23/01/2025

‘Lộ diện’ sách giáo khoa sau 2018: Người dạy phải đổi mới

Khi có sách giáo khoa mới, dù hay đến mấy mà không có các điều kiện đi kèm thì cũng không thể phát huy hiệu quả.

 

‘Lộ diện’ sách giáo khoa sau 2018: Người dạy phải đổi mới

Khi có sách giáo khoa mới, dù hay đến mấy mà không có các điều kiện đi kèm thì cũng không thể phát huy hiệu quả.





 

Học sinh ở TP.HCM học theo mô hình trường học mới– Ảnh: T.Nguyễn


Theo các nhà chuyên môn, những điều kiện để dạy hay là người dạy có tâm huyết và nỗ lực thay đổi, học sinh (HS) phải được học 2 buổi/ngày.
Lo giáo viên ngại khó, ngại khổ
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho rằng sách giáo khoa (SGK) cũng chỉ là công cụ dạy học, có tối ưu đến mấy mà người sử dụng nó không đủ năng lực thì cũng sẽ không có hiệu quả như lý thuyết đặt ra.
Bà Lý thẳng thắn: “Nói thật là tôi rất lo, một mặt thì lo giáo viên (GV) ngại đổi mới, ngại khó, ngại khổ. Mặt khác thì lo GV khi thực hiện tài liệu dạy học của mô hình trường học mới (VNEN) lạm dụng các khái niệm “tự học”, “tự quản”, không phải soạn giáo án nữa, cũng không phải đứng trên bục giảng nói nhiều nữa nên thấy “khoẻ”, phó mặc cho HS rồi lại kêu chất lượng HS giảm sút vì học mô hình này”. Bà Lý cho rằng nhìn hình thức có vẻ dễ thực hiện nhưng để làm đúng bản chất tinh thần đổi mới thì phải trải qua một quá trình thực sự gian khổ, cố gắng.
Chính vì vậy, theo bà Lý, có huyện xin nhân rộng mô hình này ra 100% ở các trường tiểu học nhưng sở GD-ĐT không đồng ý vì chưa đủ niềm tin vào đội ngũ GV. “Chỉ nơi nào GV thực sự tâm huyết, đội ngũ cốt cán đủ chất lượng thì chúng tôi mới cho nhân rộng. Chất lượng giáo dục mà để mất thì sẽ rất khó lấy lại”, bà Lý nhấn mạnh.
Bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội), cũng cho biết khó khăn lớn nhất những năm đầu thực hiện VNEN chính là đội ngũ GV. Nếu GV không thực sự tâm huyết, ngại đổi mới thì sẽ không làm được. Trong từng phút của tiết học, nếu GV lơ là, không tinh là sẽ không biết HS nào cần giúp đỡ. Một bộ phận phụ huynh vẫn lo là khi lên lớp 5, liệu với cách học như vậy con họ có vào được những trường THCS uy tín, có đầu vào cạnh tranh hay không? GV cũng vì không được nói nhiều như trước kia, giảng bài nhiều như trước kia nên lại thêm nỗi lo HS không hiểu bài. Tuy nhiên bà Thanh cho biết từ năm thứ hai thì mọi chuyện nhẹ nhàng hơn.
Còn ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, khẳng định: “Dạy theo VNEN là khó nhưng nghĩ đến HS thì gắng làm, còn nghĩ đến sự vất vả của người lớn thì… thôi”. Dạy học theo VNEN, GV không chỉ có kiến thức sư phạm, có hiểu biết xã hội mà còn phải thật sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập theo đối tượng HS; thực hiện ghi chép nhật ký cụ thể ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
'Lộ diện' sách giáo khoa sau 2018: Người dạy phải đổi mới - ảnh 1

‘Lộ diện’ sách giáo khoa sau 2018

Bộ tài liệu dạy học của mô hình trường học mới tại VN (VNEN) đã được Bộ GD-ĐT chọn để chỉnh lý, hoàn thiện trở thành một trong những bộ sách giáo khoa phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 2018.

Ông Phạm Văn Anh, tư vấn sư phạm cho mô hình này ở Khánh Hoà, nêu dẫn chứng thêm về vai trò của GV. Ông Anh kể có nơi do trình độ dân trí cũng như lo mưu sinh nên dù HS có nhờ bố mẹ nhận xét… thì nhiều phụ huynh cũng không quan tâm. Nhưng nếu GV kiên trì và biết “lôi kéo” thì phụ huynh cũng vào cuộc. Chẳng hạn khi nhận được nhận xét của phụ huynh, GV phản hồi ngay: “Cảm ơn phụ huynh đã nghe và nhận xét con mình”. Chỉ bằng lời cảm ơn của GV mà phụ huynh đã thay đổi hẳn mức độ quan tâm đến việc học của con.
Giảm sĩ số và học 2 buổi/ngày
Ông Đặng Tự Ân, chuyên viên trưởng của mô hình VNEN, cho rằng do có nhiều hoạt động nên nếu không học 2 buổi/ngày thì không thực hiện được VNEN.
Hiện nay cả nước còn khoảng 30% trường tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày và đó là một thách thức. Đến năm 2018 – 2019, khi mô hình này trở thành bắt buộc thì sẽ là một áp lực để chính quyền địa phương đầu tư về phòng học, cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày và giảm sĩ số HS.
Sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất về sĩ số HS chính là Hà Nội và TP.HCM. Ở 2 nơi này, đa số các lớp hiện nay sĩ số rất đông nên tổ chức theo mô hình VNEN không hiệu quả…
Các chuyên gia chỉ ra rằng, quá 35 HS/lớp sẽ rất khó thực hiện mô hình này, lớp học đông lại quây thành nhóm thì sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng quan sát của GV, còn cứ để HS tự học thì chắc chắn sẽ có HS bị tụt lại.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bày tỏ hy vọng những yêu cầu bắt buộc về điều kiện dạy học khi đổi mới chương trình, SGK mới sẽ thúc đẩy các địa phương phải đầu tư chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất trường học.
Phải giảm giá sách

Hiện nay giá của bộ sách VNEN đắt hơn gấp rưỡi so với bộ SGK hiện hành. Nhiều người bày tỏ lo ngại nếu triển khai đại trà sẽ là một gánh nặng không nhỏ cho cả phụ huynh và ngân sách địa phương. Ông Đặng Tự Ân cho biết vì chưa sử dụng đại trà nên số lượng in không lớn, khi sử dụng đại trà thì số lượng in sẽ lớn và giá công in sẽ giảm nên giá sách không cao như hiện nay. Bên cạnh đó, sách hiện nay đắt còn là do in giấy đẹp, 4 màu. Khi thực hiện đại trà có thể in song song loại 2 màu và 4 màu để có thêm sự lựa chọn.
Theo ông Ân, thực hiện bộ tài liệu dạy học của VNEN, lần đầu tiên GV đứng lớp được chính tác giả sách bồi dưỡng trực tiếp. Khi thay sách, mô hình này cũng được Bộ áp dụng đối với tất cả các bộ sách.


 

Tuệ Nguyễn