24/01/2025

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – C: Thiên Chúa Ba Ngôi trong dòng lịch sử các tôn giáo

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được chính Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại để giúp ta khám phá ra bản chất nội tại của Thiên Chúa đồng thời giúp con người hoàn thiện đời sống, vượt qua những thái độ đơn thần hay đa thần đang phổ biến trong cộng đồng nhân loại.

 

Thiên Chúa Ba Ngôi trong dòng lịch sử các tôn giáo 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cao cả và đặc biệt nhất của Kitô giáo vì nói lên sự duy nhất của một Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên sự đa dạng của Ba Ngôi trong hoạt động của mình. Mầu  nhiệm này được chính Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại (x. Mt 3,16-17; Mt 28,19; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 16,12-15) để giúp chúng ta khám phá ra bản chất nội tại của Thiên Chúa đồng thời giúp con người hoàn thiện đời sống của mình để vượt qua những thái độ đơn thần hay đa thần đang phổ biến trong cộng đồng nhân loại. Trong ít phút này chúng ta sẽ tìm hiểu các quan niệm đơn thần, đa thần trong dòng lịch sử các tôn giáo và suy nghĩ về quan niệm tổng hợp trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

1. Các quan niệm khác nhau trong dòng lịch sử các tôn giáo

Kể từ khi con người biết suy tư xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 40.000 năm, chúng ta có thể chia các tôn giáo ra thành hai khuynh hướng: khuynh hướng đa thần: tôn thờ nhiều thần linh khác nhau và khuynh hướng độc thần: chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.

Ở thời kỳ bái vật: con người sơ khai bái thờ vật chất vì thấy thiên nhiên vạn vật mạnh mẽ, diệu kỳ hơn mình. Thấy mặt trời toả sáng, thiêu cháy mọi vật, người ta tôn mặt trời làm thần. Thấy hổ, báo có thể ăn thịt mình thì con người tôn thờ thần hổ, thần báo. Thấy sấm sét có thể sát hại mình, con người thờ thần thiên lôi. Vì thế, vào thời sơ khai, con người có khuynh hướng đa thần trong các tôn giáo: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá là vì vậy!

Rồi người ta phân biệt có những vị thần lớn nhỏ khác nhau, chi phối mọi hoạt động con người. Người Hy Lạp có vị thần tối cao là Zeus, người Roma có thần Jupiter. Tiếp đến là các thần nhỏ hơn như thần săn bắn Diana, thần thi ca Minerva, thần sắc đẹp Venus, thần chiến tranh Mars. Dần dần người ta quan niệm có thần cai quản cõi chết gọi là Tử Thần, có thần coi về ánh sáng, có thần coi về bóng tối… vì ánh sáng, bóng tối tồn tại mãi và vượt khỏi sự chi phối của con người.

Khuynh hướng đa thần có mặt nơi các tôn giáo như Ấn Độ giáo với Braman (Đại Ngã) và Atman (Tiểu Ngã), Phật giáo với Phật Ngã lớn lao và mọi sinh linh đều có Phật tính. Bên Đông Phương Lão giáo chủ trương mọi vật đều linh thiêng, đều có thần: từ cái bếp đun, cây đa đến đất nước, núi sông.

Khuynh hướng đơn thần hay độc thần xuất hiện muộn hơn khi con người biết suy tư sâu xa để nhận ra tất cả những gì đang có đều bắt nguồn từ một Đấng Tối Cao là nguồn mọi hiện hữu, Đấng dựng nên tất cả, yêu thương và muốn cứu thoát tất cả. Có thể nói điều này bắt nguồn từ sự soi sáng của Thiên Chúa ban cho con người (x. Dt 1,12). Chúng ta thấy người Do Thái giáo tôn thờ Chúa Giavê và người Hồi giáo tôn thờ Đấng Thánh Allah.

2. Quan niệm tổng hợp của Kitô giáo qua mầu nhiệm Ba Ngôi

Kitô giáo đã tổng hợp hai quan điểm độc thần và đa thần này.

Qua sự mạc khải của Thiên Chúa Ngôi Lời, Kitô giáo cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất, là nguồn của chân thiện mỹ, nguồn của mọi hiện hữu. Tuy nhiên, Thiên Chúa có nhiều hoạt động khác nhau nên có ba ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Tất cả những hoạt động sáng tạo đều quy về Chúa Cha, Đấng dựng nên mọi sự, quan phòng cho mọi loài. Hoạt động cứu độ quy về Chúa Con hay Ngôi Lời. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người để chia sẻ thiên tính cho mọi loài mọi vật và giúp cho muôn loài có thể đạt được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở thành người, một con người cụ thể được xác định trong không gian và thời gian, đó là Đức Giêsu Nazareth. Cuối cùng, để con người và vạn vật có thể đạt được ơn cứu độ, đón nhận được bản tính thánh thiện kỳ diệu của Thiên Chúa cần phải có Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng Thánh Hoá, nghĩa là làm cho con người hoá nên thánh như Chúa là Đấng Thánh. Ngài ban những ân sủng để thực hiện công trình thánh hoá này.

Hơn nữa, dù Ba Ngôi có chung một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa, có ba hoạt động khác nhau: nhưng khi hành động trong mỗi công trình đều có sự hiện diện của cả Ba Ngôi. Thí dụ: trong công trình sáng tạo của Chúa Cha, Ngài dựng nên mọi sự qua Lời (Ngôi Lời) phán của mình (x.St 1), trong khi Thánh Thần chính là Thần Khí toả ra từ miệng Thiên Chúa và bay là là trên mặt nước (x. St 1,1). Trong công trình cứu độ của Chúa Con cũng thế, Người diễn tả tình yêu của Ngôi Cha đối với thế giới (x. Ga 3,16) và trở thành người qua tác động của Thánh Thần (x. Lc 1,30-35).

3. Tầm quan trọng của tổng hợp Kitô giáo

Nhìn vào lịch sử các tôn giáo, chúng ta thấy tổng hợp của Kitô giáo rất quan trọng và mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cho nền văn minh nhân loại.

– Kitô giáo giúp ta vượt qua thái độ mê tín bái vật. Trong thời đại khoa học, kiến thức phát triển, người ta phân biệt thần linh và vạn vật không thể đồng hoá với nhau. Không có thần hoa, thần núi, thần sông bởi vì hoa cỏ núi sông đều là vật chất tự nhiên. Do đó, làm ra cột thu lôi để chế ngự được sấm sét thì thần thiên lôi cũng biến mất. Khi tìm hiểu cỏ hoa bằng khoa học, người ta có thể tạo ra các màu sắc, hình thể các loại hoa khác nhau chứ không nhờ thần linh nào cả.

– Kitô giáo giúp ta tôn trọng giá trị cao cả của con người và vạn vật khi loan báo Thiên Chúa xuống với con người. Nếu giữ nguyên ý tưởng độc thần thì Thiên Chúa là một đấng tuyệt vời cao cả phía trên và con người vẫn cứ mãi là một thụ tạo thấp hèn ở phía dưới. Chỉ có Kitô giáo mới giúp cho chúng ta hiểu rằng con người không còn là một thụ tạo nhưng được Thiên Chúa đón nhận, yêu thương nhờ công trình cứu độ của Ngôi Hai. Ngôi Hai đã trở thành người để chúng ta trở thành Thiên Chúa giống như Người. Nhờ mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta có thể hiểu được những hoạt động đa dạng, kỳ diệu của con người.

– Kitô giáo loại bỏ thái độ tiêu cực, mê lầm của quan niệm đa thần

Rất nhiều người ngày nay vẫn quan niệm rằng có những vị thần chi phối cái ác, cái chết giống như thần Mars của người xưa. Nhưng Kitô giáo nhắc nhở chúng ta: chúng không phải là những vị thần, chúng không phải là những thực thể. Chết là mặt tiêu cực của sự sống, nên không có Tử thần mà chỉ có Thiên Chúa Hằng Sống. Khi con người gắn bó với Thiên Chúa, con người sống mãi và được Chúa ban cho sự sống. Khi con người cắt đứt với Thiên Chúa, con người đón nhận cái chết. Cái chết chỉ nói lên tình trạng vật chất tan rã, trong khi con người vẫn sống mãi với Thiên Chúa về tinh thần. Bóng tối và các điều ác đức, tiêu cực cũng tương tự như thế.

– Kitô giáo hướng ta về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từng giây từng phút Chúa Cha sáng tạo trong con người chúng ta, bởi vì từng giây phút có hàng tỷ tế bào mới xuất hiện, những ý nghĩ mới, những tình cảm mới, những hoạt động mới… Những hoạt động ấy cũng cần được biến đổi thành hoạt động của Thiên Chúa nhờ tác động của Thánh Thần. Ngài đưa sức mạnh, tình yêu, ánh sáng, sự thật, sự sống của Thiên Chúa vào trong từng hoạt động của con người và làm cho những hoạt động đó mang lại giá trị cứu độ. Đó là tác động của Chúa Thánh Thần kết hợp với Ngôi Hai là Chúa Giêsu để thực hiện công trình cứu độ cho toàn thế giới.

Kết luận

Vì thế, chúng ta hãy cảm nhận Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiện diện trong con người chúng ta và đang mời gọi chúng ta kết hợp với mình để biến từng giây phút sống của chúng ta trở thành những giây phút tốt đẹp mang tính sáng tạo của Ngôi Cha, tính cứu độ của Ngôi Con và tính thánh hoá của Thánh Thần. Trong tinh thần đó, chúng ta tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa, cầu xin Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện diện trong chúng ta và chúc lành cho chúng ta./.