23/01/2025

“Loạn” dược liệu

Thông tin nhiều loại dược liệu nhập về qua kiểm tra không còn hoạt chất, lẫn tạp chất, xi măng, cát và cả hoá chất độc hại… khiến người tiêu dùng hoang mang. Thông tin nhiều loại dược liệu nhập về qua kiểm tra không còn hoạt chất, lẫn tạp chất, xi măng, cát và cả hoá chất độc hại… khiến người tiêu dùng hoang mang.

 

“Loạn” dược liệu

Thông tin nhiều loại dược liệu nhập về qua kiểm tra không còn hoạt chất, lẫn tạp chất, xi măng, cát và cả hoá chất độc hại… khiến người tiêu dùng hoang mang.




Dược liệu nhập tiểu ngạch không thể kiểm soát chất lượng
 ///  Ảnh: Nam Anh

 

Dược liệu nhập tiểu ngạch không thể kiểm soát chất lượngẢNH: NAM ANH


Thế nhưng, thực trạng nhức nhối này đã kéo dài nhiều năm mà không ai “dẹp loạn” được.
Không quá khi nói rằng làng nghề chuyên kinh doanh dược liệu nằm tại xã Ninh Hiệp (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) là “thủ phủ” của thuốc đông y khu vực phía bắc. Chỉ cần đặt chân tới đây, các thầy thuốc, lang y dễ dàng tìm thấy đủ các vị thuốc, dược liệu. Thế nhưng, chính ông chủ tịch hội làng này ở đây cũng phải nhìn nhận: “Khối lượng nhập về bao nhiêu chúng tôi không thể thống kê hết được. Lý do là phần lớn nhập lậu qua đường tiểu ngạch đối với thuốc bắc. Còn thuốc nam thì buôn bán tự phát, không có thống kê cụ thể”. Đặc biệt, ông này cảnh báo “chất lượng không qua một khâu kiểm định nào” và đây là điều “cực kỳ lo ngại”.
Xuất thuốc quý, nhập… xác bã


“Loạn” dược liệu - ảnh 1
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dược liệu
bị nhiễm tạp chất, có chứa chất bảo quản độc hại, kém chất lượng, dược liệu giả tràn lan.
Giá cả thì biến động thất thường không ai
kiểm tra, kiểm soát nổi
“Loạn” dược liệu - ảnh 2

Bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM

Trả lời Thanh Niên, ông N.Đ.T (ngụ xóm 8, xã Ninh Hiệp), chủ một cơ sở chuyên chế biến, kinh doanh dược liệu bán đi Hưng Yên, cho biết: “Nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu chính vẫn là dược liệu trong nước. Nhưng vì khai thác một cách tận diệt bán qua Trung Quốc nên dần khan hiếm và hiện thì ta lại quay ra nhập từ họ về”. Theo ông T., điều lo ngại nằm ở chỗ: “Khi xuất đi thì chúng ta còn nắm được chất lượng dược liệu. Còn khi nhập về, dược liệu, thậm chí là dược liệu quý như sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng đằng, nấm lim, nấm chẹo… chỉ còn lại bã, bao nhiêu tinh chất đã bị họ dùng máy ly tâm chiết xuất cho bằng sạch. Nói không ngoa, bây giờ người bệnh điều trị bằng bã thuốc đông y nhập từ Trung Quốc thì đúng hơn”.

Chủ một cơ sở kinh doanh dược liệu (xin được giấu tên) ở Ninh Hiệp cũng xác nhận dược liệu nhập về đa phần đã bị phía Trung Quốc chiết xuất tới lần 2, lần 3. “Tôi hỏi anh chứ làm gì có chuyện ngược đời, mình xuất cho họ giá cao rồi họ xuất lại cho mình giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá mình xuất trước đó. Như cây lông cu ly thái lát, khi bán cho thương lái Trung Quốc có giá 15.000 đồng/kg, sau nhiều tháng mình nhập về giá chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Hay cây huyết đằng (còn gọi là cây máu chó), giá xuất cho các thương lái Trung Quốc vào khoảng 9.000 đồng/kg mà mình nhập về chỉ có giá 3.000 đồng/kg… Giá đó chỉ còn bã thôi”. Chưa hết, theo ông này, khi về tới Ninh Hiệp, vì chạy theo lợi nhuận và để bảo quản được lâu, không ít chủ cơ sở dùng lưu huỳnh quá liều lượng xông khô dược liệu. Nếu chỉ dùng một liều lượng nhỏ lưu huỳnh, các vị thuốc bảo quản được từ 4 – 5 tháng, nhưng dùng với liều lượng lớn thuốc để được vài năm mà không hề bị nấm mốc.
Tại TP.HCM, giới kinh doanh khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (Q.5), cho biết khoảng 80% sản phẩm bày bán xuất xứ từ Trung Quốc. Với những loại dược liệu chưa khô, dễ ẩm mốc, mối mọt, thương lái cho xông lưu huỳnh từ bên kia cửa khẩu (hoặc người mua về làm) để giữ được lâu, dù biết đây là chất độc, hít phải lâu ngày có nguy cơ gây ung thư. “Nhiều người mua dược liệu về xử lý bằng cách ngâm lưu huỳnh, phơi khô rồi bán lại. Chỉ có người bán mới biết, còn người mua thì không biết. Giá cả thì tiền nào của đó, cùng một loại có 2 – 3 giá, tuỳ loại 1, loại 2… Không có một giá chuẩn nào cho dược liệu”, ông M., một người kinh doanh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tiết lộ.
“Loạn” dược liệu - ảnh 3

Dược liệu bày bán tràn lan trên vỉa hè ở đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5)ẢNH: ĐỨC TIẾN


“Tiền nào của nấy thôi”


Trong khi nhiều loại dược liệu VN nhập về kém chất lượng, thậm chí là bã thì tình trạng “chảy máu” dược liệu quý vẫn tiếp tục ở nhiều nơi, mà điểm đến không đâu khác chính là Trung Quốc. Tại H.Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), từ lâu người dân đã thu mua tam thất để bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, một phần được bán ra chợ Bắc Hà cho khách du lịch. Giá bán lẻ của 1 kg củ tam thất là từ 100.000 – 150.000 đồng, hoa là 200.000 đồng/kg. Tại Lạng Sơn, giá nấm chẹo khô ở H.Đình Lập đang được thương lái thu mua bán sang Trung Quốc 2 triệu đồng/kg, trám đen hạt tròn là 400.000 đồng/kg, trám thường chỉ 15.000 – 30.000đồng/kg. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại xuất ngược về VN chỉ vào khoảng 700.000 đồng/kg nấm chẹo…
Hà An
 

Vào một cửa hàng được cho là lâu năm nhất ở khu vực Q.5, PV Thanh Niên hỏi mua dược liệu phòng phong, cô bán hàng cho biết giá 850.000 đồng/kg. Khi được hỏi còn loại nào rẻ hơn không thì người này mang ra loại 180.000 đồng/kg và khẳng định “tất cả đều là hàng Trung Quốc”.

Cách đó chừng 100 m, tại một cửa hàng dược liệu khác có quy mô lớn hơn, dược liệu bày biện tràn lan; người bán báo giá dược liệu phòng phong 1,15 triệu đồng/kg. Khi chúng tôi chê đắt thì ông này đưa ra loại 250.000 đồng/kg và giải thích “đây là loại 2, nhưng chất lượng thì tiền nào của nấy thôi”.
Ở phía bắc, giá dược liệu “tùy chọn” không chỉ bán công khai tại chợ Ninh Hiệp, mà còn nhiều nơi khác. Làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là nơi thu mua dược liệu từ các địa phương trong cả nước, rồi bán đi khắp nơi, nhưng chủ yếu xuất qua Trung Quốc và cũng nhập từ thị trường này về bán đi nhiều địa phương. Theo tiết lộ của một hộ chuyên buôn bán dược liệu tại làng này, giá nhập tuỳ vào thoả thuận của tiểu thương với đối tác Trung Quốc, “nhưng anh muốn loại nào, giá nào cũng có”, ông này nói và ví dụ: đông trùng hạ thảo có loại nhập về 15 triệu đồng/kg, có loại 10 triệu/kg và có loại 100 triệu/kg… trong khi “loại xịn” có khi cả tỉ đồng/kg.
Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền – Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 300 cơ sở kinh doanh dược liệu, tập trung nhiều nhất ở Q.5. Về kiểm soát chất lượng, bác sĩ Vinh cho biết khu vực các cơ sở khám chữa bệnh thuộc nhà nước thì đấu thầu dược liệu theo quy định, còn khu vực tư nhân thì “nhập từ nhiều nguồn rất khó kiểm soát”.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM lưu ý: “Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dược liệu bị nhiễm tạp chất, có chứa chất bảo quản độc hại, kém chất lượng, dược liệu giả tràn lan. Giá cả thì biến động thất thường không ai kiểm tra, kiểm soát nổi”. Bác sĩ Hùng khuyến cáo người tiêu dùng “không nên tự ra thị trường mua và bốc thuốc”.

 

Hà An- Thang Duy