24/12/2024

Hơn 100 năm lưu lạc của bộ truyện tranh VN đầu tiên

Bộ bản thảo truyện tranh Lục Vân Tiên cổ tích truyện được thực hiện trong khoảng thời gian 1895 – 1897 tại VN đã có thể mãi ngủ yên trong phòng thư viện của Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn (Pháp), nếu như không tình cờ được GS Phan Huy Lê phát hiện.

 

Hơn 100 năm lưu lạc của bộ truyện tranh VN đầu tiên

 

Bộ bản thảo truyện tranh Lục Vân Tiên cổ tích truyện được thực hiện trong khoảng thời gian 1895 – 1897 tại VN đã có thể mãi ngủ yên trong phòng thư viện của Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn (Pháp), nếu như không tình cờ được GS Phan Huy Lê phát hiện.




Hơn 100 năm lưu lạc của bộ truyện tranh VN đầu tiên

Bìa bộ truyện tranh Lục Vân Tiên cổ tích truyện

Ngủ yên trên đất Pháp
GS Phan Huy Lê vẫn nhớ đó là ngày 30.4.2011, ông và những người bạn là GS Philippe Papin (Trường cao học Thực hành Paris), PGS Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội) và PGS Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông Bác cổ tại TP.HCM) đã tới Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn (Pháp). Khi các nhà nghiên cứu vào thăm thư viện tại đây, vị giám đốc đã mang ra những tài liệu về VN và Đông Dương để giới thiệu. “Tất cả đều rất quý. Nhưng đập vào mắt tôi là một tập bản thảo dày, phía bên ngoài ghi rõ truyện tranh Lục Vân Tiên cổ tích truyện do Eugène Gibert tổ chức biên tập. Chúng tôi lật giở từng trang. Tất cả mọi người cũng như tôi đều sửng sốt nhận ra đây là một di sản lớn. Tôi đề xuất nên công bố di sản này để công chúng VN và thế giới được biết đến”, GS Phan Huy Lê nhớ lại.
Đề xuất của GS Lê đã được hiện thực hoá. Các nhà nghiên cứu Pháp và VN đã cùng làm việc trong suốt 3 năm. Sau nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, cuối cùng cuốn sách truyện tranh Lục Vân Tiên cổ tích truyện đã được hoàn thành. Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cho in 600 bản tại Pháp. Cuối tháng 5 vừa qua, Viện Viễn Đông Bác cổ tại VN phối hợp với NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành cuốn sách này tại VN.
“Cho đến cuối thế kỷ 19 tại VN, các tác phẩm văn học cổ điển, văn học chữ Nôm đều chưa có minh họa, có chăng cũng chỉ là một vài hình vẽ nhỏ. Bộ truyện này là truyện thơ dài đầu tiên và cũng là tác phẩm văn học đầu tiên được minh họa hoàn toàn bằng tranh”, GS Lê nhìn nhận.
Phải trải qua hành trình hơn 1 thế kỷ, bộ truyện tranh cổ đầu tiên của VN này mới được phát hiện, khôi phục và công bố rộng rãi. Nhưng đằng sau đó, không nhiều người biết vì sao một người Pháp chứ không phải một người Việt đã tổ chức thực hiện bộ truyện tranh và vì sao tập bản thảo này lại có mặt trong phòng thư viện trên đất Pháp.
Hơn 100 năm lưu lạc của bộ truyện tranh VN đầu tiên 2

Tranh minh hoạ trong bộ truyệnẢNH: CHỤP LẠI TỪ SÁCH

“Độc nhất vô nhị”
 
 
Lục Vân Tiên cổ tích truyện do Viện Viễn Đông Bác cổ tại VN phối hợp với NXB Văn hoá – Văn nghệ ấn hành bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Bộ truyện gồm 2 tập, tập 1 là truyện thơ có tranh minh họa, tập 2 là phần chú giải của Eugène Gibert cùng các nhà nghiên cứu và bản in truyện thơ.
 

Eugène Gibert là một sĩ quan người Pháp đồng thời cũng là một nhà trí thức đến VN trong khoảng những năm 1895 – 1897. Yêu thích và muốn tìm hiểu về văn hoá VN, ông đã tiếp cận với bản dịch truyện Lục Vân Tiên sang tiếng Pháp của Abel des Michels. Vì sao người Pháp lại chọn dịch truyện thơ Lục Vân Tiên chứ không phải những tác phẩm khác? PGS Pascal Bourdeaux lý giải: “Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu ảnh hưởng lớn đến tâm tư của người Việt, đồng thời truyền bá Khổng giáo với mục tiêu phổ biến giá trị của đạo Khổng tới từng người nhằm củng cố chế độ phong kiến tại miền Nam VN trong thế kỷ 19. Trong khi người Pháp đang muốn tìm hiểu về tư tưởng của người Việt như thế nào”.

Trở lại với viên sĩ quan Eugène Gibert, vì quá thích thú với bản dịch truyện Nôm Lục Vân Tiên, ông đã nhờ các hoạ sĩ bản địa mà đứng đầu là Lê Đức Trạch thực hiện bộ truyện tranh. Những bức tranh này được vẽ bằng chì sau đó tô màu nước rất sinh động. Eugène Gibert đã để Lê Đức Trạch tự do vẽ xã hội đương thời một cách trung thực nhất. Mỗi trang truyện thường gồm 4 bức tranh nhỏ, trong đó có những bức vẽ toàn cảnh, có bức vẽ giới thiệu nhân vật, thiên nhiên… Các nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị của những bức tranh. “Các tranh vẽ mang tính truyền thống, dân gian. Chúng ta có thể thấy ở đó phảng phất chất truyền thống của làng Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế) và mang phong cách cung đình vì bản thân Lê Đức Trạch cũng là họa sĩ cung đình”, GS Phan Huy Lê nhận định.
Hiện nay, những thông tin về hoạ sĩ Lê Đức Trạch rất ít ỏi. Theo PGS Pascal Bourdeaux, có giả định họa sĩ này xuất thân từ vùng Quảng Nam. Lê Đức Trạch là người vẽ chính trong bộ truyện, ngoài ra các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm một họa sĩ khác, tuy nhiên danh tính của người này vẫn chưa được tìm ra.
Một phát hiện thú vị là Eugène Gibert đưa cho Lê Đức Trạch bản dịch của Abel des Michels còn Lê Đức Trạch lại sử dụng văn bản chữ Nôm khác, đây là một trong những văn bản được đánh giá là gần nhất với nguyên tác của Nguyễn Đình Chiểu. GS Phan Huy Lê nhận định: “Cần nói thêm rằng khi sáng tác truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã bị mù. Ông đọc thơ cho học trò, người thân nghe chứ không viết lại. Bởi vậy, truyện Lục Vân Tiêncó tác giả nhưng lại được lưu truyền giống như văn học dân gian, dẫn đến có nhiều dị bản. Chính việc làm của Lê Đức Trạch đã khiến bộ truyện có thêm một giá trị khác nữa, đó là cung cấp cho một dị bản khác của Lục Vân Tiên với niên đại rõ ràng”.
Eugène Gibert trở về nước vào năm 1897. Theo nhiều tài liệu, ông còn có ý định thực hiện bộ truyện tranh Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng không kịp. Năm 1899, Eugène Gibert trao tập bản thảo cũng là bộ truyện tranh độc nhất vô nhị này cho Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn (Pháp). PGS Olivier Tessier nhìn nhận: “Bộ truyện có nhiều giá trị khác cần tiếp tục được nghiên cứu, chẳng hạn như các phong tục tập quán dân gian, sự phát triển của chữ quốc ngữ. Bản dịch của Abel des Michels còn có sự tham gia của một người Việt tên là Trần Nguyên Hạnh. Trong cuốn sách, người đọc có thể thấy nhiều từ ngữ “cổ” của chữ quốc ngữ mà ngày nay đã được thay thế bằng những từ ngữ hiện đại”.

 

Ngọc An