24/12/2024

Đánh giá cao nhưng vẫn kêu ca

Từ 24 trường thí điểm đầu tiên vào năm học 2011-2012 và mở rộng thí điểm tại 1.500 trường tiểu học trên cả nước năm 2013, đến nay đã có trên 2.300 trường với hơn 450.000 học sinh áp dụng mô hình trường học mới (dự án VNEN).

 MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI, NHIỀU MỐI LO – KỲ 1:

Đánh giá cao nhưng vẫn kêu ca

 

 

Từ 24 trường thí điểm đầu tiên vào năm học 2011-2012 và mở rộng thí điểm tại 1.500 trường tiểu học trên cả nước năm 2013, đến nay đã có trên 2.300 trường với hơn 450.000 học sinh áp dụng mô hình trường học mới (dự án VNEN).

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá cao nhưng vẫn kêu ca
Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Phương, Nha Trang đến từng nhóm học sinh để hướng dẫn theo mô hình VNEN – Ảnh: V.Hà

Nhiều địa phương cũng triển khai toàn phần hoặc một phần mô hình VNEN đối với những trường nằm ngoài dự án. Tuy nhiên, VNEN vẫn chưa bao giờ thật sự thuận chiều dư luận.

“Vỏ” vậy, nhưng “ruột” chưa chắc vậy

Cùng đi với đoàn chuyên gia của dự án VNEN đến nhiều địa phương đang triển khai mô hình trường học mới như ở Hà Tĩnh, Khánh Hoà, TP.HCM, Hà Nội… mới hiểu vì sao một sự đổi mới được đánh giá cao với rất nhiều ưu điểm lại vẫn song hành với nhiều kêu ca của phụ huynh, giáo viên đến thế.

Tại Trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội, lớp học theo mô hình VNEN dễ dàng được nhận ra so với lớp truyền thống do cách học sinh được ngồi theo nhóm với 4-5 học sinh/nhóm. Lớp học được trang trí góc bạn bè, hòm thư bạn bè, góc học tập, thư viện… khá sinh động.

Khác biệt thú vị đối với những người quan sát tiết học là sự tự tin, mạnh dạn của học sinh với sự điều hành của chủ tịch hội đồng tự quản và các trưởng ban, trưởng nhóm học tập.

Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân – trưởng nhóm chuyên gia dự án VNEN, người trực tiếp tham gia tập huấn mô hình này – đã nhận ra ngay những điểm sai cơ bản.

Theo hướng dẫn của giáo viên Trường Nam Từ Liêm, mỗi nhóm học tập trong lớp VNEN có một bảng con sử dụng chung trong nhóm để viết kết quả. Học sinh chỉ có tài liệu học tập, không có đủ vở viết, vở nháp để thực hiện các thao tác cá nhân.

“Không phải VNEN là thay đổi cách ngồi học truyền thống bằng ngồi theo nhóm. Đó chỉ là bề ngoài, không phải bản chất của phương pháp dạy học mới. Mỗi học sinh cần có vở ghi, vở nháp, tài liệu để tự tìm hiểu, thực hiện bài tập trước khi thảo luận, trao đổi trong nhóm theo phương thức “mặt đối mặt” (theo nhóm, theo cặp)” – ông Ân giải thích.

Qua ghi nhận thực tế, điều đáng chú ý là những nơi đang hiểu chưa đúng mô hình VNEN lại không phải ở các tỉnh khó khăn, mà là ở các thành phố lớn, nơi giáo dục có điều kiện phát triển hơn.

Trong buổi làm việc với đoàn chuyên gia của dự án VNEN tại TP.HCM vào giữa tháng 4-2016, một lãnh đạo trường tiểu học ở Q.2 hồ hởi cho biết cô đã chỉ đạo giáo viên đứng quan sát trên bục giảng, khi cần giải thích một vấn đề gì học sinh không hiểu, giáo viên đề nghị các em cùng hướng lên bảng (theo lối truyền thống). Với sự linh hoạt này, cô hi vọng học sinh sẽ không phải quay vẹo người nhìn lên bảng khi đang ngồi theo nhóm.

Trao đổi về sáng kiến này, ông Đặng Tự Ân cho rằng đó là một thể hiện của cách hiểu sai. Mô hình VNEN không có việc giáo viên phát lệnh chung với cả lớp hoặc ghi bài học lên bảng, mà học sinh hoàn toàn làm việc trong nhóm.

Khi trong nhóm có học sinh không hiểu bài, có vấn đề mà nhóm không thống nhất, không cùng hợp tác được thì trưởng nhóm giơ hình “mặt mếu” để giáo viên hỗ trợ bằng cách đi tới nhóm để trao đổi, giải thích, hướng dẫn…

“Do hiểu sai nên ở nơi này, nơi khác mới có việc phụ huynh lo ngại trẻ em bị lác mắt, cong vẹo cột sống do học mô hình VNEN. Nhưng nếu thực hiện đúng là học sinh chỉ hoạt động trong phạm vi nhóm sẽ loại trừ lo ngại này” – ông Ân trao đổi.

Cô Ngô Thị Thanh, hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm, chia sẻ: “Tuy giáo viên, phụ huynh không ai phủ nhận việc học sinh trở nên tự tin, mạnh dạn, biết cùng nhau tổ chức hoạt động học tập, vui chơi, nhưng tâm lý của nhiều giáo viên là sợ học sinh không hiểu bài với cách học tập mới nên vẫn muốn “cầm tay chỉ việc”. Nhiều thầy cô vẫn không bỏ hẳn thói quen giảng giải chung với cả lớp theo lối truyền thống. Đây cũng là cản trở mà các trường thực hiện mô hình VNEN cần rút kinh nghiệm”.

Lo ngại học sinh “tụt hậu” và giáo viên “quá nhàn”

Bà Nguyễn Thị Hải Lý, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết toàn tỉnh hiện có 129/267 trường thực hiện mô hình VNEN, 100% trường tự nguyện thực hiện toàn phần mô hình xuất phát từ thành công của các trường thí điểm cách đây ba năm.

Nhưng khi chia sẻ về những lo ngại, bà Lý thẳng thắn cho biết: “Tôi vẫn luôn thấy “gợn” một điều là làm sao để giáo viên có thể quan sát, nắm chắc quá trình tiếp thu kiến thức và hình thành năng lực của mỗi học sinh. Giả sử trong nhóm có 1-2 học sinh yếu nhưng quá nhút nhát, không dám bày tỏ, các em nói dựa theo bạn, copy kết quả làm bài của bạn. Nếu giáo viên không biết việc này thì học sinh đó đã kém sẽ càng tụt hậu”.

Bà Hoàng Thị Lý, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cũng cho biết hiện tỉnh có 43 trường tiểu học thực hiện mô hình VNEN. Mặc dù được đánh giá tốt nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT không muốn nhân rộng mô hình quá nhanh, mà muốn “chậm chắc”.

“Việc triển khai mô hình xét về hình thức thì không khó làm. Nhưng để làm đúng tinh thần của mô hình VNEN, tạo được chuyển biến trong việc phát triển năng lực học sinh là điều không dễ, đòi hỏi từng giáo viên phải hiểu biết, có sự đầu tư chuẩn bị và thật sự tâm huyết” – bà Hoàng Thị Lý nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên tiểu học ở các trường Phước Tiến, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đều cho biết giáo viên dạy VNEN không phải nói nhiều, chủ yếu quan sát, hướng dẫn các nhóm tự quản, tự học. Nhưng để có tiết học tốt, giáo viên cần phải chuẩn bị rất kỹ từ nhà, trao đổi với các trưởng nhóm trước giờ học…

“Nếu quan sát kỹ, giáo viên sẽ phát hiện những học sinh không hiểu bài trong các nhóm qua thái độ, cách viết, làm bài tập, cách trả lời, trình bày ý kiến trong nhóm. Tuy không phải giảng bài nhiều như trước nhưng nếu “buông” cho trưởng nhóm điều hành hoàn toàn thì giáo viên nhàn, nhưng kết quả giáo dục sẽ thụt lùi” – cô Võ Thị Ánh Nguyệt, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Phương (Nha Trang), chia sẻ.

Ý kiến này cũng trùng hợp với những kêu ca thời gian qua của phụ huynh ở nhiều nơi về tình trạng “con bị tụt hậu” khi học VNEN. Có những phụ huynh nhận xét VNEN chỉ tốt cho học sinh làm trưởng nhóm khi các em này phải chủ động học tập, điều hành nhóm, quán xuyến hoạt động của nhóm.

Sẽ tiếp tục mô hình trường học mới

Dự án VNEN sẽ kết thúc cuối tháng 5-2016 nhưng theo ông Đặng Tự Ân, các địa phương vẫn có thể tiếp tục triển khai mô hình này trên cơ sở thành quả của các trường đã thí điểm. Bộ GD-ĐT đang xem xét việc chỉnh sửa, bổ sung tài liệu dạy học của VNEN để xây dựng chương trình – SGK mới cho bậc giáo dục tiểu học.

Còn VNEN ở bậc trung học tuy đã được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm tại 1.600 trường THCS và cũng được nhiều tỉnh, thành chủ động triển khai mở rộng ở bậc học THCS, nhưng vẫn còn rất nhiều lúng túng, bất cập khi ở bậc học mới có những đặc trưng riêng về chương trình môn học, thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi học sinh…

VĨNH HÀ ([email protected])