Một nhóm những người yêu văn hóa cổ đã làm những chiếc đèn lồng Việt để tặng các đình làng
Đèn lồng tặng đình làng
Một nhóm những người yêu văn hóa cổ đã làm những chiếc đèn lồng Việt để tặng các đình làng.
Dịp đầu năm vừa qua, khi đến chơi tết ở đình So (H.Quốc Oai, Hà Nội), các cụ ở thôn Hạ Hiệp (H.Phúc Thọ, Hà Nội) đã tỏ ra rất vui khi nhìn thấy những chiếc đèn lồng màu vàng đẹp và trang nhã, phù hợp với không gian đình làng. Các cụ mê quá và hỏi ở đâu ra có cái đèn như vậy để còn mua. Nhưng đó không phải là đèn bán ngoài chợ. Một nhóm người yêu đình làng đã làm ra nó, trong đó người khéo tay nhất cầm trịch là chàng trai trẻ Đinh Quang Trung (thành viên của nhóm Đình làng Việt, 25 tuổi, đang sống ở Từ Liêm, Hà Nội).
Hợp với đình chùa
“Các cụ trong Ban Khánh tiết đình Hạ Hiệp (ở làng Hạ Hiệp) đã tỏ ý muốn treo đèn lồng hình trụ này thay thế cho đèn lồng ngoại vốn vẫn treo trong đình. Trung đã tự tay làm 6 chiếc đèn lồng hình trụ công đức để các cụ treo nhân hội làng. Đèn cao 1,6 m, màu vàng”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (thành viên nhóm đình làng Việt) nói. “Nhìn chung là các cụ khen lắm. Dân làng thích lắm. Vì cái đèn anh Trung, anh Bình gửi về hợp với đình chùa. Có khả năng sẽ làm thêm đấy”, cụ Đỗ Kim Nhạc, Trưởng ban Quản lý di tích thôn Hạ Hiệp, vừa nói vừa cười hỉ hả.
Theo Đinh Quang Trung, việc làm một chiếc đèn không quá khó. Anh cùng những người yêu di sản Việt đã học làm kiểu đèn này dựa trên mẫu đèn trung thu ở phố cổ Hà Nội. Kinh phí để làm đèn không lớn, nhóm hoàn toàn có thể tự quyên góp. “Nó chỉ có hai cái khung bằng thép ở hai đầu rồi quây vào thôi. Phất vải lên là thành cái đèn. Tổng giá tiền không đắt. Đèn to vậy nhưng nó còn rẻ hơn nhiều nếu mua đèn lồng ngoại cỡ nhỏ ngoài chợ. Tôi làm 6 cái đèn cả công phất, công khâu hết chừng 1 ngày”, Trung chia sẻ.
Đây là đèn có kiểu dáng mang tinh thần thẩm mỹ của người Việt. Nó rời bỏ được màu đỏ vốn không phù hợp với các không gian di tích của ta
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình
Một nhà nghiên cứu mỹ thuật xác định: “Chiếc đèn lồng do nhóm Đinh Quang Trung làm tặng đình Hạ Hiệp rất phù hợp với các hình vẽ ghi chép của Henri Oger về đèn (Henri Oger là nhà dân tộc học người Pháp đã ghi lại các phong tục VN bằng hình vẽ đầu thế kỷ 20 – PV). Đèn lồng do nhóm Trung làm là một sáng tạo từ truyền thống. Đèn lồng Việt có nguồn gốc liên quan đến Phật giáo. Nếu dựa trên các tư liệu do Henri Oger để lại, chúng ta thấy đèn Việt thường dùng cách đan lồng rồi phất giấy lên. Do khí hậu và tôn giáo, người Việt cũng ít dùng màu đỏ. Về kiểu dáng đèn các nước, hội hoạ Nhật Bản có bức thể hiện mỹ nhân cầm đèn lồng được Kikukawa Eizan sáng tác trong những năm 30 – 40 của thế kỷ 19. Đây là loại đèn sa đăng hình trứng kéo dài rất thịnh hành ở Kyoto thời đó. Các geisha cầm đèn lồng là một dấu hiệu nhận dạng, một chiêu dụ khách làng chơi. Ở Nhật Bản và Trung Quốc phố đèn đỏ treo đèn được ngầm hiểu là khu lầu xanh. Tại VN, không có những phố thắp đèn với ý như vậy”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cũng nhận định: “Đây là đèn có kiểu dáng mang tinh thần thẩm mỹ của người Việt. Nó rời bỏ được màu đỏ vốn không phù hợp với các không gian di tích của ta”.
Đèn lồng ngoại trước đây ở đình Hạ Hiệp
“Ai cần, chúng tôi giúp”
Theo anh Đinh Quang Trung, những chiếc đèn lồng ngoại thường có hình quả cầu màu đỏ là những hiện vật ngoại lai, không chỉ liên tưởng tới các nhà hàng, quán rượu mà còn xa lạ với không gian di tích Việt. Có làng ở H.Hoài Đức (Hà Nội), vô số đèn lồng ngoại lai đã được sử dụng. “Rõ ràng là nhu cầu trang trí đèn lồng là có, nhưng những hiện vật như thế người dân không biết mua ở đâu hay mua thứ nào cho phù hợp”, anh Trung chia sẻ.
Cũng chính vì thế mà theo ông Nguyễn Đức Bình, nhóm những người yêu mỹ thuật cổ, yêu đình làng sẽ hỗ trợ các đình làng. “Rất mong các di tích khác nếu có nhu cầu thay thế đèn lồng Trung Quốc thì liên lạc với Ban Quản trị nhóm đình làng Việt. Ai cần đèn lồng, chúng tôi giúp”, ông Bình nói và cho biết thêm với cách tự làm, dạy làm đèn, các đình làng có thể có những mẫu đèn rẻ và đẹp. Bản thân nhóm của ông cũng sẵn sàng hỗ trợ các đình làng trong việc làm đèn.
Năm 2014, Bộ VH-TT-DL cũng đã có một văn bản yêu cầu các địa phương gỡ bỏ các đèn lồng không rõ xuất xứ, có tiếng nước ngoài, không phù hợp với văn hóa VN. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó vì không thể cấm người dân mua bán và treo loại đèn này vì chúng không nằm trong danh mục hàng hoá bị cấm. Chính vì thế, chỉ có thể thuyết phục người dân không sử dụng. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng điều quan trọng nhất là phải thuyết phục được người dân cũng như có một nguồn đèn lồng Việt vừa đẹp vừa rẻ.