27/12/2024

Khoảng 20,8 triệu người tăng huyết áp

Một khảo sát mới nhất của Hội Tim mạch VN cho thấy số người trưởng thành (25 tuổi trở lên) bị tăng huyết áp ở VN tăng gần gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn, từ 25,1% năm 2008 lên trên 47% năm 20

 

Khoảng 20,8 triệu người tăng huyết áp

 

Một khảo sát mới nhất của Hội Tim mạch VN cho thấy số người trưởng thành (25 tuổi trở lên) bị tăng huyết áp ở VN tăng gần gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn, từ 25,1% năm 2008 lên trên 47% năm 2015.

 

 

 

 

Khoảng 20,8 triệu người tăng huyết áp
Tập thể dục, có chế độ ăn nhiều rau xanh, ít muối… là những biện pháp phòng cao huyết áp một cách thiết thực – Ảnh minh hoạ: Ngọc Dương

So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore ở mức 41%, Indonesia 58%, tỉ lệ chung của thế giới khoảng 40%, VN ở mức khá cao.

Tăng quá nhanh

Cách đây 6 năm, ông N.M.H. ở Lý Nam Đế, Hà Nội bắt đầu uống thuốc điều trị huyết áp mỗi ngày. Vì lớn tuổi và đã đặt stent tim nên mỗi ngày ông đo huyết áp 3 lần, huyết áp cứ trên 140/80 xếp vào mức cao là lại bắt đầu điều trị, rồi ông học theo phương pháp của Nhật, cứ đo huyết áp kết quả trên 135/80 đã xếp ở mức cao.

“Tôi áp dụng rất chặt chẽ chế độ ăn kiêng và luyện tập, nhưng giờ hằng ngày phải uống cả thuốc duy trì đường huyết, hôm nào ăn quá mức một chút là phải uống thuốc trị gout, thuốc huyết áp và đều đặn đi khám sức khoẻ”, ông H. kể về cuộc sống đồng hành với bệnh của mình.

Nhưng đáng ngại là theo ông Nguyễn Lân Việt, chủ tịch Hội Tim mạch VN, nguyên viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, ở VN số mắc tăng huyết áp ở giai đoạn 1 (giai đoạn mới được phát hiện bệnh) là cao nhất, chứng tỏ số người mới mắc đang tăng nhanh.

Theo khảo sát của Hội Tim mạch VN năm 2015 vừa công bố tại cuộc sinh hoạt y khoa Việt – Pháp tổ chức ở Hà Nội, số mắc tăng huyết áp ở VN chiếm tới trên 47% số người từ 25 tuổi trở lên, tương đương khoảng 20,8 triệu người.

“Khi nhận kết quả, chúng tôi đã xem đi xem lại vì bất ngờ số lượng tăng quá nhanh. Năm 2008 khi khảo sát tại 8 tỉnh thành mới có 25,1% người ở lứa tuổi này được xác định mắc bệnh, nhưng năm 2015 khảo sát lại tại chính 8 tỉnh thành này thì số người mắc tăng gần gấp đôi”- ông Việt cho biết.

Ông Việt khuyến cáo muốn phòng tăng huyết áp phải giảm ăn mặn, chú ý chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, giảm rượu bia, thuốc lá, rèn luyện thể lực tối thiểu 30-60 phút/ngày.

Tuy nhiên ở VN, thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy tiêu thụ rau xanh từ năm 1985 đến nay ở VN không tăng, chỉ bằng 1/2 so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Năm 2015, tiêu thụ bia ở VN đạt 3,4 tỉ lít, tăng 10% so với năm 2014 và mức giảm số người hút thuốc lá là không nhiều.

Mối nguy thầm lặng

Theo ông Việt, qua khảo sát cho thấy trên 39% người mắc tăng huyết áp chưa từng biết mình mắc bệnh, tỉ lệ người bệnh tăng huyết áp được điều trị đạt gần 93% nhưng chỉ gần 40% trong đó đạt được huyết áp mục tiêu.

“Bên cạnh thay đổi lối sống, muốn đạt huyết áp mục tiêu cần kết hợp với sử dụng thuốc phù hợp. Chúng tôi mong muốn cơ quan bảo hiểm y tế có chính sách hợp lý, như phát thuốc cho bệnh nhân thì nên cấp đủ 1 tháng điều trị, thực tế nhiều địa phương chỉ cấp thuốc 1-2 tuần, hết thuốc bệnh nhân lại ngưng điều trị. Trong khi đây là căn bệnh thầm lặng, biến chứng rất nặng nề đến tim, mắt, não, thận, cụ thể là các biến chứng tổn thương đáy mắt, có đạm trong nước tiểu và lâu dần là suy thận, xuất hiện các cơn đau thắt ngực, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim” – ông Việt chia sẻ.

Một chuyên gia của Viện Tim mạch quốc gia đặt vấn đề “4 yếu tố để kiểm soát huyết áp là cá thể của bệnh nhân, thầy thuốc, bảo hiểm y tế và môi trường, khi một căn bệnh mãn tính gia tăng thì phải kiểm soát cả 4 yếu tố này. Mục tiêu trong 5 năm sắp tới phải giảm số mắc tăng huyết áp trong khi số người tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 77%”.

Nhưng một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, là đang rất thiếu các bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Hiện Hội Tim mạch VN có số lượng bác sĩ chỉ quản lý được một phần nhỏ bệnh nhân tim mạch trong đó có tăng huyết áp, vì thế cần sự chia sẻ của các bác sĩ đa khoa và nội khoa các tuyến.

Trong khi đó tại VN, một dự án đào tạo bác sĩ quản lý bệnh nhân tăng huyết áp theo phác đồ mới cũng được triển khai từ ngày 15-5, với 25 bác sĩ đầu tiên ở 6 trung tâm tim mạch trong cả nước được tham gia đào tạo.

Giống như bệnh đái tháo đường và nhiều bệnh mãn tính khác, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng với tốc độ chóng mặt của bệnh lý tăng huyết áp trong nhóm người trưởng thành. Nếu các biện pháp hành động không quyết liệt thì sẽ nguy hiểm cho sức khoẻ người Việt.

Kết quả điều tra là khách quan

Trả lời Tuổi Trẻ về kết quả điều tra này liệu có khách quan, khi số lượng người tham gia điều tra năm 2015 chỉ xấp xỉ 1/2 năm 2008, ông Nguyễn Lân Việt cho biết điều tra này thực hiện tại 8 tỉnh thành tương tự năm 2008, tại các xã được lấy ngẫu nhiên. Khi chọn xong danh sách xã, nhóm khảo sát bắt thăm ngẫu nhiên 100 người dân trong xã thuộc nhóm 25 tuổi trở lên. 

Bên cạnh đó có 50 người dự bị để đề phòng người trong danh sách được khảo sát chính thức vắng mặt tại thời điểm khảo sát.

Một lý do dẫn đến số mắc tăng huyết áp gia tăng ở người trẻ, theo ông Jacques Blacher – chủ tịch Hội Tăng huyết áp Pháp – là thói quen ăn mặn, thừa cân béo phì, ít vận động và căng thẳng, nhiều stress trong cuộc sống và công việc.

Bà Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã nhiều lần khuyến cáo thanh thiếu niên nên hạn chế thức ăn nhanh và đồ uống có gas, vì thức ăn nhanh có độ mặn cao hơn hẳn, lượng muối sử dụng chỉ nên ăn dưới 5 gr/người/ngày, nhưng khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy lượng muối ăn vào của người dân đang cao gấp đôi khuyến cáo.