27/12/2024

3 câu hỏi của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Ngày 20.5, đoàn công tác T.Ư do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM.

 

3 câu hỏi của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Ngày 20.5, đoàn công tác T.Ư do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM.




 

Ông Vương Đình Huệ đi thực địa công trường thi công tuyến metro Bến Thành – Suối TiênẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Tham dự buổi làm việc còn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và đại diện các sở ngành TP.
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) cho biết, qua 14 năm xây dựng phát triển, đến nay KCNC TP đã có 97 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 5,49 tỉ USD, trong đó 46 dự án đang hoạt động ổn định, sản phẩm chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm CNC TP. Hiện KCNC TP.HCM đã đầu tư 12 triệu USD cho nghiên cứu và triển khai (R&D), ươm tạo doanh nghiệp (DN) CNC. Tuy nhiên, hoạt động của KCNC TP.HCM còn nhiều hạn chế: Các sản phẩm mới từ hoạt động R&D còn thua các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ kinh phí đầu tư cho R&D của các DN, đơn vị sự nghiệp công lập về phát triển khoa học – công nghệ trong KCNC còn thấp. Tốc độ phát triển của KCNC TP còn thấp so với các KCNC, công viên khoa học – công nghệ ở khu vực Đông Nam Á…
Sau khi lắng nghe trình bày của đại diện KCNC TP.HCM, ông Vương Đình Huệ đặt ra 3 câu hỏi ngắn gọn đối với lãnh đạo KCNC TP: “Thời gian qua, điểm gì các đồng chí tâm đắc nhất? Cái gì thấy tệ nhất? Cơ chế, chính sách nào thấy dở nhất, phi thị trường hoặc phải bỏ đi?”. Trong câu hỏi thứ 3 có thêm một ý nữa là mặc dù so với các KCNC trong nước thì KCNC TP phát triển vượt bậc, nhưng so với khu vực vẫn còn thua nên cần chính sách gì từ chính quyền T.Ư, Chính phủ?
Trả lời Phó thủ tướng, ông Lê Hoài Quốc cho biết tâm đắc nhất là đã kết nối được giữa khoa học – công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Còn chỗ yếu nhất là nhiều cơ chế chính sách chưa có được sự đồng bộ và toàn diện. Với câu hỏi thứ 3 về việc KCNC TP còn kém so với các KCNC trong khu vực, ông Quốc cho rằng, qua khảo sát cho thấy có yếu tố về thời gian. Cụ thể, KCNC TP mới thành lập 14 năm (trong khi các KCNC ở Đài Loan đã có 40 năm), phải làm trong điều kiện “vừa chạy vừa xếp hàng”. Theo đó, KCNC TP hiện còn phải tiến hành thu hồi đất, vừa phát triển hạ tầng, trong khi ở các nước KCNC chủ đầu tư được tự chủ về đất đai. Ông Quốc kiến nghị Chính phủ cần có chính sách đồng bộ trong khoa học – công nghệ, phải làm sao tập hợp được các nhà khoa học, trí thức Việt kiều. Ông cho biết 3 điểm yếu kém từ ban quản lý là đội ngũ chuyên môn; mô hình quản lý (trong tương lai, cần tách mô hình quản lý nhà nước với khâu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN. Nhiều nhà đầu tư đang rất cần nhân lực quản trị viên cao cấp để chuyển giao công nghệ nhằm thay thế họ quản lý DN, nhưng đang rất thiếu. Đối với nhân lực là kỹ thuật viên, hiện nay lao động tuyển từ các trường cao đẳng, trung cấp, DN phải đào tạo lại toàn bộ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ông rất ấn tượng với KCNC TP, đi đầu cả nước trong thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, có tính lan toả cao trong điều kiện vừa làm vừa mày mò. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tính chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu quá ít (xuất khẩu 16,4 tỉ USD, nhập khẩu 14,6 tỉ USD), chỉ 10%, mà lẽ ra ít nhất phải 40%. Ông Huệ cho rằng cần phải thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNC; phải thu hút nhiều DN tư nhân tham gia, lập các công ty cổ phần lĩnh vực này; việc nghiên cứu sản xuất phải xuất phát từ thị trường. Hiện nay, tại Nhật Bản xu hướng là nhiều DN nhỏ nhưng tỷ suất lợi nhuận lớn, chủ yếu sử dụng hàm lượng khoa học – công nghệ, chứ không phải lắp ráp, cần hướng chú ý mô hình này. Ông cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại các chính sách về phát triển khoa học CNC trên cơ sở xuất phát từ thị trường, gắn kết và tuân thủ quan hệ thị trường. Israel cách đây 20 năm đã lập ra các quỹ đầu tư mạo hiểm, họ là quốc gia khởi nghiệp. Tại VN, Chính phủ và các chính quyền địa phương cũng cần có quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước. Tại TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế quốc gia, cũng cần có quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước, nhất là đầu tư về khoa học CNC.
Cùng ngày, Phó thủ tướng có buổi làm việc và thị sát tại công trường thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Chiều 20.5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP.HCM. Tại buổi làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cho biết tiềm năng của TP không phải là phát triển 8%/năm mà đủ điều kiện để tăng trưởng 2 con số/năm. Tuy nhiên, hiện TP đang bị cơ chế kìm hãm sự phát triển, sáng tạo và khai thác những nguồn lực sẵn có. Theo ông, Bộ Chính trị luôn coi TP.HCM là đầu tàu, nhưng TP hiện đang vận hành với cơ chế toa tàu. Do đó, cần phải có cơ chế đột phá cho TP và coi đó là nhu cầu của lãnh đạo T.Ư.
Phó thủ tướng đề nghị TP chủ động chuẩn bị đề án trình lên Chính phủ, cho phép thí điểm một số vấn đề mới phát sinh và chịu sự giám sát của Chính phủ. Đề nghị TP phối hợp với Bộ KH-ĐT để xây dựng kế hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam và xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng; chủ động nghiên cứu phối hợp với các bộ, trình Chính phủ xem xét quyết định các vấn đề phân cấp mạnh hơn về tài chính, ngân sách, quyết định các khoản thu chi, đầu tư, nhân sự, thẩm quyền hành chính…
Trung Hiếu


 

N.Đ.Mười