23/01/2025

Cần người đứng đầu quả cảm

Đó là ý kiến của TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây.

 

Cần người đứng đầu quả cảm

 

 Đó là ý kiến của TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây.

 

 

 

 

Cần người đứng đầu quả cảm
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM trong buổi lễ bế giảng năm học – Ảnh: Quang Định

Theo TS Vũ Minh Khương, chuyện đáng quan tâm nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay không phải là thách đố khó khăn trong những vấn đề cụ thể của giáo dục, mà là tâm thế và mức độ sẵn sàng của cả hệ thống chính trị cho một công cuộc cải cách sâu sắc và toàn diện trong lĩnh vực. Tâm thế và mức độ sẵn sàng này được quyết định bởi ba yếu tố: tầm nhìn chiến lược, ý chí đổi thay và năng lực cải cách.

Trong tầm nhìn chiến lược, có lẽ chúng ta chưa thấy hết vai trò trung tâm đặc biệt của động lực con người trong công cuộc phát triển. Là một quốc gia với dân số đông, thuần nhất và có độ hội nhập khá cao, Việt Nam có một lợi thế tiềm năng rất lớn về nguồn lực con người. Thế nhưng, cho đến nay do nhiều lý do, trong đó sự yếu kém của hệ thống giáo dục là một nguyên nhân quan trọng, tiềm năng này chưa thật sự được khai thác và trỗi dậy.

Về ý chí đổi thay và năng lực cải cách, căn bệnh hậu duệ – tiền tệ – quan hệ mà mọi người hay nói tới trong lựa chọn và đề bạt cán bộ đang gây ra những tác động khôn lường. Nặng về hậu duệ thì khó có được hiền tài, nặng về tiền tệ thì loại bỏ người có lòng hiến dâng, nặng về thân hữu thì đâu còn chỗ cho người chính trực. Cải cách giáo dục sẽ đi đến đâu nếu nỗ lực then chốt này thiếu vắng hiền tài, lòng hiến dâng và cốt cách chính trực.

Cần người đứng đầu quả cảm
TS Vũ Minh Khương – Ảnh: Quang Định

Phồn vinh không đến với một đất nước mà người lao động thiếu kỹ năng và tri thức. Sự hùng cường xa lánh quốc gia coi nhẹ việc nâng cao năng lực học hỏi và nắm bắt công nghệ. Khí chất cao quý của dân tộc sẽ mai một, khi xã hội không còn cảm nhận thấy sự thiêng liêng của thượng tôn công lý và phẩm chất hiến dâng

* Tại sao trong nhiều năm qua giáo dục đã được “bắt bệnh”, nhiều vấn đề tồn tại đã được nêu ra bởi các nhà nghiên cứu, chuyên gia cả trong và ngoài nước, nhưng giáo dục vẫn rất chậm chuyển biến tích cực?

– Các khó khăn thách thức này có thể phân thành ba nhóm có quan hệ tương tác chặt chẽ 
với nhau.

Nhóm thứ nhất là hiệu quả thấp trong giải quyết mối quan hệ cung – cầu. Nhu cầu thị trường lao động ở Việt Nam phát triển rất nhanh cả lượng và chất, trong đó đòi hỏi liên quan về phẩm chất và năng lực, đặc biệt trong việc nắm bắt tri thức, tổng hợp thông tin và hội nhập quốc tế ngày càng cao. Trong khi đó, đầu cung của nền giáo dục nước ta, tuy có nhiều tiến bộ so với trước đây, nay đang tụt hậu ngày càng xa so với nhu cầu.

Giáo dục Việt Nam cho tới nay chỉ cố gắng chạy theo nhu cầu xã hội một cách thụ động, chắp vá; và do đó, nó đang mất đi vai trò động lực đầu tàu trong công cuộc phát triển của đất nước.

Nhóm thứ hai là hiệu quả thấp trong quản lý mối quan hệ chi phí và lợi ích. Các dự án, từ cải cách sách giáo khoa đến tổ chức lại thi cử, từ cấp học bổng du học nước ngoài đến thành lập các đại học quốc tế, tuy tiêu tốn khá nhiều tiền của và sức lực của xã hội nhưng kết quả thu được dường như còn quá thấp so với mong đợi.

Nhóm thứ ba là hiệu lực xây dựng nền móng chiến lược. Nó bao gồm sự minh bạch về thông tin, việc áp dụng phương thức quản lý theo kết quả hoạt động, việc thiết lập thể chế giám sát trách nhiệm giải trình và nỗ lực thu hút hiền tài tham gia nâng cao tầm nhìn và năng lực cải cách.

Có lẽ nguyên nhân gốc rễ gây nên sự yếu kém hiện nay của nền giáo dục Việt Nam nằm ở nhóm thách thức này.

* Đã từng học tập, nghiên cứu, giảng dạy tại Mỹ và Singapore, bằng những trải nghiệm của bản thân, ông có thể phân tích sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam do những yếu tố nào? Nếu ông có hai năm để tạo ra sự thay đổi cho giáo dục Việt Nam, thì ông sẽ chọn tập trung những giải pháp/biện pháp gì?

– Tôi nghĩ có ba vấn đề cần ưu tiên giải quyết hàng đầu, tạo nền tảng cho bước đi tiếp. Cải cách là một quá trình cải biến chiến lược, vừa cần có tầm nhìn xa vừa cần có chiến thuật thực thi sắc bén.

Việc ưu tiên nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực của người đứng đầu các trường học và tổ chức trong toàn ngành giáo dục, hướng tới tiêu chuẩn lãnh đạo phải là đại diện ưu tú. Các phương cách thực tiễn thực thi nỗ lực này thường thông qua các kênh chủ yếu là “niềm tin”, “lợi ích”, “tổn phí” và “giám sát – đồng hành”.

Kênh “niềm tin” làm người quản lý trong mỗi trường học, tổ chức hiểu rằng cải cách là cần thiết và cấp bách. Làm sao để mỗi người không chỉ thấy thôi thúc đổi thay vì lợi ích mang lại cho xã hội, mà cả sức ép bởi nguyên lý thép của phát triển: “nếu ta không đổi thay, ta sẽ bị thay đổi”.

Kênh “lợi ích” đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho người nỗ lực tham gia cải cách. Kênh này bao gồm điều kiện vật chất được cải thiện từng bước, các hỗ trợ thiết thực để thực thi công việc và sự ghi nhận kịp thời mọi đóng góp, tiến bộ.

Kênh “tổn phí” cho thấy rõ cái giá phải trả cho sự bàng quan và vụ lợi cá nhân là rất đắt. Kênh này giúp mọi người cảm thấy sự công bằng và sắc bén của hệ thống đánh giá.

Kênh “giám sát – đồng hành” xây dựng chỉ số nỗ lực cải cách để đánh giá tiến bộ của từng đơn vị theo định kỳ, trên cơ sở cảm nhận của giáo viên, phụ huynh và học sinh (ở cấp đại học trở lên).

Công nghệ thông tin cho phép bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan liên quan theo dõi diễn tiến của chỉ số này từng quý. Nó giúp kịp thời phát hiện ra các trường ở mức điểm quá thấp hoặc có dấu hiệu sa sút, để tìm ra biện pháp khắc phục và vượt lên.

Nó cũng giúp chỉ ra các trường hàng đầu hoặc các trường có tiến bộ vượt bậc, để toàn ngành tham khảo học hỏi.

* Theo ông, tân bộ trưởng nên ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề gì đầu tiên?

– Tôi thấy tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người có khả năng nắm bắt cái mới rất nhanh. Tuy nhiên, tân bộ trưởng sẽ cần thời gian để hình thành chiến lược cải cách và chuẩn bị bộ máy thực thi.

Trước mắt, theo tôi, có ba vấn đề nên tập trung ưu tiên, tạo chuyển biến ban đầu là chất lượng hoạt động của các trường học; năng lực hoạch định và phối hợp thực thi chính sách của các cơ quan bộ; sự gắn kết của ngành giáo dục với xã hội và cộng đồng chuyên gia.

Trong ba lĩnh vực ưu tiên này, chú ý các sáng kiến thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và cộng đồng chuyên gia, đặc biệt trong việc rà soát loại bỏ các chính sách có tầm nhìn hạn chế và hiệu lực thực thi thấp.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin và kinh nghiệm quốc tế là các tài nguyên vô giá cần được xúc tiến khai thác, tạo sức bật tiềm tàng cho công cuộc cải cách.

THANH HÀ thực hiện