Khốn khổ vì sáng kiến kinh nghiệm
Diễn đàn đã nhận được ý kiến của bạn đọc, đó là đề nghị Tuổi Trẻ hãy ghi nhận câu chuyện giáo viên đang khốn khổ với sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Câu chuyện thực tế này xem như một “đặt hàng” của giáo viên với tân bộ trưởng.
Khốn khổ vì sáng kiến kinh nghiệm
Diễn đàn đã nhận được ý kiến của bạn đọc, đó là đề nghị Tuổi Trẻ hãy ghi nhận câu chuyện giáo viên đang khốn khổ với sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Câu chuyện thực tế này xem như một “đặt hàng” của giáo viên với tân bộ trưởng.
Hai công việc mất nhiều thời gian của giáo viên là viết nhận xét cho học sinh và viết sáng kiến kinh nghiệm – Ảnh: Như Hùng |
Năm nay lần đầu tiên các trường thực hiện theo nghị định 56 của Chính phủ về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức viên chức. Trong đó, một trong các tiêu chí phân loại đánh giá viên chức (đa số thuộc ngành giáo dục – PV) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì mỗi viên chức phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được các cấp thẩm quyền công nhận.
Hầu hết giáo viên đang than khổ, cho rằng quá bất hợp lý khi đánh giá giáo viên chỉ theo tiêu chí trên.
Tôi thấy khi yêu cầu giáo viên, kể cả bảo vệ ở các trường, phải viết sáng kiến kinh nghiệm thì kỳ quá. Hiện tôi cũng đã có ý kiến Sở Nội vụ xem xét tham mưu cho UBND tỉnh để đánh giá các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ không cần phải viết sáng kiến kinh nghiệm |
Ông TRẦN THANH LIÊM (giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp) |
Biết là photocopy nhưng vẫn cố lơ đi
Chị L.T.M. – giáo viên Trường tiểu học TL 1, huyện Cái Nước (Cà Mau) – cho biết rất bất ngờ khi gần cuối năm nhà trường gửi thông báo cho từng giáo viên yêu cầu phải nộp SKKN, nếu cá nhân nào không nộp sẽ xét không hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
“Chúng tôi đều phải phấn đấu không ngừng từ việc soạn giáo án giảng dạy, đảm bảo giờ dạy, không để có học sinh yếu kém, vậy mà chỉ dựa vào không có SKKN để đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì quá bất công” – chị M. băn khoăn.
Chị M. nói thêm thú thật là chị cũng phải sao chép tài liệu từ trên mạng xuống, chứ bản thân chị không biết lấy đâu ra sáng kiến để làm trong thời gian ngắn ngủi.
Còn chị N.T.M.N., giáo viên một trường mầm non thuộc huyện U Minh, cũng khổ sở không kém khi hằng ngày phải quản hơn 30 trẻ 3-4 tuổi, trước khi rời lớp phải quét dọn, tối về phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học.
“Thật sự chúng tôi đã quá nhiều áp lực, dạy trẻ không phải dễ dàng gì khi một lớp hơn 30 em là hơn 30 tính cách, tôi uốn nắn các em đã là một vấn đề rồi, giờ phải ngồi nghĩ ra sáng kiến này nọ nữa thì tôi quá đuối luôn” – chị N. nói.
Trong khi đó, nhiều giáo viên ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp) thừa nhận ngoài giờ lên lớp, soạn giáo án và chấm bài thì không còn thời gian đâu nghĩ ra sáng kiến này nọ nữa nên đành phải lên mạng chép về, hoặc mượn sáng kiến của các đồng nghiệp ngoài tỉnh về sửa lại đôi chút rồi nộp cho có.
Một hiệu trưởng của trường THCS ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết thêm điều đáng nói là một khi đã làm đúng theo nghị định trên thì không chỉ giáo viên mà ngay cả nhân viên y tế, kế toán, thư viện, bảo vệ… cứ là nhân viên trong trường, trong ngành đều phải làm sáng kiến nộp về trường.
“Bản thân tôi cũng cảm thấy có nhiều bất cập, cũng biết có nhiều giáo viên chép tài liệu trên mạng, thậm chí ra tiệm photocopy thuê người ta làm để có sáng kiến nộp nhưng tôi cũng cố lơ đi, không gây thêm áp lực cho thầy cô” – hiệu trưởng này nói.
Bất hợp lý nhưng cũng phải làm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phụng, trưởng Phòng giáo dục – đào tạo huyện Cái Nước, cho biết nghị định 56 được ban hành ngày 9-6-2015, vào thời điểm đã kết thúc năm học nên chưa thực hiện được, đến năm nay mới áp dụng nhưng vừa mới bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên phản ứng rất dữ dội nhưng không thể làm khác được.
“Theo quan điểm của phòng giáo dục – đào tạo thì không vì SKKN mà đánh giá anh em không hoàn thành nhiệm vụ, còn anh em viết đạt hay không là tuỳ khả năng mỗi người.
Đánh giá giáo viên là phải đánh giá cả quá trình nhưng vì nghị định đã buộc phải làm như vậy, chúng tôi cũng không có cách nào uyển chuyển vì hiện tại vẫn chưa có thông tư hướng dẫn phải làm như thế nào, mà không thực hiện thì không được vì chưa có văn bản nào ngoài nghị định 56 để áp dụng đánh giá viên chức” – ông Phụng nói.
Hiện toàn huyện có 1.699 giáo viên thì có 1.699 SKKN gửi về, trong khi cán bộ ở phòng có 12 người đều được huy động làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật để thẩm định từng sáng kiến của giáo viên, tất cả đều phải hoàn thành trong tháng 5 để kịp đánh giá giáo viên cuối năm.
Cũng theo ông Phụng, việc các cán bộ y tế, thư viện phải làm sáng kiến là do không có văn bản riêng dành cho nhân viên, nên đánh giá vẫn phải theo viên chức thì những người đó cũng phải làm.
“Theo cá nhân tôi thì quy định trên nên áp dụng cho những viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa đánh giá vừa khen thưởng thì phù hợp. Bởi họ đã làm việc cả năm mà chỉ vì không có sáng kiến làm ảnh hưởng cả quá trình thì rất bất lợi cho giáo viên.
Hiện chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc, nhưng rất mong muốn có giải pháp làm thế nào để phù hợp và nhẹ nhàng hơn đối với viên chức sự nghiệp. Nếu được, Chính phủ nên xem xét các điểm d từ điều 26 đến 28 để áp dụng đúng cho từng đối tượng” – ông Phụng kiến nghị.
Còn lãnh đạo Phòng giáo dục – đào tạo huyện Trần Văn Thời cho biết nếu mỗi viên chức hai năm liền bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ra khỏi ngành nên vì cuộc sống, vì nghề nghiệp bắt buộc họ phải làm.
“Chúng tôi cũng rất bức xúc vì công việc của ngành cuối năm đã quá nhiều, mà còn phải tất bật thẩm định hàng ngàn sáng kiến của giáo viên đạt bao nhiêu, sau đó trình UBND huyện để ra quyết định công nhận gửi về các trường, trường mới đánh giá viên chức nên tất cả phải làm cho sớm” – vị này nói.
“Tôi thấy rất bất cập” Ông Võ Hồng Hào, phó chánh văn phòng thi đua khen thưởng Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết phòng tổ chức của sở đã có văn bản đến các trường trực thuộc sở đều phải làm SKKN, ai không có thì đương nhiên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, nếu hai năm liền viên chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đồng nghĩa với việc phải ra khỏi ngành. “Tôi thấy rất bất cập cho giáo viên khi mỗi người mỗi năm phải có một sáng kiến, phải là sáng kiến mới, nhiều người cũng không biết lấy gì để viết. Tôi đã nghe phản ảnh rất nhiều, đồng thời có kiến nghị đến Sở Nội vụ can thiệp để có phương án giải tỏa bớt áp lực cho giáo viên” – ông Hào nói. |