23/01/2025

Bách khoa thư thành bách khoa… hư

Bộ sách nằm trong dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian VN, mang tính chất bách khoa thư về sắc màu văn hóa của các tộc người VN, nhưng nội dung nhiều chỗ còn tuỳ tiện, thậm chí sai sót.

 

Bách khoa thư thành bách khoa… hư

Bộ sách nằm trong dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian VN, mang tính chất bách khoa thư về sắc màu văn hóa của các tộc người VN, nhưng nội dung nhiều chỗ còn tuỳ tiện, thậm chí sai sót.





Cuốn Người Mường ở Hòa Bình của Trần Từ do Hội Khoa học lịch sử VN ấn hành (trái) và cuốn của dự án /// Ảnh: K.M.S

 

Cuốn Người Mường ở Hòa Bình của Trần Từ do Hội Khoa học lịch sử VN ấn hành (trái) và cuốn của dự ánẢNH: K.M.S


Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian VN (gọi tắt là dự án) được nhà nước tài trợ 240 tỉ đồng, do Giáo sư – tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, là Trưởng ban chỉ đạo thực hiện. Ông cũng là tác giả cuốn Ghi chép về văn hoá và âm nhạc, một ấn phẩm thuộc dự án này.
Nhiều sạn
Ngay từ Lời nói đầu của quyển sách đã có nhiều lỗi chính tả. Cách phiên âm trong sách không thống nhất. Ví dụ, với phiên âm thuật ngữ folklore (văn học dân gian), bài đầu tiên sách in “phôn-cơ-lo” (Mấy ý kiến về Đặc trưng nguyên hợp trong nghiên cứu phôn-cơ-lo, trang 19 – 35) đến “Fônclo” (bài Fônclo Bâhnar, trang 450 – 575), rồi “folklore” (trang 285), fôn-clo (trang 504 – 510), “phônclo” (trang 625). Hay cách phiên âm người Ba Na (trang 213), người Bâhnar (trang 208, 407 – 410, 418…), người Bahnar (trang 433)…
Theo cước chú cuối mỗi bài viết, người đọc hiểu rằng cuốn sách là tập hợp các bài viết theo nhiều thời kỳ từ năm 1970 đến khi sách in. Từng có một thời, để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, thuật ngữ quốc tế đều phải phiên âm sang tiếng Việt. Tuy nhiên, khi tập hợp lại để xuất bản, tác giả có đủ điều kiện để thống nhất lại cách phiên âm, nhưng không thực hiện nên gây ra sự bất nhất.
Bên cạnh đó là việc không dẫn nguồn các bài viết, hoặc có dẫn nhưng lại dẫn thiếu, dẫn sai. Bài Mấy ý kiến về Đặc trưng nguyên hợp trong nghiên cứu phôn-cơ-lo được đăng trên Tạp chí Văn h Nghệ thuật số 5/1979, khi sách tái bản lại sửa thành 12/1999 (trang 19 – 24). Bài Đa dạng văn h thể hiện trong mối quan hệ giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số ở VN không dẫn nguồn từ Hội thảo Đa dạng văn h của Uỷ ban UNESCO. Bài Nhân cách và nghệ thuật – mối quan hệ qua lại (trang 113 – 153) cũng không dẫn nguồn… Trang 766, bài Nhã nhạc – một thể loại âm nhạc cung đình VN lập bảng hệ thống tên nốt của thang âm thì toàn bộ phiên âm chữ Hán biến mất, chỉ để lại các ô trắng phía trên.
Thêm nữa, việc sử dụng các thuật ngữ cũng tùy tiện. Đó là thuật ngữ “Dóng” (Phù Đổng thiên vương) ở trang 58 – 59, Gióng (trang 286, 290), hay vừa Dóng vừa Gióng (trang 285). Khi tác giả trích dẫn từ công trình nghiên cứu của Cao Huy Đỉnh thì hẳn phải biết rõ rằng, Cao Huy Đỉnh chọn cách viết “Dóng” là cả một luận điểm khoa học (Công trình nghiên cứu Người anh hùng làng Dóng của Cao Huy Đỉnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học dân gian đợt đầu tiên, năm 1996).
Bách khoa thư thành bách khoa... hư - ảnh 1

Bìa cuốn Ghi chép về văn hóa và âm nhạcẢNH: K.M.S

Tái bản cắt xén tùy tiện
Cầm Trọng cùng với Từ Chi (bút danh Trần Từ) có thể nói là hai tên tuổi sáng giá nhất nghiên cứu về lịch sử dân tộc học VN. Song sách của 2 tác giả này nằm trong dự án đều bị cắt xén nghiêm trọng.
Công trình khoa học kinh điển Người Mường ở Hoà Bình của Từ Chi từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Khi được nhà xuất bản (NXB) Thời đại tái bản, cuốn sách có giá trị khoa học trở thành phế phẩm vì bị cắt xén không thương tiếc, trang nào cũng sai, chú thích khoa học bị cắt xén tùy tiện.
“Cuốn Người Mường ở Hoà Bình là một trong những “sách gối đầu giường” của tôi, nên dù mới đọc lướt qua bản được in theo dự án, tôi đã không khỏi ngạc nhiên và thất vọng. Đó đáng gọi là “một thảm hoạ về sự tái bản”. Nhiều câu, đoạn bị cắt xén, sửa đổi tuỳ tiện, hình minh hoạ lem nhem, lỗi chính tả…”, nhà nghiên cứu dân tộc học Tạ Đức nhận xét.
PGS-TS Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu dân tộc học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), bức xúc: “Là người có nhiều năm được Từ Chi truyền bảo kiến thức và kinh nghiệm làm việc, tôi bất bình trước sự làm việc cẩu thả, tùy tiện trong việc tái bản một số tác phẩm của ông thời gian gần đây”.
Còn Luật tục Thái ở Việt Nam của Cầm Trọng và Ngô Đức Thịnh do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành (Lưu Xuân Lý chịu trách nhiệm xuất bản, Nguyễn Thị Chính – Lý Thanh Tâm biên tập) đã bỏ đi nhiều trang chú thích quan trọng, làm biến dạng công trình quan trọng này. Trang 16 của sách đã cắt bỏ tiêu mục Quan hệ xã hội, trang 560 đã bị cắt bỏ toàn bộ chú thích đánh số 6…
Phóng viên đã liên hệ với ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc NXB Văn hóa dân tộc để trao đổi về những sai sót trong nội dung sách nhưng không liên lạc được. Trước đây, khi trả lời báo chí về những sai sót liên quan đến các đầu sách của dự án do NXB Văn hóa Dân tộc thực hiện, ông Lý cho biết NXB có quyền biên tập, cắt bỏ các nội dung mà không cần hỏi ý kiến tác giả.
Khi được hỏi về những chỉnh sửa trong lần tái bản quyển Luật tục Thái ở Việt Nam, GS-TS Ngô Đức Thịnh hết sức bất bình vì tác giả không được hỏi ý kiến. Việc NXB tự ý cắt xén văn bản cuốn sách, GS Thịnh khẳng định: “Sửa cái gì anh cũng phải hỏi xem tác giả có đồng ý hay không. Một chữ cũng phải hỏi tác giả”. GS Ngô Đức Thịnh phân tích thêm, mỗi cuốn sách lỗi ra đời ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng học thuật của tác giả không chỉ trong nước mà còn với các nhà khoa học trên thế giới.
Dự án do Hội Văn nghệ dân gian VN làm chủ đầu tư, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2008 – 2012), đầu tư 90 tỉ đồng, đã in 1.000 công trình, với 644 đầu sách, mỗi đầu sách in 2.000 cuốn, do nhiều NXB trúng thầu liên kết xuất bản: Văn hoá Thông tin, Thời đại, Dân trí, Văn hóa Dân tộc, Khoa học Xã hội… Giai đoạn 2 (năm 2013 – 2017), đầu tư 150 tỉ đồng để in 1.500 công trình. Đến hết năm 2015, đã có hơn 220 đầu sách ra đời, đều do NXB Khoa học Xã hội liên kết phát hành.
Trong dự án này còn có nhiều đầu sách sai, mắc lỗi như: Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề (NXB Văn hoá Thông tin, 2014), đồng tác giả: cố GS Trần Quốc Vượng – PGS-TS Đỗ Thị Hảo; Hề chèo (NXB Khoa học Xã hội, 2015), tác giả: PGS Hà Văn Cầu; Truyền thuyết Hai Bà Trưng – một số giá trị văn hoá – nhân sinh (NXB Khoa học Xã hội, 2015), tác giả: PGS-TS Bùi Quang Thanh…

 

Kiều Mai Sơn