26/12/2024

Tia cực tím lên cao, người da trắng cần cảnh giác

Trên thế giới, tần suất ung thư da đang tăng do sự tăng phơi nhiễm ánh sáng Mặt trời và già đi của dân số. Tại các nước khí hậu nhiệt đới, tiếp xúc ánh nắng Mặt trời quá nhiều càng gây nguy hiểm cho làn da.

 

Tia cực tím lên cao, người da trắng cần cảnh giác 

 

Trên thế giới, tần suất ung thư da đang tăng do sự tăng phơi nhiễm ánh sáng Mặt trời và già đi của dân số. Tại các nước khí hậu nhiệt đới, tiếp xúc ánh nắng Mặt trời quá nhiều càng gây nguy hiểm cho làn da.

 

 

 

 

Tia cực tím lên cao, người da trắng cần cảnh giác 
Bôi kem chống nắng, đeo khẩu trang – găng tay… khi ra đường lúc trời nắng gắt là những biện pháp cần thiết để bảo vệ làn da – Ảnh: Quang Định

 

 

Tuy nhiên ở các nước châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, tỉ lệ bệnh này thấp hơn bởi làn da sậm màu “không hấp dẫn” ánh sáng bằng làn da có màu trắng sáng.

Vì sao ánh nắng gây ung thư da?

Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh – giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong 2-3 năm gần đây có sự gia tăng số lượng bệnh nhân ung thư da đến khám và điều trị nhưng chưa có số liệu cụ thể.

Tia cực tím có bước sóng 280-320nm (tia UVB) gây đỏ da, da bị cháy nắng, phỏng rộp da, tổn thương ADN trực tiếp.

Tia UVA là tia cực tím có bước sóng 320-400nm gây rám nắng và lão hóa da, tạo ra nhiều gốc tự do gây tổn thương ADN gián tiếp; tăng số lượng tế bào viêm trong trung bì. Cường độ UVA ổn định suốt ngày và quanh năm đóng vai trò gián tiếp trong sinh bệnh ung thư da do ánh nắng.

TS.BS Lê Thái Vân Thanh cho biết: “Trong quá trình khám chữa bệnh có những ca khá ấn tượng, bệnh nhân có biểu hiện từ những năm 40 tuổi, đến 20 năm sau mới vào bệnh viện. Bởi ung thư tế bào đáy gây tổn thương tại chỗ, ăn sâu vào, không lan rộng ở những vùng tiếp xúc ánh nắng Mặt trời: mặt, tai, đầu… nên nhiều người không quan tâm”.

Minh họa ý kiến này là câu chuyện của bà N.T.L. (56 tuổi, Bến Tre). Bà L. phát hiện những đốm sắc tố đen trên da từ rất lâu, “không nhớ chính xác mình bị khi nào, cũng không quan tâm vì nghĩ làm nông cực nhọc, suốt ngày phơi nắng nên da bị đồi mồi”. Bà L. chỉ thấy lo khi càng ngày dày sừng càng to lên, lan rộng, thâm, xuất hiện các vảy da…

Theo bác sĩ Thanh, bà L. bị ung thư da tế bào đáy, phát bệnh ở tuổi trên 50, vài trường hợp xuất hiện ở trẻ con. Bệnh có ở cả nam và nữ, thường những người da mỏng, mịn, trắng, tóc hoe hoe hoặc những người da ngăm nâu do thiếu nắng nhiều cũng dễ bị bệnh. Ít khi gặp ung thư ở những người da đen.

Ngoài ra còn có bệnh ung thư da tế bào gai, thường xuất hiện trên tổn thương da từ trước, các nhóm bệnh da tiền ung thư hoặc xuất hiện trên những bệnh da có tính chất viêm mãn tính.

Không quá nguy hiểm

Ung thư tế bào đáy là loại thường gặp của ung thư da (tỉ lệ 50-70%), tiến triển chậm, ít di căn, chỉ ác tính tại chỗ.

Tuy nhiên có thể xuất hiện bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, thường thấy ở vùng đầu mặt 80-90%. Trên mặt thường khu trú ở môi, má, thái dương, đôi khi ở trán, lông mày, rãnh má mũi, da đầu; tai ít gặp hơn. Khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, hiếm khi ở bộ phận sinh dục (1%). Ở niêm mạc không bao giờ gặp.

Khởi đầu bệnh có thể không xuất hiện trên vết dày sừng trước, mà có những u nhỏ trên da lành bằng đầu đinh ghim chắc, màu đỏ hoặc màu hồng, bề mặt nhẵn bóng, có một vảy da mỏng bao phủ, đôi khi có dãn mạch nhỏ, các hạt nhỏ có thể lớn dần bè ra, đôi khi lõm ở giữa.

Thương tổn là một vảy da nhỏ dày sừng màu đỏ tròn đường kính vài milimet thâm nhiễm rất nông, dưới các vảy da bề mặt của thương tổn trợt ra có hơi rớm máu và cũng có những u trên bề mặt rải rác. Hoặc là một vết trợt nhỏ, nông, lõm xuống như ô đê, rất bé màu đỏ sẫm, giới hạn rõ, nền thâm nhiễm nhẹ, thường có một vảy tiết bao phủ.

Đối với ung thư tế bào gai, các thương tổn bắt đầu có sẵn lan rộng ra, lớp sừng dày lên, trên bề mặt thương tổn có thể bị loét, bờ nổi cao lên. Thường khu trú ở mặt, cổ, ung thư tế bào có thể xuất hiện ở cả niêm mạc và bán niêm mạc. Biểu hiện đầu tiên là vết loét có xâm nhiễm màu đỏ sẫm hay có một vết nứt sâu. Sau khi tiến triển nhiều tuần, các tổn thương da và niêm mạc đó biến đổi và hình thành các hình thể ung thư tế bào gai.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư da bao gồm phẫu thuật Mohs (cắt bỏ từng lớp và được kiểm tra bằng kính hiển vi đến khi loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư), phẫu thuật cắt trọn, các phương pháp phá huỷ mô và hoá trị liệu tại chỗ…

Phòng bệnh là cách điều trị từ đầu hiệu quả nhất

Cần đến khám cơ sở chuyên khoa khi có tổn thương da nghi ngờ, diễn tiến bất thường (loét, chảy máu, đau, ngứa, biến đổi tính chất đột ngột…). Không tự ý gỡ, cạy, đắp, phá “mụt” trên da. Cẩn thận theo dõi sát trong những trường hợp tiếp xúc tia xạ lâu dài (để điều trị một bệnh lý nào đó, do nghề nghiệp).

Bôi kem chống nắng giúp tạo nên hàng rào bảo vệ da liên tục. Một sản phẩm bôi chống nắng thể hiện mức độ bảo vệ da chống nắng qua 2 chỉ số SPF và UVA-PF. Các chế phẩm chống nắng có phổ hấp thu rộng với SPF > 30 và UVA-PF > 2* là thích hợp nhất cho việc sử dụng hằng ngày.

Có loại kem chống nắng dạng trong suốt thích hợp cho nam giới, bên cạnh phương pháp bảo vệ bằng yếu tố cơ học: tránh nắng từ 10g – 16g; đội mũ rộng vành, mang khẩu trang – găng – vớ bằng chất liệu vải sợi có màu sậm khi ra nắng…

DIỆU NGUYỄN ([email protected])