26/12/2024

Giá trị của lá phiếu

Cử tri có trách nhiệm sẽ chọn được đại biểu có trách nhiệm; ngược lại, cử tri hời hợt sẽ cho ra một Quốc hội, HĐND với những đại biểu 
hời hợt.

 

Giá trị của lá phiếu

 

 Cử tri có trách nhiệm sẽ chọn được đại biểu có trách nhiệm; ngược lại, cử tri hời hợt sẽ cho ra một Quốc hội, HĐND với những đại biểu 
hời hợt.

 

 

 

 

Mỗi người trong chúng ta ai mà không từng bức xúc, bực bội, khổ sở vì những chuyện trong đời sống hằng ngày như nước ngập, bụi bặm, nghèo đói, con cái không được học hành tới nơi tới chốn, bệnh viện quá tải, nạn nhũng nhiễu và rất nhiều chuyện khác.

Nhiều người chắc đã từng đặt câu hỏi vì sao, ai chịu trách nhiệm? Ai là người có thể kêu đến, nhờ cậy, giúp cải thiện tình hình?

Trong số những người mà công dân có thể nhờ cậy mỗi khi gặp khó khăn, khi có ý kiến, kiến nghị về những chuyện chung của xã hội, đồng thời cũng là nỗi niềm riêng của mình thì đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND làm được điều gì không?

Câu trả lời vừa có, vừa không. Có, nếu những người được lựa chọn vào Quốc hội, HĐND đúng là đại biểu nhân dân. Không, nếu đó chỉ là những người vào ngồi không suốt nhiệm kỳ.

Muốn lựa chọn đúng những đại biểu nhân dân thực sự, bên cạnh các điều kiện khách quan như Luật bầu cử thì nhận thức, thái độ, hành động của cử tri có tính chất quyết định.

Cử tri có trách nhiệm sẽ chọn được đại biểu có trách nhiệm; ngược lại, cử tri hời hợt sẽ cho ra một Quốc hội, HĐND với những đại biểu 
hời hợt.

Chính vì lẽ trên, bầu cử là quyền dân sự – chính trị quan trọng bậc nhất trong thế giới văn minh. Hiến pháp 2013, tại điều 27 quy định: “công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử…”.

Cử tri có thể dùng quyền này để làm được điều gì đó, tự mình mang đến thay đổi tốt đẹp hơn cho mình.

Đi bỏ phiếu, có thể bạn mất thêm nửa tiếng đi về, điền phiếu nhưng sự lựa chọn của mỗi người hợp lại sẽ quyết định “cái gì đó” thay đổi tốt hơn nhờ lá phiếu của mình. Bởi vậy, hãy thực hành quyền bầu cử một cách thận trọng, trách nhiệm, với ý thức 
công dân.

Như vậy, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử không phải là đi bỏ phiếu, mà còn phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Sử dụng lá phiếu đúng cách như vậy, chúng ta, các cử tri mới có cơ sở để theo dõi, giám sát, nhắc nhở đại biểu: đừng để lời hứa trở thành “hứa treo”; đừng để phí lá phiếu của cử tri.

Tối hôm trước, tổ dân phố mang thẻ cử tri đến tận nhà. Nhìn tấm giấy chỉ hơn bàn tay một chút, rồi nhìn sang hai đứa con đang vui đùa, tôi chợt nghĩ: Với tấm thẻ này, bố sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn những người sẽ ra những quyết sách dù lớn hay nhỏ sẽ động đến miếng cơm manh áo nhà mình, đến cuộc đời của các con ít nhất trong 5 năm tới.

Ngày 22-5-2016, hơn 69 triệu cử tri trên cả nước cũng đứng trước lựa chọn như vậy. Lá phiếu chỉ bằng tờ giấy, nếu đối xử với nó như một tờ giấy.

Ngược lại, giá trị của lá phiếu sẽ là cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, sự phát triển chung của xã hội, đất nước, nếu chúng ta ứng xử đúng. Tôi và chúng ta, với tư cách cử tri phải cân nhắc, gạch người nào, chọn người nào trên lá phiếu ấy một cách có trách nhiệm, với tinh thần công dân của một nền cộng hoà.

NGUYỄN ĐỨC LAM