Quốc lộ ngàn tỉ lún nham nhở
Dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Đồng Nai hơn 114km đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, bị lún hàng chục kilômet.
Quốc lộ ngàn tỉ lún nham nhở
Dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Đồng Nai hơn 114km đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, bị lún hàng chục kilômet.
Những khu vực bị hư hỏng rải đều trên quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai – Nguồn & ảnh: Sơn Định – Đồ hoạ: Như Khanh |
Trong các ngày 10 và 11-5, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi trên tuyến đường này, chứng kiến quá nhiều đoạn bị hư hỏng, sụt lún ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và Xuân Lộc (Đồng Nai).
Cụ thể, tại đoạn trước trạm thu phí Trảng Bom (do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận thi công) xuất hiện vết lún kéo dài hàng chục mét.
Qua trạm thu phí khoảng 50m cũng có một số điểm lún đã được cào phẳng. Tại huyện Thống Nhất cũng xuất hiện vết lún nhẹ ở đoạn qua xã Hưng Lộc.
Đồng Nai: cứ đi một đoạn lại thấy lún
Đoạn đường bị hư hỏng nhiều nhất là lúc bắt đầu ra khỏi thị xã Long Khánh qua xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) và kéo dài hàng kilômet đến xã Bảo Hòa.
Nhiều đoạn bị lún ngay cạnh một số vết cào phẳng trước đó. Ngoài ra, tại các xã Xuân Hiệp, Xuân Tâm, Xuân Hòa cũng xuất hiện nhiều vết lún trên đường, nặng nhất là ngay ngã ba Núi Le (thị trấn Gia Ray) tạo thành vệt sâu trên đường.
Ông Dương Văn Tài, ngụ khu 7, thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc), cho biết con đường hoàn thành hơn một năm nay nhưng đã bị lún hai lần. Trước đó, sau khi khánh thành một vài tháng, đoạn ngã ba Núi Le bị lún, đơn vị thi công đã cho cào lớp mặt đường vị trí bị lún và trải lớp nhựa khác.
Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì đường lún lại, đến nay tạo thành vết hằn sâu giữa đường kéo dài hàng trăm mét, chỗ sâu nhất hơn 10cm nhưng vẫn chưa thấy ai đến sửa chữa.
“Người dân ở đây phản ảnh nhiều rồi nhưng chưa thấy giải quyết. Người dân đi qua đây nếu không cẩn thận có thể bị té ngã hết sức nguy hiểm, đặc biệt là vào ban đêm” – ông Tài cho biết.
Phóng viên Tuổi Trẻ còn chứng kiến dọc quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Gia Ray còn nhiều điểm lún khác nhưng cạn hơn, khi nhìn kỹ bằng mắt thường sẽ thấy vết lún kéo dài.
Ông Trần Thanh Quang – trưởng ấp 1, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc – cho biết quốc lộ 1 đi qua xã có chiều dài 9,8km thì có hơn 4km đường bị lún (nặng nhất là từ ấp 5 đến ấp 7). Mặc dù ở nhiều điểm đơn vị thi công đã cào phẳng, nhưng đến nay một số vị trí tiếp tục lún, tạo gờ sóng nhấp nhô.
Thượng tá Ngô Văn Tin – phó Công an huyện Xuân Lộc – cho biết: “Dự án đi qua địa bàn 44km, hiện nay đã xuất hiện nhiều vết lún sâu. Chạy ôtô trên đoạn này xe sẽ bị chao đảo, còn đi xe gầm thấp sẽ bị gầm xe cọ trên các mặt nhựa đường trồi lên”.
Theo ông Tin, ban an toàn giao thông huyện đã kiến nghị chủ đầu tư khắc phục đường sụt lún, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Nhà thầu đến cào mặt nhựa đường trồi lên cho bằng phẳng rồi nay vẫn sụt lún.
Cũng theo thượng tá Tin, ngoài chuyện sụt lún đường, vạch sơn phân làn mờ còn có 33 hố ga hư hỏng chưa khắc phục nên người dân đi lại dễ bị té xuống hố ga.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Huy Triển – chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.II – cho biết sau khi kiểm tra, chi cục đã có văn bản gửi Tổng công ty 319 rà soát toàn bộ tuyến đường và khắc phục ngay những địa điểm bị lún sâu, đều trên 2,5cm, đặc biệt là tại km1793 (ngã ba Núi Le, thị trấn Gia Ray).
Đối với những đoạn đường lún chưa tới 2,5cm thì đơn vị thi công phải tạo phẳng và tiếp tục theo dõi, sửa chữa kịp thời.
Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai dài 114km, vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng bị lún nhiều nơi dù mới đưa vào sử dụng – Ảnh: Hữu Khoa |
Bình Thuận: “tróc da lòi thịt”
Tại km20 thuộc thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, cách trạm thu phí Sông Phan vài trăm mét) xuất hiện tình trạng sụt lún nặng.
Mặt đường tại đây có những rãnh lún xuống, nhô lên do bánh xe tải chạy qua lâu ngày tạo thành, khi lái ôtô qua tài xế cảm nhận được sự gồ ghề của mặt đường, ôtô bị bấp bênh khi bánh xe leo lên leo xuống các bờ rãnh đường nhựa.
Từ trạm thu phí Sông Phan chạy đến thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân với tổng chiều dài 35km dễ dàng thấy nhiều chỗ mặt đường xuống cấp kéo dài, được giặm vá loang lổ giống như mặt đường bị “tróc da lòi thịt”.
Ông Châu Văn Nghĩa – chủ quán tạp hóa trên quốc lộ 1 thuộc km27, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam – cho hay đường bị lún từ nhiều tháng nay, chỗ nào nặng thì được đơn vị thi công kéo xe đến giặm vá, sửa chữa lại mặt đường.
Tại điểm giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 55 thuộc khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đường ở đây cả chiều lưu thông đều xuất hiện nhiều rãnh lún xuống do bánh xe tạo nên.
Đoạn đường từ thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam đi thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân nhiều điểm không có con lươn có vạch trắng phân chia làn đường thì các vạch trắng này đã bị mờ, các gờ trắng giảm tốc độ chạy ngang mặt đường cũng bị bong tróc.
Ông Phạm Văn Nam – giám đốc Sở GTVT Bình Thuận – cho biết đoạn đường trên thi công theo hình thức BOT nên trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công đều có điều khoản về trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa khi xảy ra sụt lún, hư hỏng.
Còn ông Huỳnh Ngọc Thanh – chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận – nói đã liên lạc Cục Quản lý đường bộ IV để phản ảnh về tình trạng sụt lún và phía cục cho biết đã gửi văn bản cho Tổng công ty 319 đề nghị khắc phục.
2.000 tỉ đồng Theo Bộ GTVT, dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến tỉnh Đồng Nai dài hơn 114km có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao), khởi công tháng 4-2014 và hoàn thành tháng 1-2015. Dự án có điểm đầu tuyến nằm tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và điểm cuối tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Thời gian thu phí dự kiến 22 năm 8 tháng (thu phí từ đầu năm 2015). Chủ đầu tư sử dụng trạm thu phí Sông Phan (tỉnh Bình Thuận) để thu phí cho dự án. |