Nhiếp ảnh gia Pháp: Áo dài cần được cả thế giới chiêm ngưỡng
“Phụ nữ Việt mặc áo dài rất đẹp” – nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn C chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân sự kiện bộ ảnh anh chụp áo dài Việt Nam được giới thiệu trên trang boredpanda.com ngày 30-5.
Nhiếp ảnh gia Pháp: Áo dài cần được cả thế giới chiêm ngưỡng
“Phụ nữ Việt mặc áo dài rất đẹp” – nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn C chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân sự kiện bộ ảnh anh chụp áo dài Việt Nam được giới thiệu trên trang boredpanda.com ngày 30-5.
Một bức ảnh về áo dài Việt Nam của Rehahn – Ảnh: www.rehahnphotographer.com |
Việt Nam xứng đáng có được thông tin online viết về đất nước này tốt hơn |
Bộ ảnh giới thiệu hình ảnh chiếc áo dài đẹp dung dị trong đời thường, theo người phụ nữ đi chùa, đạp xe trên phố hay đi bộ trong các con hẻm nhỏ yên bình ở phố cổ Hội An.
“Trang phục này tôn vinh các đường nét của người phụ nữ một cách hoàn hảo” – trang boredpanda giới thiệu về áo dài Việt Nam.
Thích áo dài trắng nhất
Hầu hết các bức ảnh chụp áo dài của Réhahn C đều là áo dài trắng, như anh chia sẻ, vì anh thích áo dài trắng nhất, tuy giản dị nhưng rất quyến rũ. Réhahn cho biết anh luôn cố gắng chụp các khoảnh khắc tự nhiên và hạn chế hết mức có thể việc sắp đặt khi chụp hình.
“90% ảnh chụp áo dài của tôi là tự nhiên. Cũng có một, hai bức tôi sắp đặt, vì đôi khi tôi phát hiện nơi nào đó có cảnh đẹp hợp với chụp áo dài, nhưng lại không mang theo máy ảnh, hôm sau tôi sẽ trở lại và chụp – anh nói – Ví dụ như bức thiếu nữ ở hồ sen, theo tôi là rất đẹp, nhưng tôi sẽ không chụp như vậy nữa bởi vì đó không phải là khoảnh khắc tự nhiên”.
Nhiếp ảnh gia 36 tuổi này kể khi lần đầu nhìn thấy phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, anh đã vô cùng ấn tượng. Réhahn bắt đầu chụp áo dài hai năm trở lại đây và rất thích chụp áo dài với nón lá.
“Thật ra tôi chuyên về chụp chân dung, không phải chụp thời trang, tôi chụp áo dài ban đầu là vì thích và tôi cảm thấy trang phục đẹp này cần được cả thế giới chiêm ngưỡng” – anh chia sẻ.
Tháng 9 tới đây, Réhahn sẽ mang áo dài cùng hơn 30 bộ trang phục truyền thống khác của các dân tộc Việt Nam tham dự một triển lãm tại Pháp, quê hương anh. “Tôi hi vọng áo dài sẽ được lưu giữ mãi và không biến mất với sự lên ngôi của các trang phục hiện đại” – Réhahn tâm sự.
Các tác phẩm về áo dài cũng sẽ có mặt trong Vol 3 của loạt sách ảnh về Việt Nam có tên Vietnam – Mosaic of contrasts của anh, dự kiến ra mắt vào năm sau.
Réhahn chia sẻ quyển thứ 3 này sẽ khắc họa nhịp sống thành phố, trong khi ở hai quyển trước anh tập trung khai thác nhiều góc cạnh đời sống của người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa vì theo anh, những nét văn hoá truyền thống của họ rất hay nhưng đáng tiếc lại đang mai một đi rất nhanh do nhịp sống hiện đại. Do vậy, anh muốn góp phần lưu giữ lại văn hóa của đất nước mà anh bảo “là nơi mình được sinh ra lần thứ 2”.
Ảnh: www.rehahnphotographer.com |
“Kho” ý tưởng về Việt Nam
Tiếp xúc với Réhahn mới thấy anh có cả “kho” ý tưởng về những việc làm rất “vui” mà cũng rất ý nghĩa về Việt Nam. Có hôm thấy anh lên Facebook bảo rằng đang sưu tập… cát ở khắp mọi miền Việt Nam và kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Hôm khác lại thấy đi tìm lời giải cho câu hỏi “tại sao tường ở Hội An lại có màu vàng rất đặc trưng?”. Tất cả đều nhằm quảng bá một Việt Nam đa dạng sắc màu, như lời anh chia sẻ.
Ngoài ra, mối duyên của Réhahn với người dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng không dừng lại ở việc chụp ảnh và ra sách, khi anh đang tâm huyết với dự án viết về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ những tư liệu mà mình tập hợp được.
“Một dự án mới đang trong đầu: viết về văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh. Mỗi lần tôi tìm thông tin về các dân tộc thiểu số chẳng hạn, tôi đều chỉ tìm thấy những nội dung nghèo nàn copy lẫn nhau. Do vậy tôi quyết định tự nghiên cứu, phỏng vấn những người tôi gặp, liên hệ với chuyên gia và tự viết những nội dung chất lượng hơn về mặt thông tin, cả bằng tiếng Pháp, Anh và tiếng Việt. Việt Nam xứng đáng có được thông tin online viết về đất nước này tốt hơn!” – Réhahn bức xúc viết trên Facebook, giải thích vì sao anh muốn đầu tư một dự án thông tin chất lượng về Việt Nam.
Đó có thể là tục cưới của người Cơ Tu ra sao, hay họ thu nhập chính từ nghề gì, hoặc những chú voi có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của người M’Nông. Từng chút một, hễ cóp nhặt được gì là anh mang về “để dành” tại website rehahnphotographer.com của mình, đợi ngày hoàn thành. “Tôi cũng có thử liên lạc với một số nhà dân tộc học và đang đợi phản hồi từ họ” – anh kể.
Nhiếp ảnh gia Réhahn – Ảnh: NGỌC ĐÔNG |
Nhiều triển lãm liên tiếp Tháng 8 tới đây, Réhahn sẽ có buổi triển lãm ngoài trời ở Hội An, sau đó là triển lãm nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội, nơi anh từng tặng một bức ảnh nổi tiếng của mình hồi tháng 3 năm nay. Bức ảnh khổ 80x120cm chụp cụ bà làm nghề chèo thuyền 78 tuổi Bùi Thị Xong ở Hội An là một trong những bức đầu tiên anh chụp cho bộ ảnh Hidden smile ghi lại những nụ cười che miệng của người Việt, mà theo anh là rất duyên dáng. Réhahn cho biết bức chân dung cụ bà Bùi Thị Xong còn xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài như National Geographic, Los Angeles Times, Daily Mailvà được đưa vào bộ sưu tập của một bảo tàng châu Á ở Havana, Cuba. |