Hà Nội ngập nặng
Cơn mưa kéo dài từ đêm 24 đến rạng sáng 25.5, được đánh giá “ngang cơn mưa lịch sử năm 2008” khiến các khu dân cư ở hầu hết các quận nội thành Hà Nội ngập sâu, đường phố chìm trong biển nước.
Hà Nội ngập nặng
Cơn mưa kéo dài từ đêm 24 đến rạng sáng 25.5, được đánh giá “ngang cơn mưa lịch sử năm 2008” khiến các khu dân cư ở hầu hết các quận nội thành Hà Nội ngập sâu, đường phốchìm trong biển nước.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trận mưa xuất hiện ở thời điểm đầu mùa mưa, có cường suất đặc biệt lớn.
Đây là trận mưa “khủng”, tính chất dị thường và hiếm gặp. Số liệu quan trắc được tại Trạm đo mưa Hà Đông cho thấy, lượng mưa đo trong 3 giờ đã lên tới 240 mm.
Giao thông tê liệt
Tại ngõ 117 Trần Cung (Q.Bắc Từ Liêm), gia đình anh Ngọc (30 tuổi) phải thức từ 3 giờ sáng để đắp bờ, chống nước tràn vào nhà. 5 nhân lực của gia đình vừa lấy cát chống tràn nước, vừa tát nước bên trong nhà ra ngoài. Đến gần trưa, nhà một số hộ dân có nền thấp ở khu vực này nước vẫn chưa thoát hết…
TIN LIÊN QUAN
[ẢNH] Người Hà Nội ‘lội sông’ ấn tượng sau cơn mưa lịch sử
Thanh Niên xin giới thiệu chùm ảnh Hà Nội ngập lớn sau cơn mưa từ các độc giả là cư dân thủ đô gửi về.
Vào đầu giờ đi làm, các tuyến đường như Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Trần Thái Tông, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Duy Hưng, Tố Hữu, Khuất Duy Tiến… đều ngập nặng. Có nơi nước ngập sâu tới hơn nửa mét. Trên đường Trần Thái Tông – Tôn Thất Thuyết (Q.Cầu Giấy), hàng trăm phương tiện chôn chân giữa đường. Đến trưa cùng ngày, nước vẫn chưa rút. Nước mênh mông khiến các phương tiện dò dẫm đi sát lề. Một số ô tô cố vượt qua nước sâu, nhưng bị chết máy giữa đường.
Nhiều người cho biết không thể đến công sở kịp giờ làm vì đường ngập. Tại ngã tư Trần Thái Tông – Tôn Thất Thuyết, chị Nguyễn Hoài Thư (32 tuổi, ở Q.Cầu Giấy) chở con đi học không thể vượt qua đoạn đường ngập nước gần nửa mét. Bất lực vì xe chết máy, chị Thư phải cõng con lội qua đường, nhờ sự trợ giúp của người thân nhưng cháu nhỏ vẫn đến lớp muộn giờ.
Đến gần trưa, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn còn ngập sâu. Tại khu vực ngã tư Dương Đình Nghệ – Phạm Hùng, nước vẫn còn gần nửa mét, các phương tiện mắc kẹt tại điểm nút giao thông này. Nhiều người sử dụng xe cải tiến mở dịch vụ chở xe máy và người qua đoạn đường ngập, giá lúc đầu giờ sáng 40.000 đồng/lượt, và tăng lên 100.000 đồng/lượt vào gần trưa.
Cùng với đó, dịch vụ lau khô bugi, sửa xe chết máy tại chỗ cũng được dịp “hốt bạc”. Trung bình mỗi lần lau khô bugi, thợ thu từ 20.000 – 40.000 đồng, tùy loại xe.
Mặc dù giá cao, nhưng thợ sửa xe vẫn làm không xuể do lượng xe chết máy ở khu vực này rất nhiều.
Hệ thống thoát nước “có vấn đề”
Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, cơn mưa lần này “ngang” với cơn mưa lịch sử năm 2008. Trong thời gian 5 giờ, lượng mưa đo được tại Q.Cầu Giấy là 118 mm, lớn hơn nhiều so với tính toán của dự án thoát nước Hà Nội là 310 mm/2 ngày. Do mưa trên diện rộng khắp lưu vực sông Nhuệ nên nước từ hệ thống tiêu thoát ra sông Nhuệ lớn, dẫn đến mực nước dâng cao. Sáng qua mực nước trên sông Nhuệ tại trạm bơm Đồng Bông 1 là 5,8 m; Thanh Liệt là 4,99 m (cao hơn mực nước bình thường trên 3 m), ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát nước của thành phố.
Trong khi đó, hệ thống tiêu thoát nước Hà Nội hiện có càng quá tải khi hàng loạt các mương tiêu thoát thuộc dự án thoát nước giai đoạn 2 vẫn đang trong giai đoạn thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai…
Tuy nhiên theo ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ngay cả khi dự án thoát nước giai đoạn 2 của thành phố hoàn thành, Hà Nội vẫn còn các điểm úng ngập cục bộ. Năm 2016, số điểm úng ngập khi mưa với lượng từ 50 mm trong 2 giờ đến 100 mm trong 2 giờ còn khoảng 16 điểm.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, hệ thống thoát nước tại Hà Nội đã “có vấn đề” từ hơn 20 năm nay. Dù thành phố đã nỗ lực để giải quyết nhưng chưa có phương án nào đem lại hiệu quả triệt để. Nguyên nhân theo ông Ánh là do quy hoạch yếu kém. “Quy hoạch ở đây được hiểu là gộp quy hoạch thoát nước và quy hoạch đô thị.
Từ năm 2008, sau trận ngập lịch sử đến nay, Hà Nội vẫn chỉ có một quy hoạch thoát nước nhưng mật độ xây dựng và tầng cao tăng nhiều, công trình thoát nước mới lại không có gì đột phá. Đó là lý do nạn trũng ngập cũ chưa giải quyết xong thì lại nảy sinh nhiều nguy cơ mới”, ông Ánh nói.
40 tuyến đường ở Sài Gòn có thể bị ngập
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ đầu năm 2016 đến nay thành phố xảy ra 6trận mưa với vũ lượng 10 – 60 mm, trong đó có 3 trận mưa 60 mm gây ngập vừa 4 đoạn đường với mức ngập 0,15 – 0,2 m gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội, Quốc Hương (Q.2); 12 tuyến đường bị ngập nhẹ. Trong 678 tuyến đường chính có thể xảy ra ngập ở 40 đường.
Đối với “rốn” ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Long cho biết, Sở GTVT đang chuẩn bị nâng cấp để giải quyết. Với các điểm ngập còn lại, trong khi chờ triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, trung tâm đề xuất giải pháp cấp bách: duy tu, sửa chữa, nạo vét cống; lắp đặt thêm van ngăn triều tại các cửa xả, ứng cứu…
Trong năm 2016 – 2017 sẽ xoá hoàn toàn 6 điểm ngập do mưa (Đỗ Xuân Hợp, Kinh Dương Vương, An Dương Vương, QL13, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm).
N.Đ.Mười
|
Thanh Niên