23/01/2025

“Họ phá nhà bố mẹ tôi, tôi gọi Tuổi Trẻ”

Đó không chỉ là chia sẻ của bà Vũ Thị Mai – người gọi đến Tuổi Trẻphản ảnh việc bố mẹ mình bị phá nhà, cướp tài sản, ép dời khỏi nhà để nhường mặt bằng cho một dự án.

 

“Họ phá nhà bố mẹ tôi, tôi gọi Tuổi Trẻ”

 

Đó không chỉ là chia sẻ của bà Vũ Thị Mai – người gọi đến Tuổi Trẻphản ảnh việc bố mẹ mình bị phá nhà, cướp tài sản, ép dời khỏi nhà để nhường mặt bằng cho một dự án.

 

 

 

 

 

"Họ phá nhà bố mẹ tôi, tôi gọi Tuổi Trẻ"
Từ trái qua Bà Vũ Thị Mai, ông Nguyễn Văn Tấn, anh Nguyễn Đức Mạnh – Ảnh: Trung Thu – G.Tiến 
“Tôi sẽ tiếp tục gọi đến Tuổi Trẻ nếu những bất công không được giải quyết thoả đáng
Bà Vũ Thị Mai

Câu chuyện bức xúc với nhiều thông tin hay của bà Mai đã được phản ánh trong bài viết Hải Dương: Hàng loạt hộ dân bị phá nhà, cướp tài sản của Tuổi Trẻ.

Và Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 4-2016 đến bà Mai cùng với hai bạn đọc báo tin nóng trong tháng với câu chuyện Bị khởi tố vì bán đồ ăn không giấy phép (quán Xin Chào) và Tìm thấy thi thể chín học sinh chết đuối ở Quảng Ngãi.

Đã có tín hiệu mừng

“Ban đầu cũng có người khuyên nên gọi cơ quan báo chí uy tín để họ giúp sự việc sớm được làm sáng tỏ, nhưng tôi tin tưởng lời hứa hẹn của chính quyền địa phương là sẽ giải quyết mọi khúc mắc một cách thỏa đáng.

Gia đình tôi mòn mỏi chờ đợi, đến bước đường cùng thì tôi quyết định thông tin đếnTuổi Trẻ” – bà Vũ Thị Mai bộc bạch.

Nhìn bố mẹ già yếu trên chiếc giường nhỏ trong căn nhà cấp 4 đang ở tạm của người họ hàng bên huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng sau khi buộc phải di dời khỏi căn nhà đã bị phá hư tại khu Tử Lạc 1, thuộc thị trấn Kinh Môn, Hải Dương, bà Mai gạt nước mắt nói về quá trình bố mẹ mình là ông Vũ Văn Ban (93 tuổi) và bà Đỗ Thị Nguyệt (93 tuổi) đến vùng đất Tử Lạc 1 khai hoang từ những năm 1980.

Khi Công ty ximăng Hoàng Thạch quyết định đầu tư vào khu vực ông bà sinh sống và địa phương có chủ trương di dời thì gia đình cũng nhất trí nhưng mong muốn phải được hỗ trợ đền bù một cách thỏa đáng với những công sức đã gây dựng nên vùng đất này.

Thế nhưng, 9 sào đất (360m2/sào) làm ăn của gia đình lại chỉ bồi thường 
18.000 đồng/m2, quá rẻ mạt!

Theo bà Mai, để bám trụ tại vùng đất đã dày công khai hoang, bố mẹ bà đã phải dùng đèn dầu, lọc nước sông để sinh hoạt sau khi người ta cắt điện, cắt nước nhằm tạo sức ép buộc các hộ dân phải di dời.

Bám trụ được một thời gian thì ông Ban đổ bệnh do sức khỏe già yếu nên gia đình phải đưa đi bệnh viện và chuyển tạm về nhà người thân ở Hải Phòng để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Chính trong khoảng thời gian này, căn nhà tại khu Tử Lạc 1 không ai trông nom đã bị người lạ đến tháo sạch cửa và lấy đi nhiều tài sản.

Sau khi sự việc được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, chính quyền đã cho tìm nguyên nhân và bắt đầu xem xét lại việc giải quyết các kiến nghị của người dân về phương án đền bù.

Bà Mai cho biết tuy sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết nhưng đó cũng là một tín hiệu mừng đối với người dân và là động lực để bà sẽ tiếp tục gọi đến Tuổi Trẻ nếu những bất công không được giải quyết thoả đáng.

Mong không còn cảnh đau lòng

Đến giờ phút này, anh Nguyễn Đức Mạnh – người báo tin chín em học sinh chết đuối ở sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi hôm 15-4 – nói rằng mình vẫn còn ám ảnh với cảnh tượng những đứa trẻ nằm xếp lớp trên bờ.

Anh nói cứ như là một vụ thảm sát, không khí tang thương bao trùm cả xã.

Nhớ lại chuyện đau lòng này, anh Mạnh cứ trăn trở một điều, đó là làm sao giải quyết được công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Vì theo anh biết, hầu hết chín em này đều có ba mẹ đi làm ăn xa, con phải gửi cho ông bà.

Có những trường hợp nạn nhân là đứa con duy nhất trong gia đình. Và cũng có trường hợp ba mẹ về không kịp giờ an táng của con, phải tiễn con trong nước mắt.

Vì hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nên anh Mạnh đã chủ động tìm hiểu về những chương trình dạy bơi ở tỉnh nhà và nắm được thực tế do thiếu kinh phí mà nhiều nơi chỉ hướng dẫn kỹ năng, còn thực hành thì thực chất là chỉ nằm trên bàn học và quạt tay.

Chính vì thế, anh đã kết nối với Tổ chức Swim Vietnam (một tổ chức từ thiện, khắc phục những vấn đề đuối nước ở Việt Nam bằng cách đào tạo người lớn thành giáo viên bơi lội, cung cấp bài học bơi miễn phí và giáo dục an toàn dưới nước cho trẻ em Việt Nam) với tỉnh Quảng Ngãi để lên chương trình dạy bơi cho tỉnh nhà.

Và anh rất hi vọng sự kết nối này sẽ thành công để không còn những cảnh đau lòng như thế xảy ra ở 
chính quê hương mình.

Sẽ làm cầu nối với báo chí

Cũng trong tâm thế kết nối, ông Nguyễn Văn Tấn – nạn nhân trong vụ bị khởi tố vì bán đồ ăn không giấy phép (quán Xin Chào, nằm đối diện trụ sở mới của Công an H.Bình Chánh, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh) – hướng đến việc làm cầu nối giữa báo chí và những người đang gặp khó khăn về mặt pháp lý.

Sau khi sự việc của ông được Thủ tướng chỉ đạo dừng hình sự hóa và một số cá nhân liên quan bị xử lý, quán Xin Chào của ông Tấn đã trở thành điểm giao lưu với không ít người dân đến chia sẻ, trong đó có không ít người không ngại đường sá xa xôi để mang hồ sơ đến nhờ ông Tấn làm cầu nối với báo chí.

“Khi mở quán cà phê này, tôi chỉ muốn được yên ổn làm ăn nên luôn tuân thủ các thủ tục giấy tờ và đóng phạt hành chính đầy đủ. Khi Viện KSND H.Bình Chánh quyết định khởi tố vụ án, tôi lo lắng vô cùng, phải cậy nhờ các luật sư quen biết giúp thảo đơn và tôi tìm đến báo chí để cầu cứu.

Sự việc được giải quyết êm, trước ân tình của báo chí cũng như các cơ quan xử lý vụ việc, tôi nguyện được “đền đáp tiếp nối”. Ai cần thì tôi giúp trong khả năng của mình và sẵn sàng kết nối với các cơ quan báo chí để giúp họ” – ông Tấn chia sẻ.

Niềm vui trên đường đời hành thiện

"Họ phá nhà bố mẹ tôi, tôi gọi Tuổi Trẻ"
Ông Trần Quốc Bảo – Ảnh: G.Tiến

Giải thưởng tháng 4-2016 cũng trân trọng trao đến ông Trần Quốc Bảo, trưởng phòng quản lý môi trường Cục Môi trường miền Nam, người đã viết lá thư gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu cứu cho bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (bài Cán bộ môi trường kêu cứu cho bà Ngọc).

Ông Bảo cho biết: “Trong quá trình công tác, tôi nắm rất rõ vụ việc này nên rất bức xúc khi ngày 19-4, Công an huyện Nhơn Trạch lại bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vì tội chống người thi hành công vụ cho một vụ việc xảy ra vào ngày 5-9-2015.

Tôi lập tức gọi cho Tuổi Trẻ báo tin và suy nghĩ mình phải làm gì đó để bảo vệ những người yếu thế. Và thế là tôi ngồi vào bàn viết tâm thư gửi Thủ tướng”.

Lá thư của ông Bảo cùng với một đoạn clip (do chồng bà Ngọc cung cấp vào thời điểm mà công an cho rằng bà Ngọc chống người thi hành công vụ) đã nói lên sự thật của vấn đề, khiến dư luận lúc đó vô cùng phẫn nộ trước việc làm ngang ngược của các nhân viên công quyền.

Ngay hôm sau, 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh.

Sự việc sau đó diễn biến rất nhanh, bà Ngọc được huỷ bỏ quyết định khởi tố và được công khai xin lỗi, một phó Công an huyện Nhơn Trạch bị đình chỉ công tác và năm nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành đã bị khởi tố về tội huỷ hoại tài sản của bà Ngọc. Công lý bước đầu đã được thực thi.

Ông Bảo chia sẻ: “Vụ việc kết thúc, bà con ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đã viết thư tập thể gửi đến Cục Môi trường miền Nam cảm ơn cục và cá nhân tôi. Tôi coi đó là niềm vui trong công việc và trên đường đời hành thiện của mình”.

Đ.Q

ĐỖ QUYÊN – TIẾN THẮNG