Đại học phải từ bỏ giá trị ảo
Giáo dục ĐH Việt Nam phải tự mình từ bỏ những giá trị ảo và trở về với giá trị thật. Đây không chỉ là kỳ vọng, mong muốn, mà nếu không làm được điều này thì đất nước khó có được sự bứt phá để đi lên.
Đại học phải từ bỏ giá trị ảo
Giáo dục ĐH Việt Nam phải tự mình từ bỏ những giá trị ảo và trở về với giá trị thật. Đây không chỉ là kỳ vọng, mong muốn, mà nếu không làm được điều này thì đất nước khó có được sự bứt phá để đi lên.
Thí sinh và phụ huynh rút hồ sơ xét tuyển trong đợt xét tuyển vào ĐH năm 2015 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Chúng ta càng nói nhiều, càng bàn nhiều thì giá trị ảo càng có môi trường để phát triển, bởi ở xã hội chúng ta hầu như ai cũng chỉ muốn làm “trọng tài” mà không muốn làm “cầu thủ”. Phải hành động, hành động quyết liệt, làm thật, đạt giá trị thật để xóa đi những giá trị ảo đang ngang nhiên tồn tại và phát triển. Đó là con đường duy nhất để giúp sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thành công. |
Không cần phải nói, ai cũng biết nền giáo dục ĐH của chúng ta đang đi chệch mục tiêu.
Mất đi màu sắc của nghề dạy học
Đáng lẽ phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước thì lại biến nó thành ngành kinh doanh lợi nhuận cao từ học phí và các khoản thu mà không phải bảo hành sản phẩm.
Đó cũng chính là nguyên nhân các trường ĐH được mở ra hoặc tăng quy mô ào ạt, trong khi nguồn lực đảm bảo chất lượng lại quá hạn chế. Chính từ đây các giá trị ảo được hình thành và ngày càng phát triển đáp ứng mục tiêu “mới”.
Tại sao sản phẩm của giáo dục mang đầy giá trị ảo mà vẫn tồn tại? Bởi vì xã hội tuy ai cũng biết, cũng chê bai nhưng không cưỡng được việc sử dụng sản phẩm của GD-ĐT với cả đống lý do mà chẳng ai dám nói ra. Nói và làm đang cách nhau một trời một vực. Nguy hiểm hơn, những giá trị ảo đang trở thành lẽ sống của không ít người trẻ tuổi.
Những giá trị ảo đang nằm ở đâu? Nó nằm không chỉ trong tấm bằng ĐH, bảng điểm, điểm hằng ngày của sinh viên, mà còn nằm trong bài giảng của những giảng viên kém cả về kiến thức lẫn kỹ năng và tình yêu nghề nghiệp.
Cứ có đủ nhãn mác thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là đủ hành trang để làm giảng viên ĐH, dù rằng đằng sau những mảnh bằng, những chức danh kia là những khoảng trống lớn mang đầy giá trị ảo như chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức của người Việt cấp thì có cả, nhưng nếu yêu cầu phải do tổ chức nước ngoài cấp thì chịu; liệt kê các công bố trong nước thì dài đấy, nhưng hỏi công bố quốc tế đâu thì không thấy.
Tệ hại hơn, hầu hết công bố trong nước cũng hầu như không có doanh nghiệp nào dùng dù bản xác nhận của doanh nghiệp thì thật hoành tráng.
Có quá ít người làm thật
|
Nếu số đông người thầy của chúng ta là như thế thì họ sẽ ứng xử như thế nào trong các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khoá luận tốt nghiệp của sinh viên? Có phải sẽ đánh giá như họ đã được đánh giá không? Cứ thế, chuỗi “chữ tình” này sẽ làm hỏng không phải chỉ một thế hệ.
Tệ hại hơn, truyền thống “sống lâu lên lão làng” và không dùng được ngoại ngữ đang làm bài giảng của nhiều giảng viên không cập nhật được với thế giới hiện đại. Bài giảng đến “vài chục năm rồi vẫn còn dạy tốt”, thế hệ sau sao chép lại của thế hệ trước những cái cũ cứ tồn tại mãi theo thời gian, tất nhiên không phải mọi cái cũ đều là lạc hậu.
Với đội ngũ kiểu như thế, tuy không phải là tất cả thì nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, không làm được việc, không đáp ứng yêu cầu xã hội cũng là đương nhiên.
Hơn nữa, tư tưởng của giảng viên và sinh viên đang bị mặt trái của nền kinh tế thị trường nhuộm màu rồi nên nhiều việc đều có thể trao đổi, thậm chí có thể mua bán, đang làm mất đi màu sắc của nghề dạy học.
Bộ GD-ĐT đã biết điều này chưa? Đã biết, đã làm nhưng không thành công, đó là cuộc vận động hai không: “Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhằm đưa giáo dục trở về giá trị thật; đề án chương trình tiên tiến nhằm đưa mô hình giáo dục tiên tiến vào thay đổi nền giáo dục nước nhà; đề án ngoại ngữ quốc gia 2020… đều xuất phát từ những tư tưởng mang tầm chiến lược để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Đường lối, quan điểm rất đúng đắn nhưng tại sao đổi mới không thành công? Xã hội chúng ta có quá ít người làm thật và cũng quá ít người trân trọng giá trị thật. Chính vì thế khi cái mới ra đời, non nớt không có người bảo vệ lại bị cái cũ tìm mọi cách tiêu diệt, phải diệt vong là tất yếu.
6 chiến lược Chiến lược đổi mới giáo dục và đào tạo là phải xoá giá trị ảo, khôi phục, phát triển giá trị thật và phải bắt đầu từ con người với các nội dung cụ thể như sau: 1 Thay đổi hẳn quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường ĐH. Như hiện nay thì chúng ta rất khó có thể tìm được những hiệu trưởng tâm huyết, dám đổi mới vì sự nghiệp giáo dục mà chủ yếu là được những con người hài hòa, không va chạm, thoả mãn lợi ích nhóm. 2 Chuẩn hóa lại toàn bộ đội ngũ giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ bằng hai tiêu chuẩn ngoại ngữ quốc tế và công bố khoa học quốc tế. 3 Quy hoạch lại theo hướng sáp nhập và giải thể các trường ĐH trong cả nước theo năng lực đội ngũ giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ sau khi đã được chuẩn hoá. Xoá bỏ tiêu chí: “Mở trường ĐH ở địa phương để các cháu đi học cho thuận tiện”. Khôi phục và phát triển hệ thống trường nghề. 4 Thay đổi tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của các trường ĐH theo tiêu chí số lượng đề tài hoặc số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ bằng những đóng góp thật, định lượng được với đất nước và công bố khoa học quốc tế. 5 Đãi ngộ đối với giảng viên phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, kết quả công tác cụ thể không cào bằng như hiện nay. 6 Phải làm cho xã hội hiểu được rằng đổi mới giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của mọi người, của xã hội và gia đình không thể khoán trắng cho nhà trường. Môi trường con người ta lớn lên và xã hội ta sống là nhân tố quyết định tạo nên nhân cách con người. Không thể đổi mới giáo dục và đào tạo mà cả đất nước vẫn không đổi mới. |