28/12/2024

Nước sông Hậu bỗng… xanh như nước biển: Cứu ĐBSCL bằng cách nào?

Phù sa từ sông Mê Kông đổ về giảm mạnh đe doạ đến sự sống còn của ĐBSCL và rất khó để cứu vãn vùng đất trù phú này nếu các công trình thuỷ điện vẫn dựng lên phía đầu nguồn.

 
Nước sông Hậu bỗng… xanh như nước biển: Cứu ĐBSCL bằng cách nào?
 
 
 
Phù sa từ sông Mê Kông đổ về giảm mạnh đe doạ đến sự sống còn của ĐBSCL và rất khó để cứu vãn vùng đất trù phú này nếu các công trình thuỷ điện vẫn dựng lên phía đầu nguồn.






Người dân mưu sinh khó khăn hơn trên sông Hậu do lượng thủy sản giảm /// Ảnh: Đ.T

Người dân mưu sinh khó khăn hơn trên sông Hậu do lượng thuỷ sản giảmẢNH: Đ.T


Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Nước sông Hậu xanh như… nước biển, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ, đích thân ra quan sát sông Hậu. Ông Tuấn nhìn nhận: “Đúng là hiện tượng màu nước sông Hậu năm nay thay đổi, trong và xanh lạ hơn mọi năm, khác những gì tôi từng ghi nhận”.
Theo phân tích của ông Tuấn, trước hết vào thời điểm đầu mùa mưa như hiện nay, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông sẽ trữ nước lại bù cho thời gian thiếu hụt trước đó. Điều này càng khiến phù sa vốn đã hạn chế vào mùa khô nay càng ít hơn. Ngoài ra, năm nay, ảnh hưởng của El Nino kéo dài, nhiều nơi đất đai nứt nẻ sâu. Lớp phèn tiềm tàng trong vùng đất từ Campuchia về ĐBSCL nhiều khả năng bị “đánh thức” bởi ô xy và nước mưa chảy ra sông. Nước phèn sẽ làm cho lượng phù sa lơ lửng vốn đã ít kết tủa chìm xuống khiến cho nước sông Hậu càng trở nên trong xanh.
“Nhưng mất phù sa do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông ngăn mới là mối nguy lớn nhất mà ĐBSCL phải đối diện”, ông Tuấn nhấn mạnh và phân tích: “Trong 3 nhóm vật liệu phù sa gồm cát sỏi, sạn; chất lơ lửng; chất hoà tan thì nhóm cát, sỏi, sạn chính là loại có vai trò chính trong kiến tạo đất, giúp ĐBSCL bồi đắp bù lại tình trạng sụt lún. Đáng ngại đây cũng là nhóm vật liệu bị giữ lại hầu hết bởi các đập thuỷ điện. Khi mùa mưa lũ đến, nước vẫn đục ngầu nhưng sẽ chỉ còn lại chất lơ lửng và chất hoà tan, nó không thể bồi đắp thành đất”.
Về vấn đề này, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ, nêu dẫn chứng: “Trước đây, những mỏ cát như Năng Gù (An Giang), thậm chí ở Cần Thơ đều được bồi đắp nhiều, cho cát sạch và đẹp. Nhưng bây giờ, cát bổ sung hằng năm đâu còn, các mỏ đều phải khai thác tận thu từ nguồn cát bồi đắp trước”.
Không để xây thêm thủy điện
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, trong hai khó khăn hàng đầu ĐBSCL đang đối diện là biến đổi khí hậu và việc xây các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông, thì biến đổi khí hậu là một tiến trình diễn ra lâu dài, bằng cách này cách khác vẫn có thời gian để thích nghi, ứng phó, trong khi đập thuỷ điện lại là vấn đề gây đau đầu và “bế tắc” nhất.
“Cứ hình dung dòng sông Mê Kông giờ giống như một ống nước, có 6 ông, mỗi ông cầm một cái van thích thì mở, không thì khóa lại, chỉ thiệt nhất cho ông ở cuối nguồn là ĐBSCL”, ông Tuấn nói. Chưa kể, việc trữ nước ở các đập thuỷ điện cũng gây sự bất ổn, xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất bởi đặc thù mùa khô hạn thì đập trữ nước, đến mùa mưa lũ thì xả nước tránh vỡ đập.
“Đập trên xả, buộc đập dưới cũng phải xả, giống như hiệu ứng domino sẽ gây ra tình trạng lũ chồng lũ cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, chẳng còn cách nào khác là chúng ta bằng mọi cách phải lên tiếng, yêu cầu các nước phía thượng nguồn giữ lại hiện trạng cho sông Mê Kông, không thể can thiệp thêm bằng đập thuỷ điện nữa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ở một giải pháp khác, theo Th.s Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, trước tình hình mất dần phù sa bồi đắp cho ĐBSCL như hiện nay thì giải pháp “sạc” nước ngầm xuống đất sẽ góp phần giữ ổn định mặt đất, hạn chế tối đa tình trạng sụt lún. Để “sạc” nước ngầm, ông Vinh cho rằng cần phải có chương trình cấp nhà nước, tốn kém cũng phải làm nếu không muốn ĐBSCL “chìm” dần.
Còn theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái Mê Kông, ĐBSCL xưa kia vốn có 2 “túi nước” là vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Đã đến lúc phải trả lại hiện trạng một phần cho hai “túi nước” trên bằng cách phá bỏ những đê bao không hiệu quả. Việc này không chỉ giúp giữ lại được lượng phù sa ít ỏi còn lại khi nước lũ tràn đồng mà còn trữ, bổ sung tự nhiên cho nước ngầm, điều tiết nước vào mùa khô hạn.
Đê bao góp phần làm mất phù sa, gây ngập úng
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, đê bao để sản xuất 3 vụ lúa ở ĐBSCL đang mang đến nhiều hệ luỵ, trong đó nan giải nhất là lãng phí phù sa. Cụ thể, mùa lũ về phù sa theo con nước bị ngăn bởi đê bao không thể tràn lên đồng sẽ chảy thẳng ra biển. Lượng phù sa này hầu hết lại là vật liệu lơ lửng nên khi ra biển vẫn không đủ kết dính để kiến tạo đất. Ngoài ra, khi các đê bao hình thành, nước từ thượng lưu sông Hậu, sông Tiền sẽ dồn nhiều và nhanh về hạ lưu gây ngập úng. Đơn cử như ở TP.Cần Thơ mấy năm nay thường xuyên ngập nặng, hầu hết tuyến đường, rất nhiều nhà cửa của người dân phải nâng nền ứng phó ngập.

 

Đình Tuyển