu phố nghèo tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đã “khóc ròng” vì tình trạng ngập nước và ô nhiễm nghiêm trọng liên quan đến dự án nâng cấp đô thị.




Sau khi nâng cấp, mặt đường, hố ga và cống xả thải đều cao hơn nhà dân  /// Ảnh: Hoàng Phương

Sau khi nâng cấp, mặt đường, hố ga và cống xả thải đều cao hơn nhà dânẢNH: HOÀNG PHƯƠNG


Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (Tiểu dự án TP.Mỹ Tho) có tổng mức đầu tư 1.152 tỉ đồng, tương đương 56,22 triệu USD, do UBND TP.Mỹ Tho làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) là 814 tỉ đồng, tương đương 39,71 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách T.Ư và địa phương. Các hạng mục được nâng cấp bao gồm giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, cấp nước, điện chiếu sáng… Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện điều kiện sống cho cư dân nghèo đô thị tại 17 khu dân cư có thu nhập thấp tại 9 phường, xã của TP.Mỹ Tho, gồm các phường: 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, Tân Long và xã Mỹ Phong.
Về lý thuyết thì thông qua việc nâng cấp hạ tầng, các con hẻm sẽ được cải tạo, mở rộng. Môi trường sống trong lành, sạch đẹp, giảm thiểu tình trạng ngập úng… Thế nhưng, dự án vừa triển khai thì người dân đã kêu trời vì tình trạng ngập nước và ô nhiễm còn nặng hơn khi chưa có dự án.
Ông Phạm Công Lĩnh (ngụ KP.3, P.5, TP.Mỹ Tho) nói: “Gia đình tôi sống ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt như bây giờ. Từ cơn mưa đầu mùa đến nay nhà tôi luôn bị ngập nước, trong khi TP.Mỹ Tho nằm ngay cạnh sông Tiền. Nguyên nhân vì mấy ổng lấp con rạch Bạch Nha xuyên qua khu dân cư để đặt cống, làm đường, mà đường thì cao hơn nhà dân cả mét nên nước đâu còn chỗ để thoát. Đồng ý là trước đó con rạch bị ô nhiễm, nhưng cũng là dự án do WB tài trợ, tôi thấy ở Cần Thơ, Vĩnh Long người ta vét kinh, rạch rồi kè đá, lát gạch, trồng cây và làm đường hai bên bờ rất sạch, đẹp. Chẳng hiểu sao mình lại đi lấp kinh, rạch để làm đường?”.
Hiện nay, sau khi đã lấp rạch, đường làm chưa xong nhưng tất cả nhà dân đều thấp hơn mặt đường sẽ làm ít nhất là 1 m. Cống thoát nước dân sinh đã đặt sẵn dọc hai bên con đường đang thi công đều cao hơn nhà dân chừng 0,5 m. Do vậy, nếu muốn nước thải từ trong nhà thoát được ra ngoài thì phải nâng nền nhà lên cao hơn 1 m. Vậy thì sau khi làm đường xong, tất cả nhà dân đều phải sửa chữa và nâng nền để đồng bộ với mặt đường. Nhưng với người nghèo thì lấy đâu ra tiền để sửa? Rất nhiều người dân đã đặt câu hỏi như vậy.
Tại KP.9, P.6, bà Trần Thị Mai cho biết nhà bà trước đây cao hơn mặt đường 1 m, sau hai lần góp tiền để nâng cấp hẻm thì nhà bà bị thấp hơn mặt đường 1 m nên đã phải tốn tiền để nâng nền nhà. Năm ngoái, sau khi chính quyền bơm cát lấp con kinh Xáng Cụt để làm đường và phân lô, bán nền thì nước mưa không còn đường để thoát, tràn vô nhà. Không thể tiếp tục nâng nền nên sau đó bà tôn cao hành lang xung quanh nhà giống như “đắp đê” nhưng năm nay nhà bà tiếp tục bị ngập nặng. Để tự cứu mình, bà đã sắm thêm một cái máy bơm để mỗi cơn mưa thì… bơm tát.

 

Hoàng Phương