23/12/2024

Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?

Chỉ sau 11 ngày thông báo, với duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ, Tổng công ty Vận tải thuỷ- công ty cổ phần (Vivaso) đã trở thành cổ đông chiến lược khi mua xong 65% Hãng Phim truyện VN (VFS)!

 

Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?

 

Chỉ sau 11 ngày thông báo, với duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ, Tổng công ty Vận tải thuỷ- công ty cổ phần (Vivaso) đã trở thành cổ đông chiến lược khi mua xong 65% Hãng Phim truyện VN (VFS)!

 

 

 

 

 

Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?

Đây là một thông tin gây xôn xao giới điện ảnh trong Nam ngoài Bắc, nhất là khối điện ảnh nhà nước, vì có vẻ như sự không liên quan đến phim ảnh của đơn vị này khiến nhiều người hồ nghi, nhất là khi VFS vẫn được coi là “anh cả” của sản xuất phim nhà nước, có lịch sử hơn nửa thế kỷ.

“Chúng tôi mua hãng phim như ngân hàng mua đội bóng!”

Không phải là không có lý khi nhiều ý kiến cho rằng việc chấp nhận cổ đông chiến lược là Vivaso có gì đó không bình thường, giá trị Vivaso bỏ ra để sở hữu 65% cổ phần hình như quá thấp khi nhìn tổng quan có thể thấy VFS có lẽ là đơn vị sản xuất phim sở hữu một cơ ngơi khá đồ sộ. Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần thì riêng tài sản là đất đã bao gồm 5.443,5m2 đất tại số 4 Thuỵ Khuê – khu đất được đánh giá là đất vàng của Hà Nội, hình thức sở hữu là thuê đất của Nhà nước đã hơn 50 năm qua; 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám – hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa – hình thức sở hữu là giao đất và 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM – hình thức sở hữu là thuê đất của Nhà nước.

Ngoài ra, VFS còn có cơ sở máy móc thiết bị, nhà cửa kiến trúc cùng 94 con người là cán bộ công nhân viên. Dù có không ít khoản kê khai lỗ, nợ đọng nhưng dư luận vẫn cho rằng giá bán ra như thế là bán rẻ, quá rẻ cho một thương hiệu văn hoá tầm quốc gia! Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao trước khi cổ phần hóa, Nhà nước không thu hồi đất và đấu giá lại quyền sử dụng? Nếu sau này đơn vị mua kinh doanh đất theo mục đích khác thì sao?…

Có vẻ là những câu hỏi ngỏ mà phần trả lời của phía Vivaso dường như chưa thể tải hết nhưng Tuổi Trẻ vẫn đưa ra cho rộng đường dư luận.

Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?

Mặc dù là đơn vị kinh doanh không có hoạt động gì liên quan đến văn hoá – nghệ thuật hay điện ảnh nhưng vẫn bỏ tiền ra mua 65% cổ phần VFS, ông Nguyễn Danh Thắng – phó tổng giám đốc Vivaso – lý giải là do “xuất phát từ tình yêu nghệ thuật của ban lãnh đạo Vivaso” và hoạt động của VFS sẽ phục vụ quảng bá hình ảnh của Vivaso.

“Giống như nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá, chúng tôi đầu tư vào đây ngoài mục đích cơ cấu lại để hoạt động kinh doanh có lãi thì còn có nhiệm vụ là một kênh truyền thông quảng bá cho hoạt động, thương hiệu các ngành nghề kinh doanh khác của Vivaso” – ông Thắng nói.

Hơn nửa thế kỷ, giờ tự bơi…

VFS vẫn được coi là “anh cả” của sản xuất phim nhà nước, tiền thân là doanh nghiệp điện ảnh được thành lập theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1953.

Trải qua năm tên gọi từ năm 1959 đến 2011, VFS có các bộ phim nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của mình, có thể kể đến: Chung một dòng sông, Em bé Hà Nội, Chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Canh bạc…

“Không có chuyện 
khuất tất”

Về những nhận định cho rằng mức giá hơn 30 tỉ đồng để bán VFS là quá thấp, theo ông Thắng, việc “định giá giá trị doanh nghiệp” là do bộ chủ quản, ở đây là Bộ VH-TT&DL, cùng với ban chỉ đạo cổ phần hoá, các cơ quan chức năng của Nhà nước xác định chứ Vivaso không tham gia.

Đối với Hãng Phim truyện VN, giá trị thương hiệu được định giá bằng 0 vì hoạt động kinh doanh của đơn vị này thua lỗ từ nhiều năm nay và trong quá trình hoạt động không có chi phí cho quảng cáo.

Đối với diện tích đất trụ sở gần 5.500m2 nằm trên đường Thụy Khuê là đất thuê của Nhà nước, VFS phải trả tiền thuê đất hằng năm nên theo quy định sẽ không được tính vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần h.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bản thân VFS còn nợ tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 5 tỉ đồng và gặp khó trong việc ký tiếp hợp đồng thuê đất. Sau này khi cổ phần h thì nhà đầu tư chiến lược sẽ phải giải quyết những tồn đọng về tài chính, làm thủ tục thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm” – ông Thắng phân tích.

Bán rẻ Hãng Phim truyện VN?
Một số bộ phim nổi tiếng gắn với tên tuổi của Hãng phim truyện VN, từ trên xuống: Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông - Ảnh tư liệu

Khẳng định không có chuyện khuất tất trong việc cổ phần hóa, bởi khi “rao bán” VFS thì chỉ có duy nhất Vivaso đăng ký là nhà đầu tư chiến lược và khi rao bán cổ phiếu thì cũng chỉ có hai người đăng ký mua, ông Thắng giãi bày:

“Mọi người cứ lầm tưởng sau cổ phần hóa chúng tôi sẽ sở hữu diện tích đất trụ sở nhưng chúng tôi sẽ phải thuê lại và sử dụng theo phương án sử dụng đất đã được Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL và UBND TP Hà Nội phê duyệt chứ không phải thích làm gì thì làm.

Hơn nữa, theo quy hoạch 1/2.000 của TP Hà Nội thì vị trí này sẽ làm công viên cây xanh nên muốn đầu tư xây dựng cũng không được, chỉ có thể cải tạo phục vụ hoạt động kinh doanh”.

Cũng theo ông Thắng, điều kiện bắt buộc được Bộ VH-TT&DL phê duyệt khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là sau cổ phần h phải sử dụng 20% vốn điều lệ phục vụ việc sản xuất phim. Trước đây, VFS sản xuất phim theo đặt hàng của Nhà nước, còn sau cổ phần hóa thì được làm theo phương án kinh doanh với mục tiêu có lãi.

Ông Thắng nói: “Sau khi cổ phần hóa thì tư duy hoạt động bắt buộc phải thay đổi chứ không thể như trước. Đương nhiên sẽ phải cơ cấu lại lao động. Sẽ phải chấp nhận việc những ai không còn phù hợp, làm việc không hiệu quả, không tâm huyết gắn bó thì văng ra khỏi guồng quay, còn những ai phù hợp vẫn được giữ lại với chế độ đãi ngộ tốt”.

Về băn khoăn sau khi cổ phần hóa một thời gian, hoạt động sản xuất phim sẽ không còn, điều kiện dành 20% vốn để làm phim chỉ là “bình phong” và có thể thay đổi nếu hoạt động thua lỗ, ông Thắng khẳng định:

“Tiêu chí này là ràng buộc lâu dài, ít nhất phải sau 5 năm nếu muốn thay đổi thì mới có thể điều chỉnh. Ngoài ra trong HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát đều có người của Bộ VH-TT&DL, Nhà nước cũng nắm 20% cổ phần nên mọi quy định ràng buộc rất chặt chẽ”.

Bộ VH-TT&DL sẽ giám sát trong vòng 5 năm

Trả lời PV báo Tuổi Trẻ, ông Trần Hoàng – phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ VH-TT&DL) – cho biết: Việc quyết định lựa chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược được thực hiện từng bước theo đúng nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện theo thông tư số 196/2011/TT-BTC. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đăng báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược (đăng tải trên ba số báo liên tiếp của báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19- 1- 2016, thông báo trên bản tin của công ty đồng thời đơn vị tư vấn cũng hỗ trợ đăng tải lên website của họ).

Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ (15g ngày 26-1-2016, nghĩa là sau 11 ngày kể từ ngày bắt đầu đăng báo), có duy nhất Vivaso nộp hồ sơ đáp ứng đầy đủ tiêu chí và cam kết đã được bộ phê duyệt.

Sau khi cổ phần hóa, trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, công ty lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm đối với bốn lô đất, công ty phải tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim (doanh thu sản xuất phim chiếm trên 90% tổng doanh thu của công ty) và sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có trong hoạt động sản xuất phim, các hoạt động dịch vụ văn hoá.

Toàn bộ người lao động trong đó có nghệ sĩ có nguyện vọng tiếp tục làm việc đều được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật.

Trong vòng 5 năm kể từ ngày chính thức chuyển sang công ty CP, Bộ VH -TT & DL sẽ giám sát việc thực hiện hoạt động của công ty cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. 

Mặc dù Bộ VH-TT& DL chỉ là đại diện chủ sở hữu của 20% vốn điều lệ nhưng có quyền cử ba đại diện ở Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và  Ban giám đốc và họ sẽ là người trực tiếp thực hiện chức năng giám sát và báo cáo Bộ khi công ty cổ phần không thực hiện đúng cam kết.

Tổng số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phần sẽ được dùng vào việc trả nợ tiền thuê đất, các khoản nợ khác, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất và phát hành phim và số tiền còn lại sẽ được dùng để đầu tư cho việc sản xuất phim (khoảng 10 tỷ tương đương 20% vốn điều lệ).

 

T.HOÀNG – C.KHUÊ – V.V.TUÂN