23/01/2025

Karaoke di động… náo động làng quê

Với nhiều người, karaoke di động là loại hình giải trí mới xuất hiện nhưng đáp ứng đúng nhu cầu vui chơi, ca hát ở nông thôn (vốn rất thiếu thốn) một cách nhanh, rẻ và tiện lợi. Nhưng với số ít người, do không biết giới hạn đúng lúc khiến nó trở thành nỗi kinh hoàng của láng giềng.

 

Karaoke di động… náo động làng quê

Với nhiều người, karaoke di động là loại hình giải trí mới xuất hiện nhưng đáp ứng đúng nhu cầu vui chơi, ca hát ở nông thôn (vốn rất thiếu thốn) một cách nhanh, rẻ và tiện lợi. Nhưng với số ít người, do không biết giới hạn đúng lúc khiến nó trở thành nỗi kinh hoàng của láng giềng.





 /// Minh họa: DAD

 

Minh hoạ: DAD


Ở Tiền Giang hiện nay, karaoke di động đang trở thành phong trào. Theo thống kê thì toàn tỉnh hiện có 1.430 hộ đăng ký kinh doanh karaoke di động, trong giấy phép kinh doanh chỉ ghi là “cho thuê dàn âm thanh”.
Nhiều nhất là các huyện: Chợ Gạo (331 hộ), Cái Bè (199 hộ), Châu Thành (177 hộ) và Cai Lậy (154 hộ)… Nhưng con số này cũng chưa chính xác vì trong thực tế có những hộ không đăng ký kinh doanh hoặc một hộ kinh doanh tới 2 – 3 dàn máy.
Họ hát thì mình đóng cửa…
Một dàn karaoke di động thường có 2 người với chiếc xe lôi máy Trung Quốc hoặc xe tự chế để chở các thiết bị như ampli, equalizer, màn hình 40 inch và từ 2 – 4 cặp loa cỡ lớn. Có nơi còn mang thêm đàn organ. Giá tiền cho thuê trung bình là 100.000 đồng/giờ. Nếu kéo dài thêm nhiều giờ thì có… khuyến mãi giảm giá.
Chị Nguyễn Thị Ly Hạ, ngụ ấp Me, TT.Tân Hiệp, H.Châu Thành (Tiền Giang) phản ảnh: “Trong xóm có 9 nhà thì hết 3 nhà thường xuyên hát karaoke bất kể giờ giấc. Sáng trưa chiều tối, lúc nào nổi hứng lên thì họ hát và cứ mỗi lần hát thì họ mở âm thanh hết cỡ khiến bà con đinh tai nhức óc, trẻ em không thể học bài. Xóm giềng sợ mích lòng không ai dám nói. Vì vậy mỗi khi họ hát thì mình đóng cửa, nhưng đóng cửa cũng đâu ngăn được âm thanh. Bức xúc, có người báo công an khu vực. Bị nhắc nhở, thế là họ quay lại chửi xiên, chửi xéo bà con”.
Ông Lê Văn An, Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Tiền Giang, nhìn nhận: “Người dân bức xúc là phải rồi vì ngay chính tôi cũng không chịu nổi. Chuyện hát hò vui chơi thì đâu có ai cấm đoán. Nhưng nếu như trong những buổi tiệc cưới, người ta gọi karaoke di động tới để hát cho vui thì có thể hiểu được. Đằng này, tiệc thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, thậm chí ngay trong lúc… vét mương mà họ cũng gọi karaoke di động tới để hát. Cứ luân phiên một người đứng trên bờ hát, một người xuống vét mương. Còn chuyện 2 – 3 người ngồi nhậu rồi hứng lên gọi karaoke di động tới hát cho… cả khu phố nghe là chuyện thường ngày. Bậy nhất là trường hợp nhà hàng xóm có đám tang nhưng nhà bên cạnh vẫn hát karaoke vui vẻ”.
Sẽ “ra quân” xử lý tiếng ồn
Để điều chỉnh hành vi ứng xử văn hoá ở nông thôn, mà cụ thể là việc sử dụng karaoke di động, từ cuối năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn, uốn nắn, xuất phát từ việc có rất nhiều ý kiến cử tri bức xúc, phản ánh, nhưng luật pháp thì chưa có quy định chế tài đối với loại hình này.
Theo quy định hiện nay thì việc cấp phép kinh doanh karaoke di động (gọi là cho thuê dàn âm thanh) thuộc trách nhiệm của Sở KH-ĐT, ở cấp huyện thì do phòng tài chính – kế hoạch đảm trách. Ngành VH-TT-DL chỉ quản lý nội dung bài hát, còn việc chế tài, xử phạt tiếng ồn thì thuộc trách nhiệm của ngành TN-MT.
Do vậy, ngày 23.5, ông Trần Ái Việt, Chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các khu vực đặc biệt như nhà trẻ, trường học, bệnh viện thì tiếng ồn không quá 55 dB, còn khu vực bình thường thì tiếng ồn trên 70 dB sẽ bị xử phạt.
Và để chuẩn bị cho việc “ra quân” kiểm tra tiếng ồn từ các dàn karaoke di động, ngày 23.5, ông Nguyễn Trí Đông, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT Tiền Giang), cho biết đã thuê một đơn vị có chức năng tại TP.HCM tổ chức lớp tập huấn cho hơn 60 cán bộ TN-MT, VH-TT của tỉnh và các huyện, thị, thành.
Ngoài ra, Sở TN-MT Tiền Giang cũng đã có văn bản đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt, chấp thuận trang bị cho các phòng VH-TT và phòng TN-MT các huyện, thị, thành trong tỉnh tổng cộng 26 máy đo tiếng ồn, mỗi máy khoảng 40 triệu đồng. Tổng cộng kinh phí (bao gồm chi phí tập huấn) dự kiến là 1,2 tỉ đồng. Hiện Sở TN-MT đang chờ Sở Tài chính giới thiệu nguồn để mua máy.
Một cán bộ hưu trí ở xã Tân Hội, TX.Cai Lậy (Tiền Giang) nói: “Tân Hội có 5 ấp nhưng có gần 30 dàn karaoke di động đăng ký hoạt động, chưa kể số không đăng ký. Gần như ngày nào, đi tới đâu, bất kể ngày đêm đều nghe tiếng karaoke ầm ĩ nên đời sống ở nông thôn bây giờ không còn yên tĩnh như xưa. Vui thì có vui nhưng mà mệt lắm, nhất là vào giờ nghỉ trưa hoặc lúc… nửa đêm!”.

Hoàng Phương