24/12/2024

Liên hoan nghệ thuật đường phố: sân chơi độc đáo

Sau gần sáu tháng phát động, Liên hoan nghệ thuật đường phố do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức thu hút đông đảo những người yêu nghệ thuật đường phố gửi clip về dự thi.

 

Liên hoan nghệ thuật đường phố: sân chơi độc đáo

 

Sau gần sáu tháng phát động, Liên hoan nghệ thuật đường phố do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức thu hút đông đảo những người yêu nghệ thuật đường phố gửi clip về dự thi.

 

 

 

 

 

 

Liên hoan nghệ thuật đường phố: sân chơi độc đáo
Độc đáo tiết mục đàn bằng răng của nghệ sĩ Đoàn Dự – Ảnh: Chế Thân

Các clip phản ánh chân thực và gần gũi cuộc sống thường nhật của người nghệ sĩ không chuyên mưu sinh trên đường phố.

TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có số lượng clip dự thi nhiều nhất. Ngoài những clip hát rong mưu sinh của các “nghệ sĩ kẹo kéo”, ban tổ chức nhận được khá nhiều clip ảo thuật, nhảy múa, xiếc…

Trong đó có hai tiết mục của thí sinh mới 5, 6 tuổi với tài năng đặc biệt, nhận được nhiều sự quan tâm của người xem. Đó là clip biểu diễn ảo thuật nuốt bong bóng, dùng lửa biến thành chú thỏ của em Nguyễn Tấn Thành (quê Phú Yên), hay clip ảo thuật Chai nước không trọng lượng khá độc đáo của em Nguyễn Hoàng Thuận (TP.HCM).

Điểm hẹn của 
mọi lứa tuổi

Em Nguyễn Tấn Thành cho biết hằng đêm đi theo anh trai diễn ảo thuật bán kẹo kéo mưu sinh, thấy anh biến hoá hay nên mon men xin anh dạy nghề. Từ đó, cậu bé mới 5 tuổi cảm thấy mê mẩn, thích thú. Những lúc rảnh rỗi, Tấn Thành thử biểu diễn và được nhiều người tán thưởng, em xin anh trai được thể hiện đam mê và giúp anh đỡ nhọc nhằn.

Cậu bé tỏ ra khá tự tin với màn nuốt bong bóng trong chớp mắt hay dùng lửa “hô biến” ra chú thỏ. Tiết mục này nhận được gần 170.000 lượt xem và bình luận.

Bạn đọc Việt Nguyễn xúc động bình luận: “Thương em! Vì cuộc sống mà mưu sinh sớm, tuổi thơ quá đỗi nhọc nhằn. Trân trọng những đồng tiền sạch do em kiếm được”.

Khó khăn, nhọc nhằn hình như đã “miễn nhiễm” với những số phận mưu sinh trên đường phố. Họ xem đây là thử thách để vượt qua, tìm quả ngọt cuộc đời. Phạm Văn Cường (quê Hải Phòng) là một trường hợp như vậy. Anh khá thích thú với biệt danh mà mọi người đặt cho là “Chip đường phố”, “thánh bàn chải”.

Từ sáng sớm đến tận tối, Phạm Văn Cường lỉnh kỉnh đồ nghề nào là loa di động, các loại bàn chải, vật phẩm sinh hoạt gia đình vừa hát vừa đi bán khắp các chợ ở Hà Nội.

Bạn đọc Tuấn Anh nhận xét: “Hát tuy không hay lắm nhưng thực sự rất có duyên”. Ngược lại, bạn đọc Chu Liêm không tiếc lời khen: “Em xem mãi mà không thấy chán. Em ủng hộ anh”.

Còn với Cường, các nhận xét dù khen hay chê cũng là động lực để anh hoàn thiện hơn công việc. Mang đến không khí vui nhộn, sôi động ở những nơi mình đến, clip của anh nhận được đến 3.600 lượt thích (like) và gần 180.000 
lượt xem.

Clip chơi guitar bằng răng của nghệ sĩ Đoàn Dự (TP.HCM) ở tuổi 64 cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả với gần 125.000 lượt xem.

Ông Đoàn Dự cho biết: “Tôi chơi đàn bằng răng nhưng chưa từng trải qua trường lớp đào tạo nào. Tất cả do tôi tự mày mò mà nên”. Để có thể mang đến những bản nhạc hoàn chỉnh, không biết bao nhiêu lần ông tứa máu, rách miệng vì dây đàn đứt.

Bạn đọc Hoài Thịnh không kìm được cảm xúc viết: “Hay quá chú ơi… Xem biểu diễn mà muốn rơi nước mắt!”. “Quá tuyệt vời, nghệ thuật đã đạt đến đỉnh điểm. Quá tài năng, thật ngưỡng mộ…” – khán giả Thanh Sang bình luận thêm.

Liên hoan nghệ thuật đường phố: sân chơi độc đáo
“Chip đường phố” Phạm Văn Cường chưa bao giờ nghĩ đến từ bỏ nghề bán hàng rong – Ảnh: NVCC

Thay đổi nhờ dự thi

Phần lớn các tác giả gửi clip dự thi cảm thấy bất ngờ và cảm động khi được nhiều người biết đến. Một thành viên của nhóm Dương Hoà (Hà Nội) cho biết nhờ tham gia liên hoan này mà nhiều người biết nhóm, ủng hộ chương trình thiện nguyện mà nhóm đang thực hiện.

Bạn đọc Hương Nguyễn là một trong số đó. Hương Nguyễn chia sẻ: “Tôi biết đến nhóm qua những buổi diễn cuối tuần trên phố Mã Mây gây quỹ chương trình Cơm có thịt cho học trò vùng cao. Tôi tìm hiểu và dần yêu thích nhóm qua những buổi diễn, những hoạt động từ thiện, những lớp học nghệ thuật miễn phí dành cho giới trẻ. Tôi ủng hộ nhóm”.

Đôi vợ chồng trẻ Thanh Hậu – Kim Mơ (quê Bạc Liêu) mưu sinh bằng việc hát rong hằng đêm tại TP.HCM cũng không giấu được niềm vui khi chúng tôi tìm gặp lại. Nhiều người tò mò, quan tâm hỏi thăm về gia cảnh cũng như không ngớt lời ngợi khen giọng hát khi clip hai vợ chồng hát được đăng trên mạng.

“Lương thiện, chân chính và đầy nghệ thuật… cảm ơn hai bạn” – bạn đọc Lê Trung khen tặng. Đó không chỉ là niềm vui của những thí sinh tham gia liên hoan mà còn là niềm hạnh phúc của ban tổ chức.

Liên hoan nghệ thuật đường phố đã và đang tạo nên một sân chơi lý thú cho những người rong ruổi mưu sinh bằng một nghề chân chính: những nghệ sĩ đường phố.

Liên hoan nghệ thuật đường phố: sân chơi độc đáo
Tuy nhỏ tuổi nhưng Tấn Thành khá tự tin khi biểu diễn – Ảnh: Chế Thân

Liên hoan nghệ thuật đường phố do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức dành cho mọi nghệ sĩ đường phố ở tất cả loại hình nghệ thuật: hát rong, xiếc, ảo thuật, nhảy múa, võ thuật, tạp kỹ… Tổng giải thưởng cho liên hoan lên đến 300 triệu đồng.

Ban tổ chức nhận clip dự thi đến hết ngày 15-10-2016. Bạn đọc nào quan tâm đến liên hoan hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết: Hoài Phương 0917.86.71.71, Chế Thân 0938.575.100 hoặc email: [email protected].

HOÀI PHƯƠNG