25/12/2024

Bị “ngáo đá” tấn công phải làm sao?

Gần đây, người “ngáo đá” đã có nhiều hành vi đe doạ nghiêm trọng đối với xã hội. Người dân cần được trang bị những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình.

Bị “ngáo đá” tấn công phải làm sao?

 

Gần đây, người “ngáo đá” đã có nhiều hành vi đe doạ nghiêm trọng đối với xã hội. Người dân cần được trang bị những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bị "ngáo đá” tấn công phải làm sao?
Thanh niên “ngáo đá” cầm hai con dao doạ chém người đi đường, sau đó xông vào cửa hàng gas trên đường Phạm Thế Hiển (P.5, Q.8) châm lửa đốt – Ảnh: Người dân cung cấp

“Nếu luật còn thiếu một quy định nào đó về người “ngáo đá” thì có lẽ đó là một quy định cho phép chế tài mạnh hơn, nặng hơn so với người phạm pháp trong tình trạng nhận thức bình thường để răn đe

PGS.TS
 NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, nếu bất ngờ gặp “ngáo đá” uy hiếp, đe doạ tính mạng mình và người xung quanh thì tuỳ điều kiện thực tế để có phản ứng thích hợp.

Tốt nhất “chạy là thượng sách” hoặc “dụ voi, bẻ ngà”, dùng lời lẽ ngọt ngào thuyết phục họ “giã từ vũ khí”.

Hết sức bình tĩnh

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không kịp chạy vì “ngáo đá” xuất hiện bất thình lình và không quen biết, thù oán với họ nên rất khó đề phòng, cảnh giác.

Anh Hùng (ngụ P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) kể có lần đang đi tập thể dục thì bị một thanh niên cầm dao đuổi chém, miệng lảm nhảm “mày ngon giết tao đi…”. Biết gặp phải “ngáo đá”, anh Hùng chạy thẳng vào đồn công an gần đó để thoát thân.

Với những trường hợp nạn nhân đang ngồi trong nhà bỗng dưng “ngáo đá” xông vào kề dao vào cổ doạ giết hoặc phóng hoả (như vụ đốt cửa hàng gas ở Q.8 mới đây) thì xử lý thế nào?

Đại tá Vũ Văn Bổn, trưởng Phòng pháp chế, điều tra và xử lý cháy nổ Sở Phòng cháy chữa cháy TP.HCM, đưa ra lời khuyên:

“Khi bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, đe doạ tính mạng thì người dân hết sức bình tĩnh và tránh có những hành động làm họ hoảng sợ, kích động vì lúc đó khả năng gây án của họ rất cao, hậu quả sẽ khó lường.

Tiếp đó, mọi người nên báo ngay cho công an gần nhất. Trong thực tiễn xử lý những đối tượng “ngáo đá”, phương án mà chúng tôi ưu tiên sử dụng là thuyết phục để đối tượng từ bỏ ý định gây án”.

Nhưng làm sao thuyết phục được một người đang mất khả năng nhận thức? “Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến, người từng ra tay khống chế nhiều đối tượng “ngáo đá”, chia sẻ:

“Thuyết phục chỉ là biện pháp kéo dài thời gian để cơ quan chức năng và anh em “hiệp sĩ” tiến hành các biện pháp tiếp theo. Đối với những đối tượng “ngáo đá” cướp giật mà suốt thời gian gây án họ không khống chế, đe doạ tính mạng người khác thì chúng tôi dùng biện pháp mạnh để trấn áp ngay”.

Một cảnh sát đặc nhiệm Công an TP.HCM cho biết tuỳ trường hợp cụ thể, lực lượng công an sẽ chọn ra phương án tối ưu nhất để giải quyết.

Nếu dùng phương án giải thích, thuyết phục không thành hoặc diễn biến sự việc ngày càng khẩn cấp, buộc lòng lực lượng chức năng phải dùng biện pháp mạnh khống chế đối tượng.

Phòng vệ chính đáng

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, pháp luật khó đưa ra quy định “tối ưu” trong tình huống gặp “ngáo đá” manh động. Vì vậy chúng ta phải tự cứu trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Còn luật sư Đinh Văn Quế, nguyên chánh toà hình sự TAND tối cao, cho rằng có nhiều giải pháp ngăn chặn người “ngáo đá” nhưng hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của họ.

Tuy nhiên nếu buộc phải xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của họ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho mình hoặc cho người khác thì được pháp luật bảo vệ, gọi là “phòng vệ chính đáng” (điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015).

Tuy nhiên, phòng vệ chính đáng cũng phải áp dụng từng trường hợp cụ thể và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo luật sư Quế, nếu một người “ngáo đá” dùng hung khí uy hiếp, đe doạ tính mạng mình và mọi người xung quanh thì ai cũng có thể dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi xảy ra.

Cảnh sát có thể nổ súng, người đi đường dùng các vật dụng xung quanh để làm tê liệt sự tấn công của người đang “ngáo đá”.

Nếu hành vi nguy hiểm của người “ngáo đá” đã chấm dứt mà người dân tiếp tục tấn công gây thương vong hoặc thương tích cho họ thì bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tuỳ vào mức độ mà người có hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người”, “cố ý gây thương tích” hoặc gây tổn hại sức khoẻ người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Đủ năng lực chịu 
trách nhiệm hình sự

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng “ngáo đá” không thể đánh đồng với người bị bệnh tâm thần phạm tội. Người bị bệnh tâm thần là người mất khả năng nhận thức do bệnh tật, tức là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn.

Trái lại, việc mất khả năng nhận thức của người “ngáo đá” là do hệ quả trực tiếp hành vi tác động của mình đối với chính mình, chứ không phải do nguyên nhân khách quan.

Thậm chí có thể coi việc sử dụng ma túy trước khi thực hiện hành vi phạm tội là một kiểu doping nhằm kích thích thiên hướng liều lĩnh, ngông cuồng trong hành động.

Luật sư Trần Công Ly Tao giải thích thêm: “Ngáo đá không thể coi là mất năng lực hành vi vì trạng thái cơ thể của “ngáo đá” khi phê ma tuý diễn ra sau khi sử dụng chất kích thích, không sử dụng chất kích thích thì không “mất trí khôn”.

Vì thế họ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nếu nhìn nhận “ngáo đá” mất năng lực hành vi chẳng khác nào tiếp tay kẻ xấu phạm pháp. Do đó pháp luật cần bổ sung xử lý về mặt hình sự đối với đối tượng này”.

Cũng theo ông Điện, pháp luật quy định rõ “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” (điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015).

Với quy định đó, người làm luật đã có thái độ phân biệt rất dứt khoát giữa người mất trí trong cơn say và người mất trí do bệnh tật. Vì thế trước luật pháp, người “ngáo đá” không khác người bình thường về năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Để đối phó với một người ở trạng thái tinh thần không kiểm soát được là một điều không phải dễ. Nếu như phản ứng của một người (cho dù là phòng vệ chính đáng) mà vượt quá tầm kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí có thể trở thành tội phạm.

Do đó để đối phó với người “ngáo đá” trước hết phải hết sức bình tĩnh, tìm cách kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều người, nhiều phía. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường sự giám sát, phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân khi được yêu cầu.

Tiến sĩ, luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH

HOÀNG KHANG