28/12/2024

Thông tin từ đường dây nóng của Thành ủy được xử lý nhanh

Nhiều người dân TP.HCM cho biết thông tin phản ảnh đến đường dây nóng của Thành uỷ đã được xử lý nhanh, rốt ráo, giúp các địa phương quản lý địa bàn tốt hơn.

 

Thông tin từ đường dây nóng của Thành ủy được xử lý nhanh

 

Nhiều người dân TP.HCM cho biết thông tin phản ảnh đến đường dây nóng của Thành uỷ đã được xử lý nhanh, rốt ráo, giúp các địa phương quản lý địa bàn tốt hơn.

 

 

 

 

 

Thông tin từ đường dây nóng của Thành ủy được xử lý nhanh
Khu đất này nguyên là bãi đậu xe ben ở đường 160, P.Tăng Nhơn Phú A, quận 9 đã di dời đi nơi khác nhờ phản ảnh của người dân qua đường dây nóng Thành uỷ TP.HCM – Ảnh: Ngọc Dương

Hơn một tháng qua, hàng ngàn thông tin từ đường dây nóng của Thành uỷ TP.HCM đã được chuyển về để UBND các quận huyện kiểm tra, xử lý.

Theo UBND các quận, tỉ lệ thông tin phản ảnh chính xác cao, nhiều thông tin giúp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Xin lỗi dân và sửa sai

Bà Bùi Thị Nhài (ở Q.9) là hộ kinh doanh cá thể, doanh thu thấp nhưng hằng tháng phải đóng thuế quá cao nên bà phản ảnh với cán bộ thuế tại tổ thuế liên phường. Cán bộ thuế yêu cầu bà làm đơn xin miễn giảm thuế nhưng bà đi lại nhiều lần mà không được xét đơn. Bà bức xúc nên mới phản ảnh đến đường dây nóng của Thành ủy.

Sau khi kiểm tra thông tin, Chi cục Thuế Q.9 cho biết cán bộ thuế hướng dẫn bà Nhài làm đơn xin miễn giảm thuế trong trường hợp này là sai nội dung. Đúng là phải hướng dẫn bà Nhài làm đơn xin xem xét lại doanh thu.

Chi cục Thuế Q.9 đã có thư xin lỗi bà Nhài, hướng dẫn bà thực hiện thủ tục đúng và xem xét trách nhiệm của cán bộ trực tiếp hướng dẫn trước đó.

Tại Q.9, người dân gọi cho đường dây nóng phản ảnh nhiều về vấn đề giao thông như chuyện một bãi xe ben hoạt động ở đường 160, P.Tăng Nhơn Phú A trong khi đầu đường có bảng cấm xe 5 tấn lưu thông.

Ngay sau khi nhận được nội dung phản ảnh qua đường dây nóng, Công an Q.9 đã kiểm tra và xác định thông tin này chính xác.

Ông V., người phản ảnh thông tin này đến đường dây nóng của Thành ủy, xác nhận hiện bãi xe đã được dời đi nơi khác, người dân sống trong đường 160 (vốn chỉ rộng 6m) cảm thấy an toàn hơn khi đi lại.

“Thật cảm ơn đường dây nóng và các cán bộ Công an Q.9 đã đem lại môi trường an toàn cho người dân” – ông V. chia sẻ.

Một người dân tại P.3, Q.Gò Vấp phản ảnh một cán bộ tại quầy tiếp dân của quận có thái độ không đúng mực.

UBND Q.Gò Vấp cho biết tuy thông tin không nói cụ thể đó là cán bộ nào và quận không liên lạc được với người phản ảnh, tuy nhiên với tinh thần cầu thị, UBND quận đã chỉ đạo văn phòng họp cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận để rút kinh nghiệm và quán triệt về thái độ tiếp dân.

Phải nhìn lại mình

Ông Huỳnh Bá Trung Nam, phó chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh, cho biết thông tin qua đường dây nóng của Thành uỷ chuyển về cho quận đa số là phản ảnh về trật tự, phần lớn là những thông tin chính xác giúp địa phương quản lý địa bàn tốt hơn.

Tuy nhiên những thông tin phản ảnh về thái độ, trách nhiệm của công chức khi thực thi nhiệm vụ còn ít. Qua việc xử lý những thông tin này, lãnh đạo UBND quận cũng nhìn nhận rằng vấn đề trật tự lòng lề đường cần phải có chiến lược căn cơ.

Việc ra quân đẩy đuổi người vi phạm không thật sự mang lại hiệu quả lâu dài. Ông Nam cũng cho biết chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh đã chỉ đạo lập đường dây nóng của UBND quận để người dân có nhiều kênh thông tin phản ảnh thắc mắc, bức xúc tới chính quyền.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, chánh văn phòng UBND Q.9, cho biết phần lớn thông tin từ đường dây nóng của Thành uỷ chuyển về cho địa phương đều có giá trị: “Những phản ảnh của người dân góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”.

Tuy nhiên ngoài những thông tin phản ảnh đúng, còn có những thông tin sai lệch, thông tin phản ảnh những vấn đề địa phương đã giải quyết nhiều lần, thông tin không có nội dung, địa chỉ rõ ràng, gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc giải quyết.

Lý giải vì sao những vụ việc xảy ra ở địa phương mà người dân không báo với chính quyền địa phương, bà Bích cho biết có những vụ việc địa phương đã giải quyết nhiều lần, kết quả không như mong muốn của một số bộ phận người dân, nên người dân không phản ảnh trực tiếp tại địa phương mà phản ảnh qua đường dây nóng mong muốn cấp trên giải quyết.

Ông Lê Hoàng Hà, chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, nhận định qua những thông tin đường dây nóng, bản thân ông và cán bộ, công chức của quận cũng tự nhìn lại mình.

“Tôi phải đặt câu hỏi rằng tại sao người dân tiếp xúc nhiều với cán bộ phường, cán bộ quận, gặp lãnh đạo phường, lãnh đạo quận dễ hơn mà họ không phản ảnh, không bày tỏ những bức xúc, lại đi phản ảnh đến đường dây nóng của Thành uỷ?

Có phải do chính quyền địa phương chưa đủ sức làm cho người dân tin tưởng hoàn toàn? Từ đó chúng tôi quyết tâm tìm ra những cái dở, cái xấu của mình để phục vụ người dân tốt hơn” – ông Hà chia sẻ.

“Nóng” chuyện lòng lề đường

Những thông tin đường dây nóng được chuyển đến các quận huyện thường gặp nhất là thông tin về trật tự lòng lề đường.

Người dân Q.9 phản ảnh việc lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến như đại lộ II (P.Phước Bình), khu vực Trường tiểu học Hiệp Phú (P.Hiệp Phú), đường Lã Xuân Oai, chợ Tăng Nhơn Phú…

Còn tại Q.Gò Vấp, nhiều khu vực bị người dân phản ảnh về lấn chiếm lòng lề đường như khu vực quanh chợ Hạnh Thông Tây, đường 5 (P.17), khu vực đường Nguyễn Thị Hồng giao với đường Nguyễn Oanh (P.17), đường Phạm Văn Đồng… Ở Q.Bình Thạnh là khu vực hẻm 479 đường Điện Biên Phủ, đường Phạm Văn Đồng…

Ông Long (ở đường Quang Trung, Q.Gò Vấp) hiến kế: “Việc lập lại trật tự đô thị là tốt, nhưng Nhà nước nên có phương án sắp xếp hoặc tạo công ăn việc làm cho người dân buôn bán để tránh trường hợp dân không có công ăn việc làm phát sinh tệ nạn”.

Một người dân ở gần chung cư Hà Đô nói thêm: “Trước khi dẹp trật tự lòng lề đường, cán bộ nhà nước nên khảo sát thực tế để thấy việc này ảnh hưởng đến dân như thế nào, Nhà nước nên có biện pháp hỗ trợ người dân…”.

Hơn 6.000
 cuộc gọi đến đường dây nóng

Ngày 12-5, Văn phòng UBND TP.HCM đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan để đánh giá về hoạt động của đường dây nóng. Đến thời điểm này, đường dây nóng của Thành uỷ (số điện thoại 08 88247247) nhận được hơn 6.000 cuộc gọi của người dân TP phản ảnh, góp ý, hiến kế… về nhiều vấn đề.

Những vấn đề này được các bộ phận liên quan sàng lọc, phân chia cấp độ và chuyển đến các đầu mối được phân công xử lý. Có khoảng 30% các cuộc gọi đến cung cấp thông tin chưa chính xác, không rõ địa chỉ, không xác minh được…

Dự kiến đến cuối tháng 5, các đơn vị liên quan sẽ sơ kết hoạt động của đường dây nóng và có những đánh giá ban đầu về hiệu quả.

DƯƠNG NGỌC HÀ