23/01/2025

‘Gói’ cuộc sống vào tác phẩm

Cuộc sống hối hả, hiện tượng sống ảo, thậm chí là vấn đề biến đổi khí hậu…, tất cả đã được người trẻ gói gọn trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

 

‘Gói’ cuộc sống vào tác phẩm

Cuộc sống hối hả, hiện tượng sống ảo, thậm chí là vấn đề biến đổi khí hậu…, tất cả đã được người trẻ gói gọn trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.




Trần Hải Bình đang giới thiệu tác phẩm Chung cư của mình tại cuộc triển lãm  /// Ảnh: N.V

 

Trần Hải Bình đang giới thiệu tác phẩm Chung cư của mình tại cuộc triển lãmẢNH: N.V


Buổi triển lãm “Bảng chữ cái Sài Gòn” do Viện Pháp tại TP.HCM tổ chức mới đây đã giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên (SV), qua đó thể hiện góc nhìn của người trẻ về nhịp sống đô thị hiện nay.
Nhìn từ xã hội…
“Sống chậm lại một chút” là thông điệp mà Trang Bảo My, SV ngành thiết kế đồ hoạ Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhắn gửi trong tác phẩm của mình. Lấy tựa đề Nhịp sống Sài Gòn, My đã chọn cho mình phong cách thể hiện độc đáo. Tác phẩm tái hiện 29 chữ cái trên 26 bậc thang. Mỗi chữ cái là một ẩn ý mà My muốn nhắn gửi.
My đã lên ý tưởng hình thành một tác phẩm gợi nhắc về những kỷ niệm vốn dĩ rất thân thương với mỗi người. Mỗi bậc thang gắn liền với một chữ cái, một hiện tượng được bắt đầu bằng chữ cái đó, như với chữ “B” My gợi nhắc về chiếc bánh mì ta hay ăn mỗi ngày, chữ “T” là “Trà đá”, chữ “X” My đưa người xem về hình ảnh của những bác xe ôm thân thuộc với mảnh đất Sài Gòn…
My bật mí lý do chọn hình ảnh chiếc cầu thang để thể hiện tác phẩm: “Vì mình muốn níu mắt người xem lại một chút. Đi kèm với đó là thông điệp, đôi khi hãy bớt vội vã trên chính những bước chân của mình để cảm nhận nhiều hơn về thành phố mà ta đang sống. Sống chậm lại để cảm nhận và biết đâu sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị ngay chính xung quanh chúng ta”.
Ở một góc độ khác là câu chuyện về những gia đình trẻ sống ở chung cư trong tác phẩm Chung cư của tác giả Trần Hải Bình (ngành lý luận và mỹ thuật VN, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM). Bình nhận thấy, mỗi một chung cư đều được xây với cấu trúc đồng bộ, mỗi căn hộ đều giống nhau song chủ nhân của những căn hộ đó lại có cuộc sống và những câu chuyện khác nhau. Chính vì vậy cách bài trí phía bên ngoài cửa sổ cũng khác hoàn toàn mặc dù chúng được xây cùng kết cấu. Và dù khác nhau về cuộc sống, về tính cách nhưng khi sống trong một tập thể họ lại có một điểm chung, đó là sự thay đổi cung cách cư xử để hòa nhập với những người xung quanh.
… Đến cuộc sống của chính mình
Đây là những tác phẩm đã nhận được nhiều sự quan tâm của người trẻ. Bởi họ nhìn thấy được cuộc sống của mình trong mỗi tác phẩm này.
Đơn cử như tác phẩm của 5 SV ngành đồ hoạ truyện tranh Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, kể về cái nóng của Sài Gòn mà mỗi ngày những SV như họ phải trải qua. Đầu tiên, nhóm tác giả nhắc đến kiểu khí hậu nóng đặc trưng ở TP.HCM cùng câu nói: “Sài Gòn có 2 mùa, một mùa nóng và một mùa nóng hơn”. Với kiểu khí hậu đặc trưng như vậy, những cô cậu SV hằng ngày sống trong những nhà trọ thấp kín phải tìm đủ mọi cách để “chữa nóng”. Tất cả đều được cách điệu rất ngộ nghĩnh trong tác phẩm. Như hình ảnh những chú chó phải chạy vào tủ lạnh để nằm, rồi hình ảnh cô bé ngồi ôm nguyên một thanh đá to hay hình ảnh chiếc quạt máy đi kèm với thau nước… Đấy là những “chiêu trò” mà nhiều SV vẫn gọi là “đi tìm máy lạnh” mùa nóng.
Độc đáo hơn là tác phẩm tranh bằng màu nước của Lê Nguyễn Gia Hân (Khoa Dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM) với tiêu đề Sống ảo. Chủ đề này Hân lấy từ chính câu chuyện của mình nhưng cũng là một hiện tượng đang rất phổ biến trong cuộc sống của giới trẻ ngày nay.
Hân kể: “Những lúc đi chơi gặp gỡ bạn bè ngoài quán cà phê, mọi người chỉ để ý đến chiếc điện thoại trên tay. Đứa thì lướt Facebook, đứa thì tự sướng rồi nhắn tin các kiểu… mà chẳng quan tâm gì đến mọi người xung quanh. Cuộc trò chuyện chỉ có vài câu, thậm chí đôi khi chẳng có câu nói nào. Có đứa còn đăng status với những nội dung không liên quan, như đăng một tấm ảnh chụp ly nước tại quán với dòng trạng thái cô đơn trong khi thực tế đang đi với cả một nhóm bạn nhưng tất cả đều mải mê với cuộc sống ảo”.
“Tác phẩm này giống như thể hiện chính lối sống lệch lạc của tụi mình hiện nay. Mình nhận thấy ngày càng mất đi những cuộc gặp gỡ đầy tiếng nói, tiếng cười và dần xa nhau vì lối sống ảo. Mình nghĩ mỗi người trẻ nên tiết chế thời gian sử dụng mạng xã hội. Đừng để nó xâm chiếm cuộc sống. Một cuộc gặp mặt với những lời chuyện trò sẽ tốt hơn là mặt dán vào màn hình điện thoại”, Hân chia sẻ.

 

Nữ Vương