23/01/2025

Đại lộ “dài 300 năm”

Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây) còn được nhiều người gọi là con đường “dài 300 năm”.

 

Đại lộ “dài 300 năm”

 

Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây) còn được nhiều người gọi là con đường “dài 300 năm”.





Đại lộ Đông Tây hay đại lộ Võ Văn Kiệt hiện nay /// Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Đại lộ Đông Tây hay đại lộ Võ Văn Kiệt hiện nayẢnh: Diệp Đức Minh


Từ H.Bình Chánh đến Q.2 (TP.HCM), đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây) còn được nhiều người gọi là con đường “dài 300 năm”, bởi tuyến đường này xuyên suốt qua nhiều vùng đất khác nhau của Sài Gòn – TP.HCM.
Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, đây là dự án sử dụng vốn ODA đầu tiên của TP nên cũng là thời điểm chưa có cơ chế chính sách rõ ràng, nhất là công tác đền bù giải toả, dù khối lượng di dời rất lớn. Đó cũng là khó khăn và thách thức lớn nhất khi bắt tay vào thực hiện dự án.
Xóa một vùng nhà “ổ chuột”
Tổng cộng dự án đã di dời gần 10.000 hộ dân và các cơ quan. Tuy nhiên, đây cũng là một dự án khá thành công trong công tác giải phóng mặt bằng vì không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện lớn.
 
 
Đại lộ “dài 300 năm” - ảnh 1
TP.HCM có khoảng 10 triệu dân với gần 6,5 triệu xe gắn máy nhưng giao thông công cộng hiện nay chỉ phục vụ khoảng 9% dân số. Vì vậy, mục tiêu là phải nâng tỷ lệ hành khách sử dụng các phương tiện công cộng lên khoảng 30 – 35% trong vài năm tới nhưng không phải theo cách hô hào suông mà phải đưa ra dịch vụ tiện ích, chất lượng để người dân lựa chọn

Đại lộ “dài 300 năm” - ảnh 2
 
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM
 

Không chỉ giải quyết được bài toán lưu thông mà dự án đã khôi phục được cảnh quan bờ kênh mặt nước dọc theo kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực một thời từng là khu “ổ chuột”. Đồng thời sau dự án, TP có đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm, học hỏi và làm chủ được những công nghệ mới từ các đối tác nước ngoài. “Quan trọng nhất là học hỏi việc tổ chức một đại công trường, có lúc lên đến 1.500 người làm việc”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Với chiều dài 23 km kéo dài từ H.Bình Chánh đến nút giao Cát Lái (Q.2), đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ đã trở thành một nét son của TP.HCM và cả nước. Con đường này đi qua 4 khu vực đô thị với 8 địa bàn quận, huyện có những đặc thù riêng biệt. Từ đông sang tây, đầu tiên là đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở phía Q.2, qua hầm Thủ Thiêm là vào trung tâm hành chính văn phòng lâu đời ở Q.1. Xuôi về phía tây là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang sắc thái người Hoa ở Q.5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước một thời nhộn nhịp kinh doanh sầm uất ở Q.6 và Q.8.
Ngoài việc rút ngắn thời gian và chiều dài lưu thông từ đông sang tây của TP, đại lộ còn có 13 cây cầu lớn nhỏ khác nhau. Những cây cầu ngang theo trục bắc nam đã mang lại hiệu quả còn lớn hơn trong sự phát triển mạnh của vùng đất phía nam TP.
Trục giao thông xanh
Khoảng 6 năm qua, chị Thanh, một cư dân của TP cư ngụ tại Q.6, không còn thấp thỏm với cung đường hằng ngày từ nhà đến Q.1. Nếu như trước đây, cảnh kẹt xe diễn ra thường xuyên vào giờ tan tầm thì nay, điều đó đã đi vào dĩ vãng khi chị xuôi theo đường Võ Văn Kiệt. Theo chị Thanh, nếu đi với tốc độ bình thường từ đường Minh Phụng (Q.6) đến ngay chân cầu Ông Lãnh (Q.1) thì mất thời gian khoảng 20 phút. Trong khi đó, dù chiều dài đoạn từ đường Minh Phụng đi qua đường Nguyễn Trãi với khoảng cách cây số tương đương nhưng thời gian đi lại lên đến 30 phút. Đó là chưa kể hôm nào bị kẹt xe thì có khi mất cả tiếng đồng hồ.
Không dừng lại ở việc rút ngắn thời gian lưu thông của người dân TP, đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ còn tạo tiền đề lớn để phát triển các dự án tiếp theo. Tháng 10.2015, dự án tuyến đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã được khởi công có vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 1.600 tỉ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 20 tháng, khi đưa vào sử dụng sẽ giúp hoàn chỉnh đồng bộ trục giao thông hiện đại từ đông sang tây, xuyên qua trung tâm TP. Phía đông, nút giao thông Cát Lái đã kết nối vào xa lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú kết nối với điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; phía tây đã kết nối với QL1A và sắp tới sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Đoạn đường cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm TP ra các tuyến đường cao tốc về miền Đông, miền Tây được rút ngắn. Đặc biệt, dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông An Phú (Q.2) kết nối đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư (ước tính khoảng 725 triệu USD, tương đương 16.000 tỉ đồng). Nơi đây sẽ thành một khu phức hợp lớn, kết nối các tuyến đường như tuyến metro, đường đi sân bay Long Thành, ga đường sắt cũng như các cầu vượt từ đường cao tốc đến hầm Thủ Thiêm.
Không dừng lại ở đó, trên trục đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, TP đang triển khai thực hiện dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM (tuyến xe buýt nhanh – BRT số 1) chạy dọc theo hành lang đại lộ này. Tổng kinh phí cho dự án BRT số 1 là 137 triệu USD (hơn 3.000 tỉ đồng), trong đó Ngân hàng Thế giới tài trợ 124 triệu USD (khoảng 2.790 tỉ đồng). Tuyến xe buýt nhanh sẽ có 28 trạm dừng và tạo ra sự khác biệt về vận chuyển công cộng như tích hợp wifi, được kiểm soát tự động, đảm bảo tiêu chí đến và đi chính xác, an toàn và tiện nghi cho hành khách. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2019.
Ông Lương Minh Phúc kỳ vọng tuyến BRT số 1 cùng với các dự án metro trong vòng 10 năm tới sẽ tạo ra sự bứt phá về nhiều mặt cho TP, đặc biệt là việc phát triển hệ thống giao thông hiện đại. “Trên thực tế, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân với gần 6,5 triệu xe gắn máy nhưng giao thông công cộng hiện nay chỉ phục vụ khoảng 9% dân số. Vì vậy, mục tiêu là phải nâng tỷ lệ hành khách sử dụng các phương tiện công cộng lên khoảng 30 – 35% trong vài năm tới nhưng không phải theo cách hô hào suông mà phải đưa ra dịch vụ tiện ích, chất lượng để người dân lựa chọn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền”
Dự án đại lộ Đông Tây có vốn đầu tư hơn 14.843 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm 69,14% tổng mức đầu tư. Được khởi công từ tháng 1.2005, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác phần đường phía tây vào tháng 9.2009. Sau đó tiếp tục thực hiện và đưa vào khai thác đường hầm Thủ Thiêm và tuyến đường phía đông (thông xe toàn tuyến) vào tháng 11.2011.
Mục tiêu của dự án là rút ngắn thời gian đi lại, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đông tây của TP; tạo ra con đường ngắn nhất nối khu đô thị trung tâm hiện hữu của TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển thuận lợi cho khu đô thị phía đông TP; thực hiện chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường khu vực dọc theo đại lộ, khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn – Bến Nghé xưa…

 

Mai Phương