23/01/2025

Việt Nam trong mắt của các nhà du ký phương Tây

Một loạt sách du ký của các tác giả phương Tây được xuất bản trong thời gian gần đây đã gây được sự chú ý đối với độc giả muốn tìm hiểu về VN ngày xưa.

 

Việt Nam trong mắt của các nhà du ký phương Tây

 

Một loạt sách du ký của các tác giả phương Tây được xuất bản trong thời gian gần đây đã gây được sự chú ý đối với độc giả muốn tìm hiểu về VN ngày xưa.



 


Ảnh chụp tại VN năm 1914 – 1917 Ảnh: Albert Kahn (người Pháp)


Mới đây, Hồi ký xứ Đông Dương của Paul Doume, tác giả cũng là toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902) sau này trở thành tổng thống Pháp đã được xuất bản. Bên cạnh đó là cuốn sách Xã hội VN từ thế kỷ 17 (NXB Tổng hợp TP.HCM) giới thiệu những bản dịch, bài viết của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị từ năm 1941 – 1945, mô tả xã hội VN từ thế kỷ 17 qua sự quan sát, ghi chép của những người phương Tây đến VN vào thời gian đó. Sắp tới, cuốn sách Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn tập hợp những trang viết du ký của các tác giả nhà báo, nhà văn người Pháp Louis Roubaud, Roland Dorgelès, Léon Werth và Michel Đức Chaigneau (Nhã Nam ấn hành) sẽ được ra mắt.
Những nhà du ký, họ là ai ?
Nhà thám hiểm, thương nhân người Ý Marco Polo đã đặt chân tới VN vào khoảng những năm 1290. Mặc dù chỉ tới đây hai lần ngắn ngủi, nhưng những dòng ghi chép của ông đã phác họa phần nào về một số vùng đất thuộc lãnh thổ VN ngày nay. Tiếp đó, nhiều nhà truyền giáo như Odorico da Pordenone, Cha Baldinotti, Cha Borri, các nhà nghiên cứu như nhà tự nhiên học Giglioli… đã đến vùng đất này. Người Ý tự hào họ là những người châu Âu tiên phong trong việc miêu tả vùng đất VN, khai mở cho thế giới về vùng văn minh xa xôi, khác biệt.
Khoảng từ thế kỷ 17, người phương Tây ở nhiều quốc gia khác trong đó có Pháp đến VN mỗi lúc một nhiều hơn. Nhà du hành người Anh William Dampier từ Tây Ấn vượt Thái Bình Dương để sang phương Đông. Ông tới Đàng Ngoài VN vào năm 1688. Trong chuyến đi này, ông đã nghiên cứu, quan sát và ghi chép lại những nét văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo, kinh tế, thương mại… đưa vào trong cuốn du ký của mình. Trong khoảng thời gian từ 1639 – 1645, Daniel Tavernier, một viên sĩ quan phụ trách về kế toán, hành chính trên tàu buôn của Hà Lan đã đến Kẻ Chợ – Đàng Ngoài. Ông đã dành thời gian ghi chép về đời sống, văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo, thiên nhiên… nơi đây. Sau này, anh trai của Daniel Tavernier là Jean Baptiste Tavernier đã dựa vào những bản thảo này để viết lại trong cuốn du ký của mình.

VN qua mắt của các nhà du ký phương Tây 2

Thầy đồ viết câu đối tại Hà Nội năm 1915 Ảnh: Albert Kahn (người Pháp)

Đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… người Pháp tới VN. Có thể kể đến nhà văn – nhà báo Louis Roubaud. Ông đã sang VN vào tháng 2.1930 để thực hiện những bản tin phóng sự về đời sống dân An Nam, trong đó nói đến sự bóc lột của thực dân Pháp. Roland Dorgelès tới VN vào năm 1922, viết thiên phóng sự nổi tiếng Sur la route mandarine (Trên đường cái quan) mô tả cuộc sống, những địa danh, phong cảnh ở An Nam. Hay nhà báo Léon Werth đến VN vào năm 1925. Ông đã viết La Cochinchine (Xứ Nam Kỳ) mô tả nhiều vùng đất miền Nam VN, cùng đời sống của người dân… Ch.B.Maybon, một trong những nhà VN học xuất sắc của Pháp đã viết Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, trong đó đưa ra nhiều thông tin về văn hóa, tín ngưỡng của xứ Nam Hà qua những thông tin có được trong lần lưu lại tại vịnh Đà Nẵng vào năm 1793.
Sớm hơn, vào khoảng thế kỷ 16, nhiều người Bồ Đào Nha đã đặt chân tới VN. “Qua một người bạn Bồ Đào Nha hiện đang làm nghiên cứu, tôi được biết hiện có nhiều tài liệu người Bồ Đào Nha viết về VN được lưu trữ trong các toà thánh nhưng vẫn còn ít được biết tới. Người Bồ Đào Nha có dáng người nhỏ, da ngăm đen, dễ hoà mình với người bản địa. Họ đã nhận xét “người Pháp không đàng hoàng lắm” khi nhìn thấy ý định khai hoá thuộc địa của họ tại VN”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết.
Kho thông tin giá trị
Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, mặc dù là người Pháp, nhưng nhiều nhà văn, nhà báo… tới VN vào đầu thế kỷ 20 không nhìn nơi này là “dân tộc cần khai hóa”. “Có người nhìn về những đất nước thuộc địa thường hay xem thường, thậm chí khinh bỉ. Nhưng những trang viết của các nhà du ký này mang sự tôn trọng, đầy trìu mến với thiên nhiên, con người VN. Họ rất văn minh trong việc vượt qua rào cản phân chia đẳng cấp văn hoá”, ông nhận xét. Theo ông, những trang viết này vừa mang sự háo hức khám phá vùng đất mới lạ nhưng vẫn giữ góc nhìn chân thực.
PGS Nguyễn Thừa Hỉ cho rằng những cuốn du ký của các tác giả nước ngoài mang giá trị trong nghiên cứu lịch sử. “Chúng ta có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Chẳng hạn như thời cận đại, nguồn tư liệu tốt có từ người Pháp, những người từng cai trị, công tác, làm việc tại Đông Dương. Thời trung đại, có 2 nguồn, một là nguồn sách chữ Hán của những người quan sát thực tế đã đến Đại Việt, hai là của các giáo sĩ, thương nhân chủ yếu đến từ Hà Lan, Anh, Pháp… Giá trị của nguồn tư liệu này là những thông tin mắt thấy tai nghe, quan sát trực tiếp. Với cách nhìn từ bên ngoài, có lúc họ nhìn nhận vấn đề rõ hơn so với người bên trong. Những người bên trong không nhìn ra, có thể nhìn vào đó đối chiếu. Điểm hạn chế của những tư liệu này là sự khác biệt văn hóa. Họ mang văn hoá phương Tây nên có thể nhìn nhận một số vấn đề khác đi. Nhưng nhìn chung, cái nhìn của người bên ngoài thường khá trung thực. Ngoài ra, nguồn tư liệu này mang đến nhiều chi tiết đời sống, của những dân thường, mà không mang nhãn quan chính trị”, PGS Hỉ cho biết.
Mặc dù những trang viết du ký, hồi ký của các tác giả nước ngoài mang giá trị như vậy, nhưng có điều đáng tiếc theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Từ trước đến nay chúng ta chưa điểm lại một cách hệ thống những văn bản của các tác giả nước ngoài viết về VN”.

 

Ngọc An