24/01/2025

Tại sao phường Tân Định chặn được nạn câu cá kênh Nhiêu Lộc?

Từ mong muốn của người dân sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), các cơ quan chức năng cho rằng vẫn có nhiều cách ngăn tình trạng này trong khi chưa có quy định xử phạt.

 

Tại sao phường Tân Định chặn được nạn câu cá kênh Nhiêu Lộc?

 

Từ mong muốn của người dân sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), các cơ quan chức năng cho rằng vẫn có nhiều cách ngăn tình trạng này trong khi chưa có quy định xử phạt.

 

 

 

 

 

Tại sao phường Tân Định chặn được nạn câu cá kênh Nhiêu Lộc?
Người dân mong muốn không còn phải thấy cảnh câu cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc – Ảnh: Châu Anh

Đặc thù của thuỷ sản trên nhiều tuyến sông, kênh rạch TP.HCM là được tái tạo rất nhiều thông qua các biện pháp thả cá giống, cải thiện môi trường nước. Tuy hành vi câu cá chưa có quy định xử phạt nhưng các địa phương vẫn có thể vận dụng những hình thức khác như việc tụ tập đông người, đậu – để xe ở lòng lề đường, xả rác xuống kênh để xử lý theo quy định

Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM)

* Ông Trần Trọng Nghĩa 
(phó chủ tịch UBND P.Tân Định, quận 1, TP.HCM):

Địa bàn phường không còn người câu cá

Địa bàn P.Tân Định có khoảng 2km đường Hoàng Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đoạn kênh chảy qua địa bàn phường có nhiều khúc uốn lượn, rất tiện việc câu cá nên ban đầu có nhiều người câu cá đến chọn làm nơi thả mồi, buông câu.

Những năm gần đây, UBND P.Tân Định áp dụng nhiều biện pháp ngăn người câu cá trên kênh nên hiện giờ gần như không còn người câu cá trên kênh Nhiêu Lộc đoạn chảy qua địa bàn phường.

Trước hết, các khu phố có đoạn kênh Nhiêu Lộc chạy qua xây dựng quy chế tự quản của riêng khu phố có nội dung không được câu cá trên kênh.

Quy chế này cùng được người dân đồng tình và nhắc nhở, giám sát nhau, không để người dân trong khu phố câu cá trên kênh. Người nơi khác đến câu cá sẽ được người dân hoặc trưởng khu phố đến nhắc nhở, mời đi chỗ khác vì khu vực này có quy chế không được câu cá.

Lực lượng chức năng của UBND phường sẽ xử phạt người đi câu cá để xe máy dưới lòng đường, xử lý hành vi xả rác ra công viên, tịch thu cần câu không có chủ, tịch thu cá vô chủ thả lại xuống kênh…

Một số trường hợp phải mời về UBND phường làm bản cam kết nếu muốn nhận lại cần câu hoặc nhận lại xô, thùng đựng cá. Những trường hợp câu cá về khuya sẽ được công an kiểm tra hành chính…

Sau khi xử lý tất cả hành vi trên, người câu cá sẽ được UBND phường hoặc trưởng khu phố, công an nhắc nhở, vận động không câu cá trên kênh và lưu lại thông tin về họ tên, nơi cư trú. Người câu cá sẽ ngại, không xuất hiện câu trên địa bàn phường nữa.

Bên cạnh đó, UBND phường và khu phố vận động những người dân sống gần kênh làm “tai mắt” cho UBND phường, hễ thấy người câu cá xuất hiện là báo về phường để lực lượng chức năng tuần tra, xử lý ngay.

* Ông Trần Đình Vĩnh 
(chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM):

Đã kiến nghị ban hành quy định xử phạt

Sau khi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được cải tạo, TP.HCM đã tốn nhiều chi phí cho việc mua con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên tuyến kênh này. Tuy nhiên cùng với đó là tình trạng đánh bắt cá theo kiểu tận diệt như: chích điện, chài lưới, câu chùm và tình trạng câu cá trên kênh xuất hiện.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP) phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền vận động người dân không đánh bắt cá, câu cá trên tuyến kênh này.

Qua theo dõi những khu vực nào có sự quan tâm của chính quyền địa phương, cắt cử lực lượng tuần tra, nhắc nhở thì ở đó tình trạng câu cá giảm. Tuy nhiên ở nhiều nơi tình trạng này còn xảy ra gây sự phản cảm và bức xúc trong người dân.

Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thấy cần có quy định xử phạt, chế tài hành vi này nên đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị UBND TP ra quy định liên quan việc cấm đánh bắt cá có thời hạn trên kênh cũng như hình thức xử lý nếu người dân vi phạm.

Được biết để việc ra quy định chặt chẽ, UBND TP đã xin thêm ý kiến từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ra quy định này. Hi vọng quy định về cấm, xử lý tình trạng câu cá trái phép trên kênh sớm được ban hành.

* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):

Áp dụng quy định khu vực bảo tồn

Kênh Nhiêu Lộc trước đây bị ô nhiễm, Nhà nước phải bỏ nhiều chi phí làm bờ kè, xử lý nước thải và thả cá để cải thiện môi trường nước.

Người dân bức xúc, đòi xử phạt những người câu cá trên kênh một phần vì tiếc công sức của chính quyền và nhiều người dân khác đã cố gắng cải thiện môi trường cho dòng kênh.

Vậy có thể xem dòng kênh này là một khu vực cần được cải thiện môi sinh, bảo tồn hệ sinh thái để được hưởng chế độ như những khu bảo tồn thiên nhiên trong một thời gian nhất định.

Trong thời gian này, Nhà nước có thể quy định cấm khai thác thuỷ hải sản trên kênh, đặt bảng cấm câu cá trên kênh vì khu vực đang được bảo tồn. Như vậy, những người câu cá sẽ bị xử phạt như người có hành vi xâm phạm khu vực được bảo tồn thiên nhiên hoặc khu vực được bảo tồn hệ sinh thái.

Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, hướng dẫn và đề ra các tiêu chí về khu vực sông, kênh đang cần phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường thật chặt chẽ để tránh tình trạng áp dụng tràn lan, làm ảnh hưởng quyền được đánh bắt thuỷ hải sản của người dân trên các kênh rạch tự nhiên khác.

K.YÊN – Q.KHẢI ghi