24/12/2024

Đừng chăm chăm “khai thác” di tích Mỹ Sơn

Xung quanh câu chuyện Mỹ Sơn đang bị “Disneyland hoá”, nhiều công trình xây dựng “quá tay” biến các tháp cổ thành hiện vật trưng bày…, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của cơ quan chức năng và người trong cuộc quan tâm đến di sản quốc gia này.

 

Đừng chăm chăm “khai thác” di tích Mỹ Sơn

 

 

Xung quanh câu chuyện Mỹ Sơn đang bị “Disneyland hoá”, nhiều công trình xây dựng “quá tay” biến các tháp cổ thành hiện vật trưng bày…, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của cơ quan chức năng và người trong cuộc quan tâm đến di sản quốc gia này.

 

 

 

 

 

 

Đừng chăm chăm “khai thác” di tích Mỹ Sơn
Nhà bán hàng lưu niệm được xây dựng ngay trong vùng lõi di tích Mỹ Sơn – Ảnh: Thái Lộc

“Xin đừng dẫn quy hoạch được duyệt ra để làm bình phong. Kể cả đã duyệt, nhưng sau đó thấy không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và di tích thì phải thay đổi

Tiến sĩ 
NGUYỄN HỒNG KIÊN

*Xem chùm ảnh cận cảnh: Mỹ Sơn có bị “Disneyland hóa”?

Chiều 25-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Thành – phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) – cho biết việc xây dựng các công trình ở Mỹ Sơn không vi phạm Luật di sản văn hóa.

Không trái với 
Luật di sản

Về những con đường lát đá mới “chói mắt”, ông Thành cho biết con đường này có từ lâu, trước đây lát đá địa phương nhưng gây khó khăn cho việc đi lại của du khách, nên việc thay đá cũ, lát đá mới là cần thiết.

“Đoạn đường cũng là một hạng mục được đề xuất trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Thành nói.

Về hai công trình lớn nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm và nhà bán hàng lưu niệm nằm giữa vùng lõi của các nhóm tháp Mỹ Sơn, ông Thành khẳng định hai công trình này vốn đã tồn tại từ lâu, nay địa phương chỉ tu sửa nên không vi phạm Luật di sản văn hoá.

“Nếu chiếu theo quy định về tu sửa cấp thiết di tích (nghị định 70/2012 và thông tư 18/2012) thì ba hạng mục được phản ánh không động vào yếu tố gốc của di tích, nên địa phương được quyền quyết định thực hiện. Còn sau này, theo quy hoạch thì đây là những công trình sẽ phải giải toả, di dời khỏi vùng lõi di sản” – ông Thành cho biết.

Trả lời câu hỏi “khi biết chắc chắn trong quy hoạch của Thủ tướng phê duyệt sẽ di dời các công trình này khỏi vùng lõi di sản, nhưng địa phương vẫn tiến hành xây dựng (dù trên nền cũ) thì có trái với quy hoạch?”, ông Thành giải thích:

“Việc gia cố hai công trình trong vùng lõi di sản, chỉ là nhà tạm chứ không đào móng, không xây dựng với quy mô lớn hơn, là cần thiết. Nhà chờ bãi đỗ xe chỉ phục vụ khách đi ra chờ xe ở khu vực đó.

Còn nhà biểu diễn bên trong là cần thiết phải cải tạo, để vừa là nơi biểu diễn nghệ thuật, vừa giới thiệu di tích. Nhà dịch vụ phục vụ bán vật phẩm cho khách tham quan”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm việc địa phương xây dựng các công trình đó không trái với Luật di sản, nhưng vẫn cần tham khảo đội ngũ am hiểu về di tích để bảo vệ nguyên trạng các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Có phải là công trình “cần thiết phải cải tạo”?

Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) – từng nhiều năm làm công tác trùng tu các đền, tháp Champa ở Mỹ Sơn và dọc miền Trung – phản biện:

“Tôi mới trở lại Mỹ Sơn cuối tháng 8 năm ngoái, tôi thấy con đường lát đá phiến màu nâu không hề có hư hại gì đến mức phải làm lại. Trước kia, trong các dự án trùng tu – tôn tạo, chúng tôi luôn yêu cầu làm đường bêtông giả đất, vừa đủ thuận tiện cho du khách đi bộ.

Tôi cho rằng việc lát đá “màu xám trắng” là không phù hợp. Sau đó người ta còn làm đường to để ôtô chạy (con đường bêtông màu đỏ – PV)”.

Về những công trình lớn nằm ngay giữa vùng lõi của các nhóm tháp, ông Kiên cho rằng việc xây dựng này là “vi phạm nghiêm trọng khoanh vùng bảo vệ”.

Ông nói: “Tất cả dịch vụ phụ trợ chỉ nên/chỉ được phép cung cấp cho du khách bên ngoài khu di tích. Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều ôtô to vào tận khu dịch vụ chỉ cách phế tích K, nhóm đền – tháp H khoảng 100m. Nhà bán giải khát, đồ lưu niệm và nhà biểu diễn múa Chăm, cổng chào, cầu qua khe Thẻ… đều đã to lớn hơn trước.

Tôi cũng đã nhiều lần khuyến nghị: nên bỏ trò múa Chăm “giả cầy” tại đây đi, nên không thể đồng ý với ông cục phó rằng đó là công trình cần thiết phải cải tạo”.

TS Nguyễn Hồng Kiên nói “không thể có chuyện “thay đổi vật liệu nên không cần xin phép”. Tôi nhớ có lần việc kiên cố hoá cầu cống tại đây bằng bêtông buộc phải ngưng sau khi bị công luận phát hiện, phê phán”.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh: “Xin đừng dẫn quy hoạch đã được duyệt ra để làm bình phong. Kể cả đã duyệt, nhưng sau đó thấy không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và di tích thì phải thay đổi”.

*Mỹ Sơn đang bị… “Disney” hoá?

Không thể mơ hồ từ ngữ gọi là “thay đổi vật liệu”

Hiện nay, các hoạt động như cải tạo, sửa chữa, xây dựng, tu bổ, phục hồi… đối với các công trình là hoạt động thi công xây dựng công trình được ghi nhận trong Luật xây dựng, không thể mơ hồ từ ngữ gọi là thay đổi vật liệu.

Đối với các công trình là di tích đặc biệt như di sản thế giới Mỹ Sơn thì việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phê duyệt theo Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 được sửa đổi, bổ sung bởi luật số 32/2009/QH12 và được hợp nhất tại văn bản số 10/VBHN-VPQH ngày 23-7-2013. Không thể nói chúng ta sử dụng các nghị định, thông tư dưới luật mà không cần quan tâm đến quy định của luật.

Có những nghị định, thông tư hoặc quyết định của các cơ quan, cá nhân khác nếu trái luật thì phải bị huỷ bỏ, thu hồi như là nguyên tắc cơ bản nhất về áp dụng pháp luật.

Nhiều công trình có ý nghĩa, giá trị văn hoá lịch sử hiện nay đang được “tân thời” một cách phi văn hóa, thiếu sự thẩm định cẩn trọng, thiếu ý kiến chuyên môn và chạy theo các lợi ích kinh tế tức thời nên đang gây ra những cuộc cưỡng bức giá trị văn hoá.

Luật đã ghi rõ “việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích” (điều 32 Luật di sản văn hoá).

Thế nhưng, các di tích nhiều nơi đang bị biến dạng vì chẳng mấy khi chúng ta thấy việc xây dựng đảm bảo quy định rất quan trọng này.

Chúng ta có các luật lệ để bảo vệ các giá trị văn hoá nhưng cần sự nhận thức một cách có trách nhiệm, sự tuân thủ với tinh thần cao nhất để đảm bảo các giá trị văn hoá được bảo vệ.

Luật sư LÊ CAO 
(Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

V.V.TUÂN ghi