06/01/2025

Biển hiệu đồng phục xanh – đỏ: “Khác biệt hay là chết”

Việc “đồng phục” biển hiệu quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) những ngày qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

 

Biển hiệu đồng phục xanh – đỏ: “Khác biệt hay là chết”

 

Việc “đồng phục” biển hiệu quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) những ngày qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. 

 

 

 

 

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”
Lắp đặt biển hiệu “đồng phục” xanh đỏ trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội – Ảnh: Nam Trần

​Phần nhiều ý kiến cho rằng việc “đóng khung” hai màu xanh – đỏ và một kích cỡ để làm biển hiệu là máy móc..

Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận các ý kiến chuyên gia phân tích những vấn đề liên quan “tuyến phố đồng phục kiểu mẫu” đầu tiên ở Hà Nội nhằm tìm giải pháp cần thiết cho vụ việc đang gây xôn xao dư luận này.

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”

* Họa sĩ Vương Trọng Đức (trưởng khoa thiết kế đồ hoạ ĐH Mỹ thuật VN):

Quảng cáo là sự 
khác biệt

Việc đồng bộ biển hiệu xanh – đỏ về mặt đô thị nghe có vẻ như rất khoa học và rất hợp lý, nhưng nó lại phản tác dụng ở góc độ mỹ thuật – quảng cáo.

Quảng cáo vốn là sự khác biệt (hay đúng hơn là độc đáo), nhưng ở đây các biển hiệu được đánh đồng với nhau nên mất tính quảng cáo và không gây được hấp dẫn cho khách hàng. Trong khi về nguyên tắc quảng cáo, sự khác biệt là điểm nổi trội để hấp dẫn khách hàng.

Nếu ai đến một góc phố Tokyo (Nhật Bản) thì sẽ thấy quảng cáo của họ rất hấp dẫn, rất lạ, rất khác biệt. Hay như ở quảng trường Thời Đại (Mỹ), họ cũng có đủ loại biển quảng cáo, nhiều loại đèn, nhiều vật liệu, kích thước… tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp và từng sản phẩm, nên phố đêm của họ rất đẹp, nhiều màu sắc.

Tất nhiên sự cố gắng với mong muốn làm đẹp thành phố là điều đáng ghi nhận. Họ rất nhiệt tâm và quan tâm tới mỹ quan đô thị. Nhưng phải quản lý ra sao cho đúng, chứ làm không đúng thì có khi lại còn có hại cho đô thị.

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”

* Bà Nguyễn Phi Vân(cố vấn chương trình xây dựng thương hiệu bán lẻ và nhượng quyền Chính phủ Malaysia):

Chủ trương: ổn. 
Thực hiện: có vấn đề

Việc quy hoạch bảng hiệu chuẩn là điều cần thiết trong vấn đề quản lý quy hoạch tổng thể của một khu vực thương mại. Tuy nhiên, tôi có nhiều điểm không đồng ý với cách triển khai ở phố Lê Trọng Tấn.

Thứ nhất, nếu nhìn về nguyên tắc về quy hoạch và thiết kế một dự án, thì dù là một quốc gia, một thành phố hay một khu vực thương mại, chúng đều có một điểm chung là có một tính cách riêng, nói cách khác là một thương hiệu riêng.

Mỗi một khu vực, mỗi một con đường có cái hồn, có cá tính và có dấu ấn riêng của nó. Bạn nghĩ sao nếu VN và Malaysia là hai nước giống hệt như nhau?

Thứ hai là về xúc tiến thương hiệu doanh nghiệp. Bảng hiệu là một phần rất nhỏ nhưng là hệ quả của việc định vị, thể hiện điểm khác biệt cơ bản, thể hiện tính cách và nhận diện của một thương hiệu.

Nếu định vị của một thương hiệu dựa trên điểm khác biệt cơ bản của thương hiệu đó, việc gì sẽ xảy ra nếu tất cả các thương hiệu đều thể hiện giống như nhau? Mà trong nguyên tắc xây dựng thương hiệu, có một cuốn sách kinh điển mà những người triển khai dự án này nên đọc, mang tên Khác biệt hay là chết.

Thứ ba là gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của vùng miền. Việc thể hiện của sự hiện đại và văn minh phải làm tăng thêm giá trị bản sắc văn hóa của một khu vực. Còn nếu biến một con phố lãng mạn thành con đường “đóng khung kiểu mẫu”, phải chăng chúng ta đang đánh mất linh hồn và bản sắc?

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”

* Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn:

Việc làm vội vàng, 
duy ý chí

Việc làm cho mặt tiền của tuyến phố ngay ngắn là chủ trương đúng, nhưng cách làm của quận Thanh Xuân hơi vội vàng, duy ý chí và không có cơ sở.

Tôi không hiểu cơ quan chức năng lấy cơ sở gì để lựa chọn hai màu xanh – đỏ. Bởi những màu sắc đó xếp cùng nhau thì sẽ gây ấn tượng thị giác rất ghê khi nó làm cho mọi sự đa dạng của những cửa hàng, những thương hiệu không còn nhận diện được nữa.

Hiện trạng những biển quảng cáo ở những mặt tiền các phố của Hà Nội bây giờ rất lộn xộn, làm nhiễu loạn thị giác, làm xấu cảnh quan chung của đô thị. Nhưng làm theo cách duy ý chí bắt tất cả phải dùng hai màu thì không ổn.

Việc làm của quận Thanh Xuân đi ngược lại các quy luật kinh tế, quy luật về thị giác. Nếu nói màu đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh là màu của thành phố vì hòa bình thì suy nghĩ đó đơn giản quá.

Như vậy những biển quảng cáo phải phục vụ việc minh hoạ cho ý chí của những người quản lý. Họ chỉ quản lý đô thị chung thôi chứ không thể lấy màu sắc mà họ nghĩ là đúng, là đại diện cho điều này, điều kia để bắt dân phải thực hiện.

Cách làm đó sẽ “giết chết” doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, đồng thời đi ngược lại các quy luật đa dạng.

Việc bắt buộc người dân mặc đồng phục cho tất cả biển hiệu ở các nhà đã kéo lùi lại tất cả những cố gắng để chúng ta tiến tới một nền kinh tế thị trường.

Quận Thanh Xuân nói đã lấy ý kiến những cửa hàng, doanh nghiệp ở đây nhưng các quán bún vịt, quán cà phê thì đâu cần nhận diện thương hiệu? Nhưng các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nước ngoài, họ phải làm sao nếu mở đại lý trên con phố đó?

Có thể quy định đồng nhất về mặt kích thước hoặc có vài kích thước để người dân lựa chọn, nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu chữ trên biển hiệu dứt khoát phải để người dân lựa chọn. Tất cả chính sách đô thị phải phục vụ người dân.

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”

* Ông Võ Thành Trung (tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Square Group):

Cơ quan quản lý 
không được can thiệp 
vào thiết kế

Tại quảng trường Thời Đại (Mỹ), nơi nổi tiếng nhất trên thế giới về quảng cáo ngoài trời, thoạt nhìn các bảng hiệu thấy nó có vẻ rất lộn xộn, với nhiều kích thước khác nhau.

Nhưng tôi đã có dịp quan sát thật kỹ thì thấy trên từng bảng hiệu khổng lồ đó đều có các quy ước rất rõ. Chẳng hạn, mặt tiền bảng hiệu quảng cáo phủ đèn LED chạy dọc các cao ốc chọc trời họ đều thiết kế chừa ô cửa thoát hiểm, an toàn PCCC rất kỹ lưỡng chi tiết.

Và quan trọng hơn, toàn bộ phối cảnh của các bảng hiệu này hoàn toàn phù hợp với không gian của từng công trình kiến trúc đủ lớn của các dãy phố, cao ốc tại khu vực này, tầm nhìn an toàn lưu thông cho tất cả xe cộ qua đây.

Với định hướng quy hoạch trên đường Lê Trọng Tấn, nó sẽ không sai nếu định hướng chỉ dừng lại ở góc độ cơ quan quản lý quy hoạch về mặt kích thước và vị trí cho từng bảng/biển hiệu ở một khu vực cụ thể. Đồng thời, nó cũng là một đề bài vô cùng hấp dẫn, đầy tính sáng tạo cho các nhà thiết kế bảng hiệu tha hồ thể hiện tài năng trên một mặt bằng diện tích bị khống chế như vậy.

Còn việc thiết kế thế nào, sử dụng vật liệu gì cho từng bảng/biển hiệu thì nó thuộc về người kinh doanh, về chủ sở hữu của các thương hiệu này, chứ nhà quản lý tuyệt nhiên không được can thiệp vào.

Trong thiết kế bảng hiệu, yếu tố quan trọng nhất là sử dụng chất liệu gì để tạo nên giá trị nhận diện cho bảng hiệu đó. Vì chỉ khi sử dụng chất liệu đa dạng, cộng với việc kết hợp nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình thiết kế, như chiếu sáng, màu sắc… thì bảng hiệu mới tạo ra sự sinh động, sự khác biệt cho thương hiệu, nhất là vào ban đêm.

* Nhà văn Nguyễn Trương Quý:

Cái đẹp cần sự can thiệp tinh tế

Tôi thấy việc này hoặc không thông minh, hoặc quá máy móc. Hai màu xanh – đỏ lại vốn là hai màu cơ bản quá rõ rệt trong đồ hoạ, cộng thêm chữ trắng nên đụng độ nhiều bộ nhận diện thương hiệu, gây nên những tình huống tréo ngoe.

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”
 

Màu đỏ đại diện cho gam nóng, trong khi màu xanh nước biển là gam lạnh, hai màu hoặc quá thật thà, hoặc quá rõ rệt để tác động thị giác, nếu dùng như những điểm nhấn thì còn có tác dụng.

Ngăn nắp, đồng nhất cũng là một tiêu chí cho quy hoạch. Bản thân tuyến phố Lê Trọng Tấn cũng đã làm được điều ấy bước đầu. Tuy nhiên còn nhiều tiêu chí khác: sự đa dạng, sự phong phú, thậm chí sự tổng hoà của những thứ khác biệt.

Hà Nội đã là một đô thị sinh động nhờ sự đa dạng. Dĩ nhiên nỗ lực chỉnh trang là đáng hoan nghênh, để tránh vết xe đổ của những tuyến đường mới mở mà các mặt tiền nát bươm. Nhưng ngăn nắp mới là bước đầu, cái đẹp còn đòi hỏi sự can thiệp tinh tế hơn nữa.

Biển hiệu đồng phục xanh - đỏ: “Khác biệt hay là chết”

* Nguyễn Tri Phương Đông (họa sĩ thiết kế truyền thông, Houston, Mỹ):

Hồn cốt Hà Nội, có còn nhớ?

Theo cách quy hoạch và không quy hoạch tại VN, con đường đi đến đâu, nhà và các kiến trúc mọc lên hai bên đến đó. Dẫu sao hôm nay, những con đường, nhất là phố trong các đô thị, luôn là các cảnh quan thường trực.

Ngoài việc giao thông, chúng tham gia đẩy mạnh giao tiếp và liên hệ của người dân và các hoạt động xã hội. Những con phố có nhận dạng, tính cách, cảnh quan và sự độc đáo riêng biệt. Nó là khung cảnh làm nên các kỷ niệm, trải nghiệm thú vị, gắn bó với đời sống của cư dân hai bên chúng, và sâu xa, nó phản ánh văn hóa, lịch sử của địa phương.

Làm nên sức sống và đa dạng của các con phố ấy là hàng triệu biển hiệu, bảng hiệu các kiểu.

Bảng, biển hiệu, thiết bị quảng cáo gắn trên mặt tiền của cấu trúc, hay kiến trúc là dấu hiệu bên ngoài cửa hàng, tạo cơ hội cho thương mại và người sử dụng đất để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong việc định vị một cơ sở kinh doanh.

Các loại bảng hiệu ngoài việc cải thiện cơ hội giao tiếp, kinh doanh thông qua các dấu hiệu riêng, còn làm gia tăng sức hấp dẫn và mỹ quan của môi trường đô thị.

Vị tổ sư quy hoạch của Thăng Long xưa đã tạo nên 36 phố phường, theo cách mà ngày nay gọi là bản sắc độc đáo. Các con phố (và hẳn là cả các bảng hiệu nữa) với tên gọi như Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Vải… cùng sự bày biện đầy trực quan, hấp dẫn, không lẫn với nhau và với nơi đâu. Hồn cốt này, các vị hiền tài quy hoạch và quản lý văn hoá Hà Nội có còn nhớ?

Trong một cố gắng mới với tư duy cũ, quận Thanh Xuân đã thực hiện một công trình theo tôi là thiếu hiểu biết. Về quy hoạch kiến trúc, bảng hiệu, thương hiệu, và đồ họa môi trường, và tương tác.

Việc tiêu chuẩn hoá là đúng, và còn cần phải chi tiết, chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn. Như thống nhất cao độ từ mặt đất đến dạ dưới bảng hiệu, kích thước, tỉ lệ diện tích bảng hiệu so với mặt tiền, chất liệu, cường độ và cách chiếu sáng…

Nhưng không nơi đâu có quy định bắt buộc về màu sắc. Vì chúng liên quan đến thương hiệu. Mỗi thương hiệu, nhất là các thương hiệu được thiết kế chuyên nghiệp, đều có quy định riêng, cụ thể và chi tiết, thậm chí phức tạp.

Các thương hiệu được nhận dạng bởi một loạt yếu tố đồng bộ, chặt chẽ và nhất quán. Chúng gồm biểu tượng, kiểu chữ, hình ảnh, các màu và sắc, khẩu hiệu, chú giải và các thông tin. Tổ hợp hình thể này luôn được đặt vào các tỉ lệ quy ước như ngang, dọc, tròn, bầu dục, bán nguyệt…

Khi đặt lên bảng hiệu ngang, thương hiệu nào cũng phải có giải pháp triển khai lại cho phù hợp. Việc áp đặt màu xanh hay đỏ là cách đơn giản để vô cá tính thương hiệu, phá vỡ thiết kế thương hiệu quy chuẩn với bản sắc và nhận dạng khác biệt. Xuất phát từ tư duy quản lý, không từ dân và vì dân, đây chắc chắn là quy định không xứng tầm thủ đô “ngàn năm văn hiến”.

Ví dụ thời sự này là bài học sống động cho các đô thị, nhất là thành phố lớn như Sài Gòn.

Đã đến lúc, dù muộn, cho việc trong kế hoạch tầm nhìn phát triển, thiết lập tiêu chuẩn thiết kế đồ hoạ cảnh quan, thiết kế không gian công cộng, hệ thống thông tin hướng dẫn, đặc biệt là Luật bảng hiệu cho đô thị.

Trật tự thẩm mỹ đô thị luôn bắt đầu từ bảng hiệu.

VŨ VIẾT TUÂN – XUÂN LONG – TRẦN VŨ NGHI ghi