82% bệnh nhân tăng huyết áp chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ do không biết mình có bệnh; một số khác biết nhưng không điều trị hoặc điều trị nhưng không kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Điều trị tăng huyết áp
82% bệnh nhân tăng huyết áp chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ do không biết mình có bệnh; một số khác biết nhưng không điều trị hoặc điều trị nhưng không kiểm soát huyết áphiệu quả.
Đó là những nguyên nhân dễ dẫn đến tai biến nguy hiểm.
Người trẻ chủ quan
Tăng (cao) huyết áp là tình trạng các mạch máu liên tục tăng áp lực. Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì tim càng gặp khó khăn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra vỡ mạch máu não, chảy máu vào trong não, gây đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy thận, mù loà, suy giảm nhận thức.
Theo TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tăng huyết áp ngày càng gặp nhiều ở những người 25 – 30 tuổi, thậm chí trẻ hơn và nhiều trường hợp chủ quan không điều trị. “10 năm trước, tôi được bác sĩ cho biết mình tăng huyết áp khi khám sức khoẻ định kỳ, được kê đơn thuốc điều trị. Tuy nhiên, tôi không uống thuốc vì không tin mình bị tăng huyết áp bởi tôi nghĩ rằng đó là bệnh người già, còn tôi khi đó 32 tuổi”, anh Nguyễn Hải T., bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết. “Khoảng một năm sau đó, tôi bị cấp cứu trong lần đi công tác do bỗng nhiên bị choáng, khó thở, chỉ số huyết áp cao vọt lên 180. Sau đợt đó, tôi chấp nhận duy trì dùng thuốc điều trị”, anh T. rầu rĩ.
Theo Hội Tim mạch VN, điều tra mới nhất trong năm 2015 tại 8 tỉnh, thành cho thấy: 47,3% người từ 25 tuổi được chẩn đoán tăng huyết áp (năm 2008, tỷ lệ này là 25%), xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân tăng huyết áp. Trong số 20,8 triệu bệnh nhân, chỉ có 17,7% (khoảng 3,7 triệu người) kiểm soát được huyết áp của mình (duy trì được huyết áp ở mức <140/90 mmHg); còn 17,1 triệu bệnh nhân (hơn 82%) chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ.
Tránh sai lầm khi kiểm soát huyết áp
Theo GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch VN, không tuân thủ điều trị là sai lầm với nhiều bệnh nhân tăng huyết áp. “Huyết áp đã về bình thường nên tôi dừng thuốc”, đó là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân tăng huyết áp bị tai biến mạch máu não (ngay cả nhân viên y tế cũng gặp sai lầm này)”, GS Việt lưu ý: “Khi điều trị, huyết áp cao trở về chỉ số bình thường là do thuốc. Dừng thuốc sẽ khiến huyết áp tăng đột ngột trở lại gây tai biến. Còn có người luôn mang thuốc nhưng chỉ uống khi cảm thấy huyết áp lên (đau đầu, mặt nóng bừng). Đây cũng là sai lầm. Việc uống thuốc phải đều đặn, hằng ngày để kiểm soát huyết áp. Thực tế nhiều trường hợp không có dấu hiệu cảnh báo, chỉ biết huyết áp tăng vọt khi nhập viện do tai biến mạch máu não, đột quỵ ”.
GS Việt cũng tư vấn thêm, để huyết áp ổn định, cần uống thuốc đầy đủ, vận động thể lực phù hợp và duy trì chế độ ăn nhạt, giảm muối. Chế độ dinh dưỡng giàu rau quả; hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30 – 60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý là các yếu có lợi cho kiểm soát huyết áp.