“Con xin làm con của cô nha?”
Đó là câu hỏi của bé Lê Hoàng Hải – học sinh lớp 2/5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM – trong buổi chia tay cuối năm học (diễn ra ngày 24-5) với cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Ngọc Phượng.
“Con xin làm con của cô nha?”
Đó là câu hỏi của bé Lê Hoàng Hải – học sinh lớp 2/5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM – trong buổi chia tay cuối năm học (diễn ra ngày 24-5) với cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Ngọc Phượng.
Cô Phượng sinh hoạt cùng các học sinh lớp 2/5 trong buổi chia tay cuối năm học – Ảnh: A.X. |
Lúc ấy, tôi – một phụ huynh của lớp – đã đi theo bé Hải và hỏi lý do, bé cười: “Vì con thích cô. Con thích cô lắm lắm!”.
Trước đó ngày 18-5, trong buổi họp phụ huynh, chúng tôi đã chuyền cho nhau xem tâm tình của các con mình. Đó là trang cuối cùng của cuốn sổ liên lạc – trang ghi chép dành riêng cho học sinh, để các con bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy cô, trường lớp và gia đình. Thật bất ngờ, đa số các con đều ước mơ tiếp tục được học cô Phượng.
Bé Hoàng Phương viết: “Từ khi con đi học mẫu giáo đến bây giờ, không một cô nào hiền như cô. Con mong được học cô mãi mãi”.
Bé Hải Yến lại rất sâu sắc: “Những điều cô dạy, con sẽ khắc sâu trong tim. Con sẽ không quên ơn cô. Cảm ơn cô rất nhiều”.
Bé Minh Triết tỏ ra rất tình cảm: “Con không thể quên những tấm lòng của hai cô dành cho con (tức là cô Phượng – cô giáo chủ nhiệm và cô Hương – bảo mẫu của lớp 2/5 – NV). Con sẽ nhớ hai cô rất nhiều. Con có không ngoan với hai cô từ học kỳ 1. Con xin lỗi các cô, năm sau con sẽ khắc phục những lỗi này”.
Bé Thiên Bình thì ước: “Nếu lên lớp 3, con muốn học lại cô Phượng. Vì cô đã dạy suốt năm học, cô không bỏ cuộc để dạy chúng con. Khi con sai, cô la nhưng con không giận cô, vì cô la để con sửa lỗi”.
Ngay cả con trai của tôi (một đứa trẻ vốn rất kiệm lời) cũng viết được dòng này: “Con ước được học với cô và các bạn nữa”…
Riêng cá nhân mình, tôi cảm thấy cô rất gần gũi với học sinh và cả phụ huynh. Hằng ngày trong thời gian tan học, cô đều dành để trao đổi với phụ huynh về việc giáo dục học sinh.
Có bữa, cô nói với tôi: “Bé nhà mình hơi nhút nhát. Mẹ cần cho bé đi chơi ở những khu đông người, tham gia các trò chơi tập thể, tham gia những lớp kỹ năng sống nhiều hơn”.
Rồi cô kể hôm đó cô tổ chức cho lớp bầu lại ban cán sự lớp và đề xuất con tôi giữ chức tổ phó (cứ sau một tháng cô đổi ban cán sự lớp và đổi chỗ ngồi học sinh). Nhưng bé nhà tôi đã lắc đầu từ chối. Cô nói: “Mẹ biết không, khi bé nhà mình không đồng ý, cả lớp đã nhao nhao: Cô ơi, để con làm cho, con xung phong làm tổ phó nha cô…”.
Nhưng cô muốn các bé nhút nhát phải được rèn luyện để dạn dĩ, tự tin hơn. Cô kêu bé lên, hỏi tại sao. Bé nói rằng con không xứng đáng vì con viết chữ xấu. Cô phải động viên: “Tuy con viết xấu nhưng các môn khác con học rất tốt. Nếu con cố gắng rèn luyện thì chữ của con sẽ đẹp như của các bạn. Con xứng đáng làm tổ phó mà. Nói vậy bé mới gật đầu đó mẹ”. Cô nói với giọng đều đều nhưng làm tôi cảm động đến ứa nước mắt.
Cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. Con tôi nhút nhát nên thường hay cúi đầu xuống đất. Rất nhiều lần cô đã kêu bé lại, bảo: “Khi đi con phải ngẩng đầu lên nhìn mọi người chứ. Hai vai thẳng lên nào, cười tươi cô xem. Đó! Vậy mới đẹp trai, khuôn mặt cứ xụ xuống xấu trai lắm”.
Nhược điểm lớn nhất của bé nhà tôi là viết chữ nguệch ngoạc. Cô hướng dẫn cặn kẽ, tận tình để bé tiến bộ. Có ngày về nhà, bé rất vui, khoe: “Hôm nay cô tuyên dương con trước lớp, cả lớp đã vỗ tay khen con vì chữ viết có tiến bộ đó mẹ”. Rồi bé mở tập ra cho mẹ xem, đúng là chữ viết có khá hơn, sạch sẽ và dễ đọc hơn, nhưng vẫn còn rất xấu nếu so với nhiều bạn khác.
Chỉ một lời khen của cô nhưng làm con tôi vui sướng, tự tin rằng con có thể viết được chữ đẹp. Những ngày sau đó, bé tự nguyện không xem tivi mà ngồi rèn chữ cả buổi tối.
Chẳng thế mà có bữa con trai bị sốt, tôi đã xin phép cô cho con nghỉ học để đi khám bệnh. Đến 10g sáng thì hết sốt. Suốt hôm đó con tôi cứ than thở mãi: “Hôm nay thật xui xẻo vì phải nghỉ học”, “Không được gặp cô Phượng, cô Hương và các bạn thật là buồn. Mẹ gọi điện cho cô Phượng đi, mẹ xin phép cô cho con đi học bây giờ có được không? Con thích đi học mà!”.
Tất cả là vì học sinh! Phụ huynh chúng tôi bàn với nhau biết lấy gì để thể hiện lòng biết ơn đối với cô Phượng? Cuối cùng, chúng tôi quyết định viết một bức thư gửi hiệu trưởng nhà trường. Bức thư đã được gửi tận tay cô hiệu trưởng trong ngày 18-5, nguyên văn như sau: “Kính gửi cô hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tập thể phụ huynh học sinh lớp 2/5 gửi đến cô lá thư này để bày tỏ sự cảm kích, hài lòng và niềm hạnh phúc khi con, em, cháu chúng tôi được trải qua một năm học (2015-2016) với cô chủ nhiệm Phạm Thị Ngọc Phượng. Trong suốt 9 tháng học với cô Phượng, học sinh lớp 2/5 của chúng tôi đã cảm nhận đúng nghĩa khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Cô Phượng đã sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, khen thưởng, động viên, khuyến khích học sinh lớp 2/5 gắn bó, đoàn kết và cùng nhau tiến bộ trong học tập. Năm học lớp 2, lần đầu tiên các cháu được làm quen với văn tả, cô Phượng đã sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy giúp học sinh biết tìm ý một cách logic, từ đó viết thành câu văn và đoạn văn. Các con, cháu chúng tôi không bị biến thành những con vẹt học thuộc văn mẫu trong lớp, trái lại các cháu còn được tận dụng các giác quan của mình để tham gia các hoạt động hết sức trực quan trước khi tả các loại quả. Những giờ học văn đầu tiên với cô Phượng sẽ trở thành những kỷ niệm đáng nhớ đối với các cháu. Cô Phượng còn thể hiện sự tôn trọng khi giao tiếp với học sinh, dù các cháu mới học lớp 2. Khi trong lớp có hiện tượng “bo xì”, cô đã trò chuyện với các cháu, như thể các cháu là những người trưởng thành. Cô bảo: “Nếu bây giờ mà không biết quý trọng tình bạn, sau này vào đời, để kiếm được một người bạn thời tiểu học sẽ khó đến chừng nào”. Những lời khuyên này của cô sẽ theo các cháu suốt đời. Cô không đánh mắng, không làm học sinh sợ. Học sinh yêu cô bởi sự nghiêm khắc nhưng vẫn rất hóm hỉnh của cô. Cô Phượng thể hiện sự tận tâm qua cách cô rèn cho các cháu cách rèn chữ, giữ vở. Cô dành thời gian nghỉ trưa để sửa lỗi, ghi nhận xét cho các cháu hằng ngày. Nhờ vậy, phụ huynh chúng tôi biết được khả năng, sự tiến bộ của con em mình. Chúng tôi cảm thấy gắn bó với trường, lớp nhiều hơn qua những lời nhận xét của cô dành cho các cháu. Cô Phượng giao tiếp với phụ huynh rất tốt. Cô gần gũi, tôn trọng và lắng nghe các ý kiến đóng góp của phụ huynh, dựa trên phương châm làm việc là “tất cả vì học sinh”. Cô có những phản hồi rất sư phạm, không làm học sinh tổn thương. Đã có một vài lần, cách cư xử của cô đã làm chúng tôi cảm phục, dù những đề nghị của chúng tôi không được cô đáp ứng. Viết lá thư này kính gửi cô hiệu trưởng để cùng mong muốn Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng ta sẽ có thật nhiều cô giáo, thầy giáo vừa có tâm, vừa giỏi chuyên môn như cô Phạm Thị Ngọc Phượng”. |