23/01/2025

TP.HCM chuẩn bị đường băng đủ rộng để cất cánh

Muốn vươn lên vị trí số 1, TP.HCM cần phải quy hoạch và quản lý đô thị theo từng vùng, phát triển đô thị có kế hoạch và nhất là cần những người lãnh đạo có quyết tâm để thực hiện kế hoạch này.

 DIỄN ĐÀN TP.HCM & KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN

TP.HCM chuẩn bị đường băng đủ rộng để cất cánh

 

 

Muốn vươn lên vị trí số 1, TP.HCM cần phải quy hoạch và quản lý đô thị theo từng vùng, phát triển đô thị có kế hoạch và nhất là cần những người lãnh đạo có quyết tâm để thực hiện kế hoạch này.

 

 

 

 

 

 

TP.HCM chuẩn bị đường băng đủ rộng để cất cánh
Đường cao tốc sẽ giúp TP.HCM kết nối thuận tiện với những đô thị vệ tinh – Ảnh: Châu Anh

Ông Nguyễn Trọng Hoà – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – chia sẻ: Việc xây dựng và phát triển TP.HCM xứng tầm khu vực là điều mà nhiều thế hệ lãnh đạo TP đã quan tâm, trăn trở. Tôi cảm thấy mừng vì đội ngũ lãnh đạo mới của TP đã và đang thể hiện quyết tâm tiếp tục theo đuổi những công việc mà các lớp người tiền nhiệm đã làm.

Mô hình 
“Phân vùng quản lý 
phát triển đô thị”

* Theo ông, TP.HCM đang đứng ở vị trí nào trong khu vực?

– Về diện tích thì TP.HCM xấp xỉ Bangkok, lớn hơn gấp 3 lần Singapore, dân số chỉ đứng sau Bangkok. Sắp tới, khi khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoàn thành thì trong tương lai khu trung tâm của TP.HCM cũng không thua kém các TP lớn khác trong khu vực. Bên cạnh những thành tích về phát triển kinh tế, về an sinh xã hội, chúng ta từng bước có những thành tựu đáng ghi nhận trong xóa đói giảm nghèo, cải tạo môi trường đô thị.

Tuy nhiên, trong quy hoạch và quản lý đô thị, chúng ta có nhiều cố gắng song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ chỉ riêng vấn đề nhà ở, chúng ta vẫn chưa phát triển được nhiều loại hình nhà ở phục vụ nhiều đối tượng có thu nhập khác nhau.

Trong quy hoạch cũng không chỉ ra được chỗ nào xây nhà ở cao tầng, chỗ nào xây nhà ở thấp tầng nên việc tổ chức thực hiện quy hoạch manh mún, hiện tượng phân lô bán nền trong một thời gian dài khá tràn lan làm hiệu quả sử dụng đất không cao…

Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn dắt dây theo nhiều hệ lụy như không kết nối được hạ tầng, làm cản trở sự phát triển… Muốn có đà để vươn lên số 1, trước hết chính quyền cần phải tính toán lại bài toán về mô hình phát triển đô thị.

* Quy hoạch của TP.HCM hiện nay có gì chưa ổn, thưa ông?

– Chúng ta đã ba lần nghiên cứu quy hoạch chung TP, quy hoạch chung quận – huyện và rất nhiều quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, theo tôi trong tình hình hiện nay khi tình trạng ùn tắc giao thông và ngập lụt đang là những vấn đề lớn, bên cạnh đó phải từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu nên cần phải nghiên cứu để “phân vùng quản lý phát triển đô thị”. Các phân vùng này được xác định dựa trên đặc điểm tự nhiên của từng khu vực chứ không theo địa giới hành chính của 24 quận, huyện như hiện nay.

Để “phân vùng quản lý phát triển đô thị”, có thể nghiên cứu thực hiện theo 3 phương án:

Phương án 1, đơn giản nhất, với việc giữ nguyên hệ thống các đồ án quy hoạch chung quận – huyện đã được phê duyệt, dựa trên hiện trạng đất đai, dân số, địa hình, địa chất của từng vùng, cần có sự nghiên cứu điều chỉnh quy mô dân số dự kiến tăng thêm và một số dự án, kế hoạch đầu tư theo quy hoạch chung quận – huyện hiện nay.

Phương án 2, triệt để hơn, với việc phải bỏ hệ thống các đồ án quy hoạch chung quận – huyện đã được phê duyệt và dựa trên hiện trạng đất đai, dân số, địa hình, địa chất, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng vùng để nghiên cứu lập hệ thống đồ án quy hoạch theo phân khu.

Phương án 3 là phương án đã được nghiên cứu đề xuất trong đề án Chính quyền đô thị, phương án này là triệt để nhất, giúp TP phát triển ổn định và bền vững.

* Nếu quy hoạch và quản lý đô thị theo “phân vùng quản lý phát triển đô thị” thì mô hình quản lý đô thị theo địa giới hành chính có còn phù hợp không?

– Lâu nay, việc quản lý đô thị cũng phân theo cấp hành chính nên chuyện quản lý hành chính, quản lý đô thị cứ kết nhau thành một khối, giẫm chân nhau. Bây giờ phải bóc tách ra, quản lý hành chính riêng, quản lý đô thị riêng và phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị hẳn hoi.

Trong đề án Chính quyền đô thị mà TP đã theo đuổi hơn 10 năm đã nêu rõ sẽ phân vùng theo từng khu vực, TP.HCM trong đó sẽ có TP trung tâm và các TP trực thuộc Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi đó, thẩm quyền quản lý đô thị cũng được phân ra theo từng cấp quản lý: có những vấn đề, những phần việc chỉ riêng cấp TP mới có thẩm quyền quyết, chẳng hạn như việc lập quy hoạch đô thị…

Một số vấn đề khác thì có thể phân cấp, phân quyền như cấp phép xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch… Các lĩnh vực trong quản lý đô thị dựa vào đó mà phát triển: xây dựng nhà ở, quản lý sau quy hoạch, phát triển giao thông, giải quyết ngập nước, kẹt xe.

TP.HCM chuẩn bị đường băng đủ rộng để cất cánh
Ảnh: Hữu Khoa
Việc phân vùng quản lý phát triển đô thị này sẽ động chạm đến nhiều vấn đề nhưng sau khi phân vùng thì mọi thứ sẽ thông thoáng và rạch ròi, giải quyết các vấn đề rất rõ ràng. Nếu không bắt đầu từ phân vùng như vậy thì mảng quản lý đô thị của TP không thể “cất cánh” được
Ông Nguyễn Trọng Hoà

Phát triển đô thị 
theo kịch bản

* Lâu nay, việc phát triển đô thị hay gặp phải những vấn đề như thiếu vốn, đầu tư dàn trải dẫn đến quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Quản lý đô thị theo phân vùng có khắc phục được các vấn đề này?

– Có phân vùng rồi thì phải nghiên cứu lập kế hoạch phát triển đô thị. Lâu nay, mình hay nhầm kế hoạch phát triển đô thị với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong khi kế hoạch phát triển đô thị chỉ là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội không thể thay thế kế hoạch phát triển đô thị được.

Quy hoạch phải hướng tới tương lai, tầm nhìn quy hoạch càng xa càng tốt, sau đó phải giải quyết bài toán nguồn lực đầu tư, nhu cầu, khả năng đầu tư, phải có kế hoạch thực hiện các hạng mục trong đồ án quy hoạch, hạng mục nào ưu tiên trước, dự án nào để làm sau, cách thu hút đầu tư như thế nào… Việc này cần phải có các kỹ sư, chuyên gia kinh tế đô thị tính toán kịch bản cho phát triển đô thị và nhất quyết phải tuân theo kịch bản đó để phát triển.

Thực tế cũng có nhiều khu đô thị tại TP.HCM đã bắt đầu từ “không có gì” như Phú Mỹ Hưng. Nhưng thu hút đầu tư ở thời điểm cách đây hơn 20 năm khác với bây giờ… Ngày nay các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, họ đi nhiều nơi để tìm hiểu, cân nhắc, nếu ta không có đủ lợi thế để thu hút hơn những nơi khác thì nguồn vốn đầu tư sẽ không chạy về phía ta. Mất đi rồi rất tiếc.

* Mô hình quản lý phát triển đô thị theo vùng nằm trong đề án Chính quyền đô thị nhưng chưa được trung ương đồng ý. Như vậy ta phải xin trung ương cơ chế?

– Tôi nghĩ TP quyết tâm xin thực hiện mô hình “phân vùng quản lý phát triển đô thị” (một phần của đề án Chính quyền đô thị) thì sẽ dễ được chấp nhận hơn. Vấn đề là TP phải chuẩn bị cho được hạ tầng và nguồn lực để khi trung ương cho phép thì mình thực hiện được ngay.

Chuyện này như mình đi xin chiếc máy bay to. Nếu không chuẩn bị được sân bay lớn và đường băng đủ rộng thì một là đem máy bay về “trùm mền”, hai là máy bay sẽ lòng vòng trên trời rồi bay đi mất. Phải có đủ hạ tầng thì máy bay mới hạ và cất cánh được.

Mấy năm nay, TP.HCM đã chú trọng đào tạo con người qua các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy nên về nguồn lực con người đã có đủ. Giờ chuyển hướng sang nghiên cứu để phân vùng quản lý phát triển đô thị như đã nói ở trên thì xem như ta đã đủ sân bay, đường băng cho TP sẵn sàng “cất cánh”.

Câu chuyện lãnh đạo TP.HCM thuyết phục trung ương cho xây dựng khu đô thị mới phía nam TP là một ví dụ. Khi nghe lãnh đạo TP.HCM trình bày làm đường Nguyễn Văn Linh rộng 120m, nhiều người cười, bảo chắc TP.HCM muốn làm sân bay chứ làm gì có đường lộ kiểu như thế.

Nhưng thời kỳ đó lãnh đạo TP rất quyết tâm, cương quyết bảo vệ quan điểm. Và thực tế đã chứng minh tầm nhìn đó là đúng đắn. Kể chuyện trên để thấy rằng muốn có đột phá, muốn có sự thay đổi thì trước hết người lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ông NGUYỄN TRỌNG HOÀ

D.NGỌC HÀ – M.HƯƠNG 
thực hiện