Điều tra nghi vấn nước ngọt nhiễm chì
Cơ quan công an đã tới làm việc về những thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC VN nghi bị nhiễm chì.
Điều tra nghi vấn nước ngọt nhiễm chì
Cơ quan công an đã tới làm việc về những thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC VN nghi bị nhiễm chì.
Công ty TNHH URC tại đường số 6, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) – Ảnh: Xuân An |
Ngày 12-5, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (NIFC) Lê Thị Hồng Hảo xác nhận cơ quan công an đã tới làm việc về những thông tin đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC VN nghi bị nhiễm chì.
Vụ việc bắt đầu từ ngày 7-5, khi một người dùng Facebook đưa phiếu kiểm nghiệm số 3600 của NIFC về mẫu nguyên liệu acid citric do Công ty URC VN gửi kiểm nghiệm cho kết quả hàm lượng chì cao, kèm thông tin tố cáo công ty sử dụng nguyên liệu này để sản xuất nước ngọt C2 và Rồng Đỏ.
Ngày 9-5, Cục An toàn thực phẩm lấy mẫu C2 và Rồng Đỏ ngoài thị trường cùng với mẫu nguyên liệu acid citric tại nhà máy để kiểm nghiệm hàm lượng chì. Dự kiến kết quả có vào hôm nay 13-5.
Đến ngày 10-5, chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cũng ký quyết định khảo sát tiền thanh tra 15 ngày tại URC VN, dự kiến tiến hành thanh tra toàn diện sau đó.
Có dấu hiệu bất thường
Ngày 11-5, một số phiếu kiểm nghiệm sản phẩm của URC VN có hàm lượng chì cao được hé lộ. Cụ thể, sản phẩm nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu sản xuất ngày 19-2-2016 (hạn dùng 19-11-2016) có hàm lượng chì là 0,08 mg/l, trong khi quy định là 0,05 mg/l; trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 4-2-2016, hạn sử dụng 4-2-2017) hàm lượng chì là 0,079 mg/l.
Một mẫu trà xanh hương chanh C2 cùng lô sản xuất này có hàm lượng chì lên tới 0,087 mg/l, mẫu nước tăng lực Rồng Đỏ cũng trong lô này có hàm lượng chì 0,085 mg/l…
Điều đáng nói, kết quả kiểm tra mới nhất đối với lô hàng này (ký hôm 21-4) lại cho thấy hàm lượng chì trong trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu có hàm lượng chì đạt ngưỡng an toàn dù cùng cơ sở kiểm nghiệm.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết để đảm bảo khách quan, việc kiểm nghiệm các mẫu trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu lấy ngoài thị trường được gửi kiểm nghiệm tại các viện kiểm nghiệm khác ngoài NIFC.
Ông Phong cũng cho biết sẽ lấy mẫu lưu tại nhà máy các lô sản phẩm kể trên, nếu phát hiện sản phẩm có hàm lượng chì cao mà công ty vẫn bán thì sẽ bị phạt nặng. Ông Phong còn nói vụ việc đã được thông báo cho cơ quan chức năng của Bộ Công an.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, ngày 11 và 12-5 đại diện cơ quan công an đã đến làm việc với lãnh đạo NIFC. Bà Lê Thị Hồng Hảo cho biết các phiếu kiểm nghiệm được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông trong một tuần qua đúng là phiếu kiểm nghiệm của viện. Theo bà Hảo, kết quả ghi trên phiếu chỉ có giá trị với mẫu được kiểm nghiệm.
Trả lời về việc trên mạng xã hội tung ra một bức ảnh chụp lại email nội bộ của URC VN “chi bồi dưỡng” cho hai cán bộ của viện, bà Hảo cho biết đã làm việc và các cán bộ này đều nói không có chuyện đó.
“Tôi nói rất rõ là nếu không trả lời trung thực thì công an cũng vào cuộc, các cán bộ của chúng tôi khẳng định không nhận tiền hoặc quà, kể cả một chai nước từ URC” – bà Hảo nói.
Về hai mẫu trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu cùng ngày sản xuất nhưng lại có kết quả kiểm nghiệm khác nhau, ông Phong cho rằng các lô sản xuất khác nhau có thể cho kết quả kiểm nghiệm khác nhau.
“Hiện Thanh tra Bộ Y tế đang khảo sát và sẽ thanh tra toàn diện URC, các việc tiếp theo để Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục xác minh” – ông Phong nói.
Công an đã vào cuộc để điều tra hàng loạt bất thường xung quanh sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC. Trong ảnh: sản phẩm của URC khá phổ biến với người tiêu dùng – Ảnh: Quang Định |
Đại diện URC nói gì?
Trả lời Tuổi Trẻ về thông tin hai sản phẩm trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu bị phát hiện hàm lượng chì vượt mức cho phép, bà Nguyễn Thiên Hương, đại diện truyền thông cho URC VN, xác nhận có sản phẩm của URC bị xác định có hàm lượng chì cao vượt ngưỡng, nhưng bản chất sự việc không giống như một số thông tin trên mạng.
Theo bà Hương, từ ngày 11 đến 14-1-2016 chính URC tự gửi mẫu đến NIFC và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3 – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học – công nghệ) để kiểm nghiệm.
Kết quả đúng là sản phẩm của URC được NIFC xác định có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Tuy nhiên cùng mẫu đó Quatest 3 lại khẳng định âm tính, không phát hiện hàm lượng chì.
Bà Hương cho hay sau khi nhận kết quả sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng, URC đã gửi lại mẫu lưu của lô sản xuất được NIFC xác định có chì đến năm trung tâm kiểm nghiệm gồm: NIFC, Quatest 1, Quatest 3, Eurofins, SGS và ASE nhưng đều không phát hiện chì. Tuy nhiên, đến lần xét nghiệm thứ ba tại NIFC thì lại phát hiện chì nhưng trong ngưỡng cho phép.
Về thông tin trên mạng cho rằng URC “lobby”, thậm chí đưa tiền để có kết quả xét nghiệm lại là hàm lượng chì trong ngưỡng cho phép, bà Nguyễn Thiên Hương khẳng định đó là bịa đặt. Bà Hương còn nói URC VN nghi ngờ việc có đối thủ cạnh tranh đứng sau việc này, ai đứng sau thì “URC chưa thể thay mặt cơ quan điều tra trả lời”.
Theo bà Hương, cách đây vài tháng có người tự xưng nhân viên công ty đưa thông tin kèm những phân tích tiêu cực về URC VN lên mạng. Đến nay lại có người tiếp tục tung lên.
Bà Hương nêu bản thân URC đã đi xác minh nhưng trong doanh nghiệp không ai có tên như người tự xưng là nhân viên URC VN. Bà Hương nhấn mạnh cách dùng xảo thuật của người này có yếu tố cố tình gây nhầm lẫn khi áp kết quả hàm lượng chì có trong nguyên liệu vào hàm lượng chì có trong sản phẩm.
Về vấn đề công ty đã bán những lô sản phẩm trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao vượt ngưỡng ra thị trường hay chưa, theo bà Nguyễn Thiên Hương, quy trình sản xuất của C2 và Rồng Đỏ được quản trị chất lượng theo nguyên tắc các nguyên liệu phải có giấy chứng nhận an toàn mới được nhập vào nhà máy.
Sau khi sản xuất, sản phẩm phải qua kiểm tra chất lượng rồi mới xuất xưởng, đồng thời lưu mẫu để đối chiếu khi cần. Sau khi mang sản phẩm đi xét nghiệm, kết quả tại NIFC (có chì) là khá bất thường nên URC tiếp tục mang sản phẩm và nguyên liệu đi xét nghiệm tại các trung tâm độc lập khác. “Sau khi có kết quả an toàn từ bốn trung tâm nói trên thì sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành” – bà Hương nói.
Trước câu hỏi về việc thu hồi sản phẩm và trách nhiệm với cộng đồng khi sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức, bà Nguyễn Thiên Hương cho biết dù hai lần bị xác định có hàm lượng chì nhưng thực tế mẫu kiểm nghiệm mà URC VN gửi lại tới năm trung tâm kiểm nghiệm (cùng lô với mẫu bị phát hiện chì vượt ngưỡng)… đều không phát hiện chì.
Đặc biệt, sau lần kiểm tra thứ hai của NIFC phát hiện hàm lượng chì, bà Hương nói Bộ Y tế không lấy mẫu của URC mà trực tiếp đi lấy mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo khách quan, kết quả (ngày 10-5) lại cho thấy không vượt ngưỡng an toàn.
Mẫu mới nhất gồm cả sản phẩm lẫn nguyên liệu mà URC VN gửi sang Trung tâm SETSCO (Singapore) cũng cho kết quả (ngày 11-5) không nhiễm chì. Từ những tình tiết này, bà Hương cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, URC mới xác định được việc có thu hồi hay không và trách nhiệm với cộng đồng như thế nào.
Công ty Trung Quốc cung cấp nguyên liệu Thông tin cho biết nhà cung cấp nguyên liệu có hàm lượng chì cao cho URC VN là Công ty Weifang (Trung Quốc). Rất có thể công ty này còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy sản xuất nước giải khát ở VN. Theo ông Đặng Văn Chính – chánh Thanh tra Bộ Y tế, trong năm 2016 ngoài URC VN, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thêm ba cuộc thanh tra toàn diện tại ba công ty nước giải khát lớn khác và sẽ chú ý đến nguyên liệu đầu ra, đầu vào, thành phẩm và quy trình sản xuất. |