24/12/2024

Làm gì có kiểu lựa chọn quái dị như lãnh đạo Formosa nói

Nhiều chuyên gia trong nước vô cùng bức xúc sau phát biểu của trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi”.

 

Làm gì có kiểu lựa chọn quái dị như lãnh đạo Formosa nói

 

 Nhiều chuyên gia trong nước vô cùng bức xúc sau phát biểu của trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi”.

 

 

 

 

Làm gì có kiểu lựa chọn quái dị như lãnh đạo Formosa nói
Ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội – Ảnh: Văn Định

 

 

“Được cái này thì phải mất cái kia”

Trả lời câu hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội nói: “Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, vì nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.

Trước khi xây dựng dự án này, công ty phải xin phép Nhà nước Việt Nam. Nhiều khi được cái này mất cái kia. Hôm nay Nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ tôi không thể nói xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm.

Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ!

Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái đó mình phải lựa chọn một. Muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng một ngành thép hiện đại?

Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này?

Công tác bảo vệ môi trường của công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn là cố gắng làm theo quy định của Việt Nam.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được”.

Trước ý kiến trên của Formosa, nhiều chuyên gia đã lên tiếng

Formosa “thách đố”

Việc người đại diện Formasa đặt vấn đề “hoặc chọn nhà máy thép” với việc “chọn đánh bắt cá tôm”, có thể hiểu là sự “thách đố” khi doanh nghiệp không xem trọng môi trường, môi sinh, cũng như không trọng thị pháp luật nơi họ chọn thực hiện dự án đầu tư.

Luật bảo vệ môi trường (2014) của VN có tiêu chí rõ ràng để xác định rằng việc bảo vệ môi trường, môi sinh không chỉ là chuyện kiểu “thả con tép bắt con tôm”.

Phát triển một dự án kinh tế, như nhà máy thép Formosa, tiêu chí ưu tiên phải là phát triển bền vững, tức không dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế, cái lợi trước mắt để làm tổn hại môi sinh, làm mất sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo sự tiến bộ xã hội mà trong đó “sức khoẻ” môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sức khoẻ này không chỉ là cứu vựa tôm, mà là cả trực tiếp, gián tiếp tác động đến sức khoẻ của con người. 

Luật sư Châu Huy Quang (Công ty luật RAJAH & TANN LCT Lawyers)

Không đánh đổi bằng hi sinh số phận 
con người

Phía sau con cá, con tôm là số phận của biết bao con người. Nói như Formosa nghĩa là đã chọn nhà máy rồi thì phải chấp nhận đánh đổi hi sinh số phận của con người.

Một khi môi trường đã biến đổi vĩnh viễn tại vùng biển miền Trung thì cũng có nghĩa là VN phải chấp nhận sự mất mát trong cuộc sống của nhiều thế hệ nữa. Formosa nên nhớ sinh mệnh của con người không thể được cân đong đo đếm bằng đồng tiền như thời Trung cổ.

Người Việt chúng tôi chắc chắn sẽ nói không với việc đánh đổi sự mất mát của nhiều thế hệ để chỉ lấy vài tỉ đôla đầu tư.

Có biết bao doanh nghiệp trong nước và nước ngoài làm ăn chân chính sẽ biết cách kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường mà chúng tôi sẽ lựa chọn. Làm gì có kiểu lựa chọn quái dị hoặc nhận tiền, hoặc chết như các ông nói.

GS.TS Trần Ngọc Thơ

Phát triển bền vững, không có khái niệm đánh đổi

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 25-4, ông Nguyễn Tử Cương – trưởng ban phát triển thuỷ sản bền vững Hội Nghề cá VN – cho biết vô cùng bức xúc trước phát biểu của đại diện Formosa về “muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy”.

Ông Cương nói chiều cùng ngày, các lãnh đạo Hội Nghề cá đã ngồi lại với nhau, các lãnh đạo hội khẳng định chúng ta không đánh đổi gì để lấy sự phát triển bền vững của môi trường. Môi trường và an sinh xã hội là hai vấn đề quá lớn và phát triển bền vững không có khái niệm đánh đổi.

“Môi trường sống là điều cả thế giới quan tâm, trong đó có VN. Bất cứ ai nói đánh đổi môi trường sống để lấy cái gì đó là đi ngược với các quy định của VN và thế giới” – ông Cương nhấn mạnh.

Theo ông Cương, hiện khi chưa biết nguyên nhân cá chết vì đâu thì ngư dân chưa thể đi biển được. Vì có đi biển, đánh bắt được thuỷ hải sản thì đem về bờ bán chẳng ai mua.

Khi chưa biết nguyên nhân cá chết vì cái gì thì người nuôi trồng thuỷ sản cũng chưa dám lấy nước biển đưa vào hồ đầm để nuôi. Chỉ khi nào có kết luận cá chết vì đâu, vùng biển đã an toàn hay chưa thì ngư dân mới sản xuất trở lại.

Cá chết trở lại

Liên tục trong hai ngày 24 và 25-4, dọc bờ biển Quảng Bình cá chết trở lại sau vài ngày tạm lắng. Nhiều thương lái xuất hiện với xe đông lạnh chờ sẵn tại các bãi biển để thu mua cá được vớt từ các bãi biển, có nơi mua giá 50.000 đồng/kg.

Theo người dân tại khu vực bãi tắm Đá Nhảy (thuộc thôn Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, Bố Trạch), hai ngày gần đây có nhiều cá chết dạt vào bờ nhưng số lượng không bằng đợt cao điểm trước đó. Phần lớn cá chết đều còn khá tươi, đủ loại, đủ kích cỡ. Dọc bờ biển Nhật Lệ và Bảo Ninh (thuộc TP Đồng Hới) cũng phát hiện cá mới chết dạt vào khá nhiều, có con chỉ mới lờ đờ.

Theo người dân địa phương, xe đông lạnh là của một số doanh nghiệp chuyên thu mua thủy hải sản ngay tại huyện Bố Trạch. Bà Thuận, chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua thuỷ hải sản tại thôn Lý Hoà (xã Hải Trạch, Bố Trạch), cho biết có thể người ta mua cá để xuất khẩu qua Trung Quốc hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Lào, chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, nói: “Chúng tôi đã nắm tình hình và báo cho các cơ quan cấp trên. Việc thu mua cá này không phải để người dân sử dụng nên chúng tôi đang cân nhắc việc phát văn bản”.

Đ.BÌNH – Q.NAM – H.VĂN – V.ĐỊNH