Không cho phép cá nhân vay thay tổ chức
Tuổi Trẻ ngày 28-5 có phản ánh ý kiến của một số giảng viên Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai về việc lãnh đạo trường gửi thông báo yêu cầu giảng viên và nhân viên ký tên đồng ý cho trường sử dụng hợp đồng lao động để trường vay tiền ngân hàng.
Không cho phép cá nhân vay thay tổ chức
Tuổi Trẻ ngày 28-5 có phản ánh ý kiến của một số giảng viên Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai về việc lãnh đạo trường gửi thông báo yêu cầu giảng viên và nhân viên ký tên đồng ý cho trường sử dụng hợp đồng lao động để trường vay tiền ngân hàng.
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai |
Số tiền vay là từ 50-100 triệu đồng trên mỗi hợp đồng lao động, nhằm phục vụ việc xây dựng và phát triển trường.
Mặc dù thông báo “trên tinh thần tự nguyện” nhưng nhiều giảng viên không khỏi lo lắng nếu không đồng ý với yêu cầu trên. Tuổi Trẻ đã ghi nhận thêm một số ý kiến quanh câu chuyện này.
* Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Giảng viên dễ gặp rủi ro
Theo tôi, việc Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai đề nghị giảng viên của trường vay tiền giúp nhà trường giải quyết khó khăn trước mắt là một vấn đề hết sức tế nhị.
Mặc dù là “tự nguyện” nhưng nếu giảng viên không đồng ý đứng ra vay thì liệu họ có được đối xử bình đẳng hay không là điều không ai dám chắc. Với lời đề nghị này, e rằng ít có giảng viên nào dám từ chối. Nếu mọi việc không suôn sẻ, sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ, rắc rối cho các bên.
Về quan hệ vay mượn, ở đây có hai quan hệ phát sinh.
Thứ nhất: Quan hệ vay tài sản giữa ngân hàng và các giảng viên thông qua hợp đồng tín dụng, được điều chỉnh bởi pháp luật về tín dụng. Người vay sau khi ký hợp đồng tín dụng, phát sinh nghĩa vụ thanh toán nợ với ngân hàng theo thỏa thuận hai bên.
Nếu bên vay không trả được nợ hoặc trả không đúng hạn thì ngân hàng có quyền yêu cầu buộc thanh toán nợ gốc và lãi. Ở đây cần lưu ý đối với việc vay ngân hàng, lãi suất được tính cho đến khi nào người vay trả hết nợ gốc. Nếu không trả được nợ gốc thì tiền lãi vẫn tiếp tục phát sinh, kể cả khi các bên giải quyết bằng con đường tòa án.
Nếu không trả được lãi và gốc, ngân hàng có thể kiện ra toà để tuyên xử bằng bản án, đồng thời người vay đối diện với nguy cơ phải dùng tài sản của mình để trả nợ ngân hàng.
Thứ hai: Quan hệ vay tài sản giữa nhà trường và giảng viên được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Trong quan hệ này cần phải xác định là cho nhà trường (pháp nhân) vay, thời hạn vay, lãi suất, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay tài sản.
Nếu mọi việc suôn sẻ, nhà trường sẽ đóng lãi và thanh toán nợ gốc cho ngân hàng thay giảng viên, nhưng nếu trục trặc, “mối tình tay ba” này sẽ nảy sinh nhiều phức tạp.
Ngân hàng sẽ khởi kiện các giảng viên để thu hồi nợ theo điều khoản của hợp đồng tín dụng, các giảng viên sẽ phải kiện nhà trường để đòi nợ theo hợp đồng vay tài sản.
Trong trường hợp này, người bị thiệt thòi là các giảng viên. Bởi lẽ nợ ngân hàng thì không thể dây dưa, càng để lâu càng thiệt hại, nhiều khoản lãi (trong hạn, quá hạn, lãi phạt) thời gian tính lãi suất kéo dài cho đến khi thanh toán hết nợ gốc.
Ngược lại, đối với hợp đồng vay tài sản giữa giảng viên với nhà trường thì tiền lãi chỉ được tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm (nếu khởi kiện ra toà).
Do vậy, theo tôi, việc nhà trường đề nghị giảng viên vay tiền ngân hàng để cho nhà trường vay lại là đang đẩy khó và rủi ro cho giảng viên.
* Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực:
Làm vậy thì xã hội này loạn lên
Về nguyên tắc, không cho phép cá nhân đứng ra thay cho tổ chức, nếu ai cũng làm vậy thì xã hội này loạn lên và không thể kiểm soát được dòng tiền. Nếu xảy ra nợ xấu, ngân hàng sẽ đòi ai? Hai yếu tố quan trọng nhất để quyết định được cho vay tín chấp là thu nhập, chứng minh khả năng chi trả khoản vay và mục đích cho vay. Ngay từ đầu, mục đích cho vay đã không minh bạch thì không thể nào được đồng ý cho vay.
Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp chi nhánh ngân hàng nào đó “linh hoạt” vì áp lực chỉ tiêu nên lách mục đích đi vay, thời gian vay 2 năm là tương đối dài với khoản vay tín chấp, vì vậy rủi ro cao cho bất kỳ ngân hàng nào.
Cấm trong hoạt động tín dụng Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần cho biết về bản chất trường hợp này là vay hộ, vay ké, tức người đứng ra vay không phải cho nhu cầu bản thân mà vay giùm người khác. Trong hoạt động tín dụng, hình thức này hoàn toàn cấm và bản thân ngân hàng ông không bao giờ cho phép vay dạng này nếu phát hiện. Trường hợp nhà trường cố tình “che mắt” ngân hàng về mục đích đi vay thì việc hơn 100 giảng viên đồng loạt cùng đi vay tín chấp với số tiền 50 hay 100 triệu đồng cũng được xem là bất thường. Ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề. Vay tín chấp là vay theo nhu cầu tiêu dùng cá nhân, không thể có trường hợp đồng loạt nhân viên của một tổ chức cùng đi vay. Chưa kể, theo quy định cho vay, quan hệ vay vốn đầu tiên được xác định vào mục đích đi vay, nếu người đi vay không thực hiện đúng mục đích đi vay thì họ sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn, một khi đến hạn mà không trả hết nợ thì sẽ bị xem là nợ xấu. Lý lịch cá nhân đi vay trong ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. |