Bất ngờ thêm sách giáo khoa song ngữ!
Vừa kết thúc năm học, phụ huynh học sinh bậc tiểu học bất ngờ nghe thông báo năm học mới sẽ sử dụng sách giáo khoa khác, loại song ngữ Việt – Anh.
Bất ngờ thêm sách giáo khoa song ngữ!
Vừa kết thúc năm học, phụ huynh học sinh bậc tiểu học bất ngờ nghe thông báo năm học mới sẽ sử dụng sách giáo khoa khác, loại song ngữ Việt – Anh.
Phải đăng ký mua sách từ trước hè
Dù Bộ GD-ĐT chưa có văn bản công bố hoặc hướng dẫn chính thức về việc thí điểm dạy song ngữ môn toán, khoa học cho học sinh (HS) từ lớp 2 nhưng sách giáo khoa (SGK) đã xuất bản và phụ huynh của một số trường đã được yêu cầu mua để học vào năm học tới.
Nhiều phụ huynh tại Q.12 (TP.HCM) thật sự sốc và phản ảnh với Báo Thanh Niên vào cuộc họp cuối năm, giáo viên (GV) chủ nhiệm thông báo năm sau HS sẽ học sách toán song ngữ của Bộ do NXB Giáo dục VN phát hành. Phụ huynh này nói: “GV mới chỉ nói sách này do Bộ triển khai chứ chúng tôi cũng chưa được thông báo là con em sẽ học sách như thế nào”.
Một phụ huynh tại Q.1, TP.HCM, cho hay chuẩn bị cho năm học mới gia đình đăng ký cho bé mua sách trong trường. Tuy nhiên, mới đây nhà trường đã thu lại bộ sách in bằng tiếng Việt và thông báo sẽ phát sách song ngữ sau. Vị phụ huynh này nói thêm: “Không hiểu như vậy là được đổi ngang hay phải đóng tiền mua thành 2 bộ?”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại Hà Nội, Sở GD-ĐT chưa có chỉ đạo chính thức về việc thí điểm dạy song ngữ Việt – Anh đối với môn toán. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Trường tiểu học Tây Sơn, Q.Hai Bà Trưng được chọn là đơn vị điển hình trong thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 nên nếu Hà Nội có quyết định thực hiện thí điểm dạy song ngữ môn toán thì có thể sẽ chọn trường này. Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, cũng xác nhận trường chưa nhận được chỉ đạo chính thức nào từ Sở GD-ĐT Hà Nội.
Học từ… lớp 2
Các đơn vị giáo dục khi giải thích việc thực hiện thí điểm dạy song ngữ đều cho biết làm theo văn bản hướng dẫn những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020.
Văn bản này có nêu: Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, áp dụng các tài liệu dạy học song ngữ. Cũng theo văn bản này, Ban Quản lý đề án có trách nhiệm hoàn thiện, xây dựng, bổ sung, thẩm định, ban hành chương trình và tài liệu dạy và học song ngữ ở một số môn học của giáo dục phổ thông… Đề án này còn có nhiệm vụ bồi dưỡng GV dạy toán, các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường phổ thông.
Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý đề án cho PV Thanh Niên biết: “Đề án không chỉ đạo thực hiện thí điểm ra sao mà chỉ “đi theo” hỗ trợ trong chức năng, nhiệm vụ được phân công”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chủ trương chỉ đạo của Bộ là sẽ dạy theo đúng chương trình môn toán, khoa học ở bậc tiểu học hiện hành… SGK để giảng dạy song ngữ do NXB Giáo dục VN cung cấp. Sau khi lựa chọn đơn vị, số lượng lớp tham gia thí điểm, 100% GV dạy song ngữ sẽ phải tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành giảng dạy thí điểm môn toán song ngữ.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục VN, cho biết: “Theo chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, năm học 2016 – 2017 dự kiến là năm đầu tiên sử dụng SGK song ngữ môn toán, khoa học từ lớp 2. Nhà xuất bản Giáo dục VN được giao nhiệm vụ biên soạn, phát hành SGK song ngữ này”.
Theo ông Tùng, đến thời điểm này, đã có hơn 40 sở GD-ĐT tự nguyện đăng ký tham gia, sách song ngữ cũng đã được biên soạn xong và chuẩn bị phát hành như SGK thông thường.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Dù đưa vào sách song ngữ nhưng SGK hiện hành vẫn sử dụng bình thường. Sách song ngữ là tài liệu không bắt buộc và chỉ thực hiện ở những trường đủ điều kiện về GV, cơ sở vật chất và người học hoàn toàn tự nguyện tham gia”.
Theo lãnh đạo NXB Giáo dục VN, văn bản chỉ đạo về sách song ngữ đã có từ trước. Năm ngoái bắt đầu có sách nhưng năm nay NXB Giáo dục biên soạn và phát hành đủ trọn bộ từ lớp 2 – 12 cả 3 môn toán, hoá, sinh.
Giáo viên không dạy được thì học sinh tự học !
Chiều tối 30.5, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao, khẳng định đây là bộ sách tốt”. Ông Hiếu giải thích thêm: “Bây giờ GV của chúng ta không phải ai cũng dạy được toán, khoa học bằng tiếng Anh cho nên cần có sách song ngữ để HS có thể tiếp cận được các khái niệm toán và khoa học trong bộ sách này trong quá trình học phổ thông. GV tiếng Anh có thể giỏi tiếng Anh nhưng không dạy toán được hay GV toán có thể tiếng Anh lơ mơ không dạy được, không khéo thì sẽ dạy sai, nên khuyến khích HS tự sử dụng bộ sách để tham khảo, bổ sung”. Ông Hiếu nhấn mạnh: “Sách này là giải pháp thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia hiệu quả, là tài liệu bổ trợ tốt trong khi điều kiện GV chưa đủ khả năng giảng dạy hết thì HS tự học, tham khảo thì rất tốt”.
Ông Hiếu khẳng định: “Theo mục tiêu của đề án ngoại ngữ quốc gia cũng như đề án phổ cập và nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS thành phố, đến năm 2020, 50% HS phải đọc thông nói thạo, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Không học sách song ngữ, không có tăng cường tiếng Anh, không mời GV nước ngoài giảng dạy thì không thể hoàn thành mục tiêu”.
Theo ông Hiếu, bộ sách có 3 cấp độ: Đối với GV không biết tiếng Anh thì HS dùng sách để nghiên cứu, tham khảo, bổ sung thêm khiến thức về toán, khoa học. Mức độ thứ 2 là GV có thể sử dụng được tiếng Anh thì dùng như tài liệu bổ trợ để giảng dạy một số khái niệm cho HS, giải thích bằng tiếng Anh để giúp HS tiếp cận toán, khoa học bằng tiếng Anh. Nếu GV có trình độ tốt hơn thì dùng sách này để dạy các môn toán, khoa học một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh theo định hướng của Sở giúp HS tiếp cận với chương trình phổ thông quốc tế, đọc được sách, tài liệu của nước ngoài.
Ông Hiếu cho rằng Sở khuyến khích nếu HS nào chưa mua sách in bằng tiếng Việt thì có thể mua cuốn này để vừa thay cho sách tiếng Việt vừa có điều kiện để tham khảo như nói ở trên. Theo ông Hiếu, từ năm học 2015 – 2016 một số trường đã sử dụng bộ sách này và có phản hồi là HS thích thú. Hầu hết các phòng giáo dục đồng thuận triển khai thực hiện ở các trường tiểu học, THCS vào năm học 2016 – 2017.
Còn nhiều vấn đề cần đặt ra về chủ trương này như HS chỉ bắt buộc học tiếng Anh từ lớp 3 mà tại sao lại học song ngữ môn toán từ lớp 2? Dự kiến đến năm 2018 bắt đầu thực hiện chương trình SGK mới vậy tại sao giờ phải in hàng loạt sách song ngữ để vài năm lại thay mới?
Đề án 2020 chỉ yêu cầu triển khai ở cấp THPT
Theo mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020, đến năm 2015 sẽ triển khai dạy môn toán bằng ngoại ngữ ở khoảng 30% trường THPT tại các thành phố, đô thị lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và một số địa bàn trọng điểm khác. Sau đó, mỗi năm tăng thêm khoảng từ 15 – 20% số trường, mở rộng ra 5 tỉnh, thành phố và một số môn học khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số nơi đã thí điểm dạy song ngữ ở cấp THCS từ năm học 2015 – 2016 và năm nay dự kiến mở rộng xuống cả tiểu học.
|
Tuệ Nguyễn – Bích Thanh